Barca bổ nhiệm HLV Tata Martino: Phiêu lưu với 'truyền nhân của Bielsa'

24/07/2013 11:00 GMT+7

(lienminhbng.org) - Gerardo “Tata” Martino là một trong những HLV được gắn với biệt danh “El Loco” (gã điên), là một người chịu nhiều ảnh hưởng về chiến thuật của Marcelo Bielsa. Barca đang chờ phong cách của “Bielsista” sẽ mang đến thành công mới cho đội bóng sau khi hai bên ký hợp đồng có thời hạn 2 năm.

Xét về nhiều mặt, chiến thuật của Tata Maratino có nhiều nét tương đồng với lối đá mà Barca đang vận hành. Nhưng thành công hay không là cả một câu chuyện dài.



Tata Martino mang đến hy vọng, nhưng cũng có vấn đề đáng lo ngại

Tin vào triết lý “Bielsista”

Luis Enrique được lòng Sandro Rosell, nhưng Andoni Zubizarreta và những quan chức phụ trách bóng đá ở Camp Nou không thích. Villas-Boas là một ứng viên đầy tiềm năng, nhưng Chủ tịch Rosell không thể mời về, bởi chi phí cho việc giải phóng hợp đồng lên đến 14 triệu euro. Những vướng mắc này dẫn đến quyết định cuối cùng: Tata Martino thay Tito Vilanova, trở thành HLV thứ 52 trong lịch sử Barca.

Barca chọn Martino vì Messi, điều đó đúng một phần. Tata Martino có nhiều kinh nghiệm, và thường tạo cơ hội cho những cầu thủ “cây nhà lá vườn”. Nhưng trên tất cả, Zubi nhất quyết đưa Tata Martino về với Barca vì ông được xem là “truyền nhân” của Marcelo Bielsa. Trong mắt giới truyền thông Argentina cũng như Tây Ban Nha, Martino là một “Bielsa”.

Trên thực tế, “Bielsa” xuất hiện lần đầu tiên năm 2007, khi Martino trả lời phỏng vấn El Grafico. Ông đã tự thừa nhận mình đam mê chiến thuật và cách chơi của Bielsa, nhờ khoảng thời gian làm việc chung với nhau ở Newell’s đầu thập niên 1990 (giành chức vô địch Argentina 1991, Clausura 1992, và Á quân Copa Libertadores 1992).

Trong thời gian làm việc và rất thành công trên đất Paraguay, Martino gần như chỉ áp dụng các giải pháp chiến thuật mà ông học được từ Bielsa: tấn công, tấn và tấn công. Đôi khi, các đội bóng của Martino vẫn tấn công theo cách “điên rồ”, và luôn nằm trong nhóm ghi nhiều bàn nhất.

Đam mê 4-3-3

Ngay khi biết Tata Martino là người thay Tito Vilanova, nhật báo Sport, một tờ “ngôn luận” của đội bóng xứ Catalunya, đã nhấn mạnh rằng ông “có trong mình ADN của Barca”. Phép so sánh ấy đến từ tư tưởng tấn công 4-3-3 mà Martino vẫn thường dùng. Trong chiến thuật của Tata, hai hậu vệ cánh thường lên rất cao để tham gia tấn công. Bộ ba tiền vệ rất đa năng, với một người làm nhiệm vụ phòng thủ. Riêng hàng công là mũi đinh ba luôn di chuyển đa dạng.

Trong cách chơi của Tata Martino, việc 7-8 cầu thủ tham gia tấn công là điều rất đỗi bình thường. Tư duy của Tata là bóng phải di chuyển liên tục, đặc biệt là xoay quanh hàng tiền vệ để bóp chết lối chơi của đối thủ. Chiến lược gia 50 tuổi này cũng yêu thích “số 9 ảo”. Martino luôn đòi hỏi các cầu thủ gây áp lực cao nhất ngay cả khi không có bóng. Mỗi lần mất bóng, cầu thủ buộc phải chạy theo đối thủ để có thể giành lại bóng nhanh nhất.

Trong phòng thay đồ, Tata luôn tôn trọng tất cả các cầu thủ, và gần gũi với họ. Ông có một quan niệm về các học trò: “Tôn trọng cầu thủ là cách tốt nhất để họ nhận thấy giá trị của mình và có động lực để đá với khả năng cao nhất”.

Có thể thấy, Tata Martino có quá nhiều điểm tương đồng với tiki-taka mà Barca đang vận hành.

Điểm yếu chết người

Zubi hoàn toàn tin tưởng Martino có thể tiếp nối Pep Guardiola và Tito Vilanova để kéo dài chu kỳ thành công của Barca. Những gì Martino đã và đang làm là căn cứ để Zubi hy vọng vào thành công.

Thế nhưng, có một sự thật: Martino không phải là mẫu người có tính kiên nhẫn cao (một điểm chung của rất nhiều HLV Argentina). Hơn nữa, ông không hề có kế hoạch B khi dẫn dắt các đội bóng của mình. Thời điểm Barca tiếp xúc với Tata để bàn hợp đồng cũng gắn liền với những thất bại liên tiếp mà Newell’s trải qua. Newell’s thua 4 trong 5 trận cuối cùng với Martino, để rồi bị Atletico Mineiro loại khỏi bán kết Copa Libertadores dù thắng 2-0 trận lượt đi.

Ở Newell’s, Martino chỉ có một giải pháp duy nhất cho hàng công là xếp Scocco đá “số 9 ảo”. Khi các đối thủ đã tìm ra cách hóa giải lối chơi, Martino không thể xây dựng phương án B. Điều này là sự lặp lại hoàn toàn của Barca mùa giải vừa qua. Barca cần làm mới, trong khi Martino cũng đi chung lối mòn!

Một điểm nữa, Martino đã quay 180 độ so với chính mình, trong thời gian dẫn dắt Paraguay. Phòng ngự và phòng ngự, đó là những gì ông đặt ra cho Paraguay, đặc biệt là World Cup 2010. Thành công tại Nam Phi nhờ lối chơi “phản bóng đá”, khi Paraguay luôn có hai tiền vệ phòng ngự đá rất thấp, và hai “số 9” phòng thủ nhiều hơn tấn công. Paraguay chỉ ghi 3 bàn sau 5 trận World Cup 2010, trong đó có trận thắng “rùa” Nhật Bản ở tứ kết. Hình ảnh của Paraguay cho thấy, Martino không trung thành tuyệt đối với triết lý của Bielsa - người cả đời theo đuổi bóng đá đẹp.

Các cule có chấp nhận một Barca đang đầy chất thơ bị biến thành kẻ “phản bóng đá”, khi đổ cả đội hình phía trước khu cấm địa?


Barca lãi 32 triệu euro

Barca tiếp tục gặt hái được những thành công về mặt tài chính. Theo báo cáo của phó Chủ tịch phụ trách tài chính Javier Faus, trong cuộc họp Hội đồng quản trị, Barca đạt doanh thu 491 triệu eruo trong mùa giải 2012-13. Con số này nhiều hơn 21 triệu euro so với bản kế hoạch được vạch ra năm ngoái, trước khi bước vào mùa 2012-13. Lợi nhuận trước thuế của Barca là 44 triệu euro, con số cao thứ hai trong lịch sử CLB. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận ròng của đội bóng xứ Catalunya là 32 triệu euro. Việc Barca “chỉ” lãi 32 triệu euro một phần đến từ chuyển nhượng David Villa. Barca đã bán Villa quá rẻ (chỉ thu ngay lập tức 2,1 triệu euro), và số tiền này được hạch toán luôn vào doanh thu mùa 2012-13. Phó Chủ tịch Javier Faus tự tin cho rằng Barca sẽ đạt được doanh thu cao hơn trong tương lai, bất chấp việc CLB đối mặt với thanh tra tài chính từ giai đoạn 2005-2008. Việc mua Neymar được xem là bước đi quan trọng để Barca tăng thêm doanh thu trong tương lai.

Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm