06/09/2015 05:38 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Một con tàu do Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) chế tạo để phục vụ nhiệm vụ tuyệt mật vào năm 1974, dưới thời Chiến tranh Lạnh, vừa bị đưa đi rã thành sắt vụn.
Con tàu bị loại bỏ vì một lý do "lãng xẹt" là bởi giá dầu sụt giảm, qua đó khép lại quá khứ oai hùng của nó.
Kế hoạch hoàn hảo
Câu chuyện của con tàu bắt đầu vào tháng 9/1968, khi một tàu ngầm diesel mang tên lửa hạt nhân chiến lược thuộc loại Golf-II của Liên Xô, với tên gọi K-129, gặp tai nạn. K-129 đang hoạt động trên Thái Bình Dương khi nó lặn xuống độ sâu vượt mức cho phép và phát nổ. Toàn bộ thủy thủ đoàn 98 người thiệt mạng.
Con tàu cùng 3 quả tên lửa đạn đạo và 2 quả ngư lôi, đều mang đầu đạn hạt nhân, đã chìm xuống đáy biển. Nó nằm yên ở độ sâu hơn 5.000 km dưới đáy biển. Nhờ hệ thống giám sát hoạt động của tàu ngầm SOSUS, Mỹ đã biết ngay về vụ tai nạn. Phía Mỹ cũng biết rằng Liên Xô đã mở chiến dịch quy mô nhằm tìm kiếm và trục vớt con tàu trong vòng 2 tháng, nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc.
Về phía mình, Mỹ đã xác định được con tàu đang nằm tại khu vực cách Hawaii 2.400 km về phía Tây Bắc. CIA mở chiến dịch trục vớt mang tên Dự án Azorian, nhằm thu lấy các quả tên lửa hạt nhân, bên cạnh thiết bị mã hóa thông tin liên lạc của phía Liên Xô.
Vấn đề là CIA cần phải thực hiện nhiệm vụ trong bức màn bí mật, bởi việc điều tàu trục vớt sẽ dễ dàng bị phía Liên Xô phát hiện và phản ứng. CIA đã lôi kéo tỷ phú Howard Hughes tham gia vào nhiệm vụ.
Dưới một câu chuyện được CIA nhào nặn cẩn thận, Hughes đã cho đóng một con tàu thăm dò cỡ lớn tại công ty đóng tàu Sun Shipbuilding & Drydock ở Pennsylvania. Con tàu được đặt tên là Hughes Glomar Explorer. Hughes còn tuyên bố với báo chí rằng ông cần con tàu kiểu này để khai thác khoáng sản như quặng mangan dưới đáy biển.
"Nếu người Nga biết về mục đích thực của nhiệm vụ, chúng tôi sẽ phải hủy bỏ nó và toàn bộ tiền của sẽ đổ xuống sống xuống bể" - David Sharp, người đã có 50 năm làm việc cho CIA và trong năm 1974 là phó phụ trách hoạt động trục vớt K-129, cho Reuters biết.
Tan vỡ vỏ bọc
Dù CIA đã từng ném hàng tỷ đô la vào các loại máy bay và tàu vũ trụ bí mật, họ chưa bao giờ chế tạo thứ gì như Glomar. Con tàu có chi phí chế tạo lên tới hơn 350 triệu USD, tương đương với 1,6 tỷ USD theo mức độ trượt giá hiện nay, nhưng chỉ để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là trục vớt K-129.
Để làm được điều này, nó có một chiếc tời khổng lồ với càng gắp 8 chấu, giúp việc lôi con tàu ngầm của Liên Xô lên khỏi đáy biển trở nên dễ dàng hơn.
Do có thân quá rộng, không thể đi qua Kênh đào Panama, tàu Hughes đã phải lượn vòng qua Mũi Cape để tới được Thái Bình Dương. Tháng 8/1974, con tàu đã trục vớt được một đoạn thân tàu K-129 dài chừng 45 mét.
Sharp, nay đã 81 tuổi và là tác giả cuốn Nhiệm vụ mật vĩ đại nhất của CIA, thừa nhận Dự án Azorian đã không thành công hoàn toàn. Nguyên nhân do càng gắp đã bị hỏng và vì thế, chỉ có phần mũi tàu cùng thi thể của 6 thủy thủ Liên Xô được mang lên bờ. CIA đã không thu được các quả tên lửa, cũng như thiết bị mã hóa thông tin liên lạc.
Bức màn bí mật quanh nhiệm vụ tan vỡ vào tháng 6/1974, sau một vụ đột nhập vào trụ sở của Hughes ở Los Angeles. Những kẻ đột nhập đã mang đi nhiều tài liệu, gồm một bản ghi nhớ gắn nhiệm vụ trục vớt K-129 với tỷ phú.
Vòng tròn các cá nhân biết về dự án được mở rộng nhanh chóng. Cuối cùng, tờ Los Angeles Times tung hê mọi chuyện ra trước dư luận, trong bài viết dài hơi đăng vào tháng 2/1975. "Nguồn tin (đã kể câu chuyện cho Los Angeles Times) không bao giờ được nhận dạng" - các tài liệu giải mật sau này của CIA cho biết - "Do lớp vỏ bọc của Glomar không còn, Nhà Trắng đã hủy bỏ ý định tiếp tục hoạt động trục vớt."
Nhiệm vụ Glomar có một kịch bản thời hậu Chiến tranh Lạnh: năm 1998, Giám đốc CIA khi đó là Robert Gates đã trao cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin một đoạn video đã cũ, ghi cảnh hải táng 6 thủy thủ Nga trên biển.
Giã biệt một con tàu đặc biệt
Năm 1999, Glomar được hoán cải thành một giàn khoan nước sâu và đổi tên thành GSF Explorer. Con tàu được công ty Transocean mua lại vào năm 2010 và đã tham gia nhiều hoạt động khoan khai thác xa bờ, từ Vịnh Mexico tới Angola.
Con tàu có một bãi đậu trực thăng và một hệ thống giàn khoan cao 51 mét, giúp nó có thể khoan sâu tới 10 km. Trong thời kỳ hoàng kim, con tàu thường được thuê với giá hơn 400.000 USD mỗi ngày. Nó có thể chứa thủy thủ đoàn 160 người và vẫn khoan bình thường trong điều kiện biển động, nhờ 11 thiết bị ổn định cực mạnh.
Nhưng trong bối cảnh giá dầu tụt xuống gần ngưỡng 40 USD/thùng và nhu cầu khoan khai thác từ các công ty như Royal Dutch Shell cùng BP giảm xuống, các con tàu cũ kỹ không có hợp đồng sản xuất, lại phải bảo trì tốn kém, đã dần bị loại bỏ.
Transocean đã quyết định khai tử GSF Explorer vào tháng 4 vừa qua. Tổng cộng, công ty loại bớt 20 con tàu khoan khai thác ở độ sâu lớn. Nhưng có điều chắc chắn là chẳng con tàu nào trong số đó sở hữu lý lịch đặc biệt như GSF Explorer.
Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất