'Tàu Nhật 3 năm chở một nữ sinh' & cơn đói chuyện cổ tích giữa đời

18/01/2016 07:36 GMT+7

(lienminhbng.org) - Vừa qua, báo chí rầm rộ đưa tin cả một đoàn tàu ở Nhật Bản đã điều chỉnh giờ chạy từ ga Kami-Shirataki, bền bỉ hoạt động trong 3 năm chỉ để đưa một nữ sinh trong vùng đi học tới khi cô tốt nghiệp. Câu chuyện khiến độc giả nức lòng về hành động nhân văn của người Nhật Bản.

Song, không lâu sau, một trang báo khác đã xác minh độc lập và “nói lại cho rõ” rằng câu chuyện đã được những người sản xuất thông tin xử lý thông tin theo hướng “lãng mạn hóa”.

Cụ thể, cô bé nữ sinh không phải là hành khách duy nhất trong các chuyến tàu. Lập tức, những người đã ngợi ca đoàn tàu quay lại chỉ trích về sự thiếu minh bạch, méo mó thông tin.

Những chuyện tử tế khác cũng bỗng chốc chịu sự hồ nghi sau “câu chuyện đoàn tàu”.


Chuyến tàu chỉ đón duy nhất một nữ sinh? Ảnh: citylab.com

Cũng cần nhắc lại, trước đó, sau “thảm họa kép” năm 2011 ở Nhật Bản, có rất nhiều câu chuyện tình người chia sẻ trên các trang mạng và cả các trang báo bị phanh phui là bịa đặt…

Cũng trong tuần, việc tên tội phạm khét tiếng Mexico Joaquin "El Chapo" Guzman bị tóm sống sau 6 tháng kể từ ngày vượt ngục cũng là tâm điểm dư luận. Vẫn như mọi khi, báo chí đưa tin về kẻ tội phạm như một hình tượng truyền thông theo xu hướng “lãng mạn hóa”.

Nhiều bài báo mô tả cuộc sống xa hoa của y. Nhiều bài báo khác thuật lại các cuộc đào tẩu ngoạn mục như phim của “ông trùm” khỏi những nhà tù khét tiếng. Các cuộc cầu hôn, tỏ tình “hoành tráng” của Guzman cũng được mô tả tỉ mỉ bằng thái độ kính nể.

Còn thông tin về những tội ác hắn gieo rắc để có được gia sản kếch xù, phi pháp chỉ xuất hiện nhỏ lẻ trong những dòng thông tin ngắn. Nghịch lý, trên “sân khấu” truyền thông, tên tội phạm được cũng được “lãng mạn hóa” rồi vào vai người hùng. Và, cái ác không những được vô tình thỏa hiệp mà còn được cổ súy.  

Cả hai câu chuyện đều dùng một xảo thuật truyền thông cơ bản: spin thông tin. Spin là một thuật ngữ truyền thông dùng để chỉ sự thao túng, xoay trục thông tin. Theo đó, các thông tin sẽ được lựa chọn và đưa ra trên các kênh truyền thông theo hướng bất lợi hoặc có lợi tùy vào mục đích người sản xuất thông tin.

Câu chuyện về đoàn tàu ở Nhật Bản và ông trùm Mexico chỉ là hai trong số hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện vẫn đang bị xoay trục thông tin ngày ngày. Có lẽ, những người sản xuất thông tin không cố tình chuyển hướng thông tin vì mục đích xấu nào song vô thức họ spin để giải tỏa ẩn ức khát thèm “chuyện cổ tích giữa đời” của công chúng và có thể, cả chính bản thân người viết.

Nhưng, thông tin về sự tử tế, hình tượng tử tế sẽ chóng “hết thiêng” khi các câu chuyện bị tô vẽ quá nhiều, các hình tượng được “lãng mạn hóa” và dựng lên nhan nhản (từ anh “hot boy” dàn cảnh dắt người già qua đường để chụp ảnh “tung phây” tới tên trùm tội phạm phóng motor vượt ngục).

Quả là hư hư thực thực.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm