Tai nạn đường sắt thảm khốc ở Tây Ban Nha: Lỗi con người?

27/07/2013 09:19 GMT+7 | Trong nước


(lienminhbng.org) - Ngày 26/7, những thông tin đầu tiên về nguyên nhân vụ tai nạn tàu Alvia gây chết nhiều người ở Tây Ban Nha bắt đầu được công bố và có nhiều dấu hiệu cho thấy lái tàu đã đóng vai trò lớn trong thảm họa đường sắt tồi tệ này.

Viên lái tàu, được báo chí địa phương xác định là Francisco Jose Garzon Amo, đã có "thành tích" chạy tàu tốc độ cao nhiều lần.

Lái tàu mê tốc độ

Người đàn ông 52 tuổi này từng lên mạng xã hội Facebook để khoe về việc mình chạy tàu quá nhanh, tới mức sắp sửa bị phạt. Sự kiện khoe khoang này diễn ra vào năm 2012 và Garzon Amo đã tải một bức ảnh lên Facebook có cảnh đồng hồ tốc độ của tàu Alvia do ông điều khiển đạt mức 200km/h. Dưới bức ảnh là lời bình luận: "Tôi đã chạm ngưỡng giới hạn tốc độ và không thể đi nhanh hơn nữa, nếu không người ta sẽ phạt tôi. Thật tuyệt vời khi có thể chạy song song cùng Guardia Civil (cảnh sát Tây Ban Nha) và khi đi ngang qua họ sẽ kích hoạt rađa bắn tốc độ. Haha, Renfe (công ty điều hành đường sắt Tây Ban Nha) sẽ lãnh khoản tiền phạt lớn".

Lái tàu Garzon Amo bị thương sau vụ tai nạn lật đoàn tàu Alvia do ông điều khiển

Báo chí Tây Ban Nha cho biết Garzon Amo đã làm việc cho Renfe trong 30 năm qua và trở thành lái tàu phụ trong năm 2000. Ông ta trở thành lái chính vào năm 2003 và mới chỉ nhận lấy quyền điều khiển tàu từ lái tàu thứ hai khi cách phía nam thành phố Santiago de Compostela, địa điểm xảy ra vụ tai nạn lật tàu, khoảng 100km.

Theo các thông tin đã được đăng tải trên báo chí, một trong hai lái tàu chỉ nhận ra rằng con tàu đang di chuyển quá nhanh không lâu trước khi nó bị trật đường ray. Người này đã gọi điện cho Renfe nói rằng: "Tôi đang di chuyển với tốc độ 190km/h, tôi sẽ bị trật đường ray".

Hôm 26/7, tờ El Pais của Tây Ban Nha đã công bố điều tra sơ bộ của cảnh sát Tây Ban Nha cho biết nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do lái tàu đã không kịp hãm phanh khi điều khiển tàu di chuyển với tốc độ vượt giới hạn cho phép (80km/h) tới 2 lần.

Kết quả là đoàn tàu do Garzon Amo điều khiển gặp tai nạn ở khúc cua cuối đường hầm, ngay sau khi vừa ra khỏi ga ở khu vực ngoại ô của Santiago de Compostela trong chiều ngày 24/7. Các cảnh quay từ camera an ninh cho thấy đoàn tàu đã đâm vào bức tường bêtông bên đường, khiến ít nhất 13 toa chở hành khách trật khỏi đường ray, trong đó 4 toa bị lật, nhiều toa bị bốc cháy. Vụ tai nạn đã làm ít nhất 78 người chết và hơn 140 người bị thương.

Cảnh sát hiện đã bắt giữ Garzon Amo vì bất cẩn gây nên tai nạn.

Ảnh chụp đồng hồ tốc độ của tàu Alvia do Amo tải lên Facebook, cho thấy nó đã chạm mốc 200km/h

Không chỉ một cá nhân có trách nhiệm

Renfe dường như cũng nghiêng về khả năng lỗi con người. "Đoàn tàu không có vấn đề gì khi hoạt động và đã vượt qua cuộc kiểm tra kỹ thuật trong buổi sáng hôm xảy ra tai nạn. Hồ sơ của tàu cho thấy nó hoạt động hoàn toàn bình thường" - Chủ tịch Renfe là Julio Gomez-Pomar Rodriguez nói với các nhà báo.

Thế nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời về việc điều gì đã xảy ra. Các chuyên gia nói rằng chỉ đổ cho tốc độ cao là chưa đủ sức thuyết phục và những vụ tai nạn như thế này thường có nhiều nguyên nhân. Theo giáo sư Roger Kemp thuộc Học viện kỹ thuật Hoàng gia Anh, việc một đoàn tàu chạy với tốc độ cao như thế, ở một khúc cua như vậy, thì lật tàu gần như là chuyện khó tránh. Ông nói rằng giới chức Tây Ban Nha chắc chắn sẽ phải trả lời câu hỏi về việc vì sao tín hiệu cảnh báo liên quan tới tốc độ của đoàn tàu đã không được ai để ý tới.

"Câu hỏi lớn hiện nay là vì sao đoàn tàu lại chạy nhanh gấp đôi giới hạn cho phép. Chắc chắn phải có những cảnh báo về thị giác dễ nhận thấy để giảm tốc, chưa nói tới các cảnh báo bằng âm thanh và qua hệ thống giám sát tốc độ điện tử" - ông nói.

Được biết cuộc điều tra hiện nay của cảnh sát Tây Ban Nha đang tập trung vào hướng hệ thống phanh của tàu có bị hỏng hay không và các tín hiệu cảnh báo đã làm việc ra sao. Cá nhân lái tàu Garzon Amo hiện mới khai rằng tín hiệu cảnh báo tốc độ có vang lên trong khoang lái tàu, nhưng ông ta đã không kịp hãm phanh.

Hình ảnh cho thấy đoàn tàu bị trật bánh khi lao vào khúc cua với tốc độ cao
Có ý kiến cho rằng vụ tai nạn đã có thể được ngăn chặn, nếu như nhà chức trách lắp đặt các hệ thống giảm thiểu rủi ro trên đường ray. “Vụ tai nạn này xảy ra sau thời gian chờ đợi dài hơi. Tây Ban Nha đã triển khai kế hoạch tham vọng khi phát triển mạng đường sắt cao tốc trong những năm 80. Nhưng đã có lúc Renfe cạn tiền và hệ thống đường sắt Tây Ban Nha giờ là sự pha trộn lẫn lộn giữa đường ray tốc độ cao (chạy thẳng liên tục) và đường tốc độ thấp (có nhiều đoạn đường cong), với các thiết bị đo tốc độ khác nhau. Tàu cao tốc chạy trên các tuyến đường sắt như thế phải hết sức cẩn trọng" - Michel Chevalet, một nhà văn chuyên về khoa học và công nghệ cho tờ The Hindu biết.

Ông nói thêm rằng trên đoạn đường sắt nơi xảy ra tai nạn có 4km đường không phải loại cao tốc. Có thể do chi phí đền bù đất quá cao nên người ta đã không làm đường cao tốc ở đây. Các đoàn tàu, vì thế, chỉ có vài giây để giảm tốc từ mức hơn 180km/giờ xuống dưới 80km/giờ. "Điều gây kinh ngạc về mặt an ninh là đoạn đường sắt này được cả tàu Ave (tàu siêu nhanh với tốc độ tới 250km/giờ) và tàu Alvia (tốc độ tới tối đa 180 km/giờ) sử dụng. Các con tàu Alvia lại không được trang bị hệ thống ERTMS có khả năng tự giảm tốc nếu lái tàu phớt lờ tín hiệu giảm tốc độ.

Renfe giải thích rằng 4km đường kể trên nằm ngay gần ga tàu, nơi các lái tàu đều phải giảm tốc. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Rafael Catala, công tác an toàn tại đoạn đường này đã được đảm bảo "tương xứng" và nguyên nhân tai nạn chỉ là do "lỗi con người".

Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, cơ quan điều tra của cảnh sát và Bộ Các vấn đề cơ sở hạ tầng đã mở cuộc điều tra song song nhằm vào vụ tai nạn, với kết quả cuối cùng sẽ công bố khi việc điều tra hoàn tất.

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm