Champions League 2015 - 16: Kẻ 'độc tài' mang tên La Liga

18/05/2016 19:56 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(lienminhbng.org) - Mãi đến khi Europa League kết thúc lượt về vòng bán kết, châu Âu mới thở phào nhẹ nhõm, thoát khỏi một kết cục cổ kim chưa từng thấy: toàn bộ lục địa già thất bại tuyệt đối trước các đại diện La Liga trong một mùa bóng. Bây giờ, ít nhất cũng đã có Liverpool loại được một đối thủ TBN, nhưng khả năng TBN ẵm trọn cả Champions League lẫn Europa League thì vẫn còn đấy.

Sự thống trị của bóng đá TBN trên các đấu trường châu Âu tầm CLB đã kéo dài suốt chục năm nay, rõ ràng đến mức vấn đề chỉ là vì sao lại như thế.

Chiến thắng trên nền tảng phòng ngự

Không tính các trận "huynh đệ tương tàn", các đại diện La Liga thi đấu tổng cộng 20 trận trong 2 vòng knock-out đầu tiên của Champions League và Europa League mùa này. Họ giữ vững mành lưới ở 15/20 trận ấy. Còn trong 5 trận thủng lưới, có đến 4 trận các đại diện La Liga chỉ phải vào lưới nhặt bóng đúng 1 lần. Tóm lại, tất cả là 6 bàn thua trong 1.830 phút thi đấu (cặp PSV - Atletico có thêm 30 phút hiệp phụ). Bình quân thủng lưới 1 bàn trong 305 phút (gần 3 trận "rưỡi"). Ở các giải đấu khác nhau. Trước các đối thủ thuộc những trường phái khác nhau!

Riêng trong loạt trận đầu tiên (lượt đi vòng 1/8 Champions League và lượt đi vòng 1/16 Europa League), khi mà tất cả đều có tâm lý thận trọng trong hoàn cảnh hai cúp châu Âu bắt đầu sôi động trở lại sau đợt nghỉ đông, cũng là lúc UEFA bắt đầu áp dụng thể thức loại trực tiếp khắc nghiệt ở hai cúp, cả 7 đại diện La Liga đều giữ nguyên mành lưới. "Tổng tỷ số" là 15-0.


Real Madrid và Barca sở hữu các cầu thủ tấn công đẳng cấp thế giới

Nhìn vào bề mặt, người ta đã nói chán chê về sức tấn công khủng khiếp của các bộ ba "MSN" hoặc "BBC". Mà cũng chẳng riêng hai gã khổng lồ Barca, Real, bóng đá TBN nói chung thường được đề cập như một nền bóng đá thiên về tấn công. Không ai thắng đậm hơn Valencia trong các vòng đấu nêu trên (6-0 và 4-0 trước đối thủ Áo Rapid Vienna). Kỳ thực, bóng đá TBN thống trị đấu trường châu Âu trước tiên là nhờ khả năng phòng ngự.

Barcelona đã cải thiện hẳn khả năng phòng ngự, như một đề tài lớn để giới chuyên môn mổ xẻ, từ khi Luis Enrique cầm quân ở mùa bóng trước (Enrique thành công chủ yếu bằng "tuyệt chiêu" ấy, chứ tiqui-taca thì đã hết thời, theo Xavi từ lâu rồi).

Muốn chơi... kiểu gì cũng được

Tất nhiên, từ Barca, Real ở đẳng cấp "thượng đỉnh" cho tới Valencia, Sevilla... các đội bóng TBN đều có sức tấn công đáng nể. Vậy nên, hễ không thủng lưới thì họ coi như đã nắm chắc chiến thắng rồi. Sở dĩ có sự ngộ nhận, rằng bóng đá TBN thiên về tấn công, là vì khi cần tấn công thì các đại diện TBN luôn tấn công một cách nguy hiểm, đầy hiệu quả.

Mở rộng vấn đề: các CLB TBN muốn chơi kiểu gì cũng được. Tùy hoàn cảnh, tùy đối phương, tùy nhu cầu chuyên trong từng trận đấu, hoặc giả chỉ trong từng giai đoạn cụ thể của một trận đấu, các đại diện La Liga muốn giữ bóng, phòng ngự hay tấn công, phản công, đều dễ dàng thực hiện ý đồ của mình. Điểm qua những núi số liệu ngồn ngộn trên mạng, chúng ta sẽ thấy ngay ưu thế vượt trội của các đại diện TBN về bất cứ khía cạnh kỹ thuật nào: giữ bóng, chuyền bóng, tranh cướp, chọc khe....

La Liga vẫn 'vô đối' ở Champions League?

La Liga vẫn 'vô đối' ở Champions League?

Ít nhất một thập kỷ qua, các khán giả theo dõi kỹ bóng đá châu Âu đã than phiền về sự thống trị của Real Madrid và Barcelona ở Tây Ban Nha, nhưng...


Cũng chẳng cần tham khảo số liệu thống kê hoặc nhờ vào sự phân tích kỹ càng của giới chuyên môn để người xem kết luận: Real Madrid, Barcelona, Atletico, Sevilla, Valencia, Villarreal, Athletic Bilbao đều khác hẳn nhau từ diện mạo cho tới cách chơi chủ đạo. Lạ ở chỗ, luôn có một sự xuyên suốt kết nối các đội bóng khác hẳn nhau ấy, cứ như thể đấy chỉ là những sự thể hiện khác nhau của một trường phái, hơn là những trường phái khác nhau. Hoặc có thể hình dung theo một cách khác: bóng đá TBN trên đấu trường các cúp châu Âu là một con quái vật khổng lồ với khả năng xuất hiện trong những hình hài khác nhau.

Sợi dây vô hình liên kết 7 đại diện khác nhau của bóng đá TBN để cùng tạo ra một nỗi sợ hãi trên khắp bản đồ bóng đá châu Âu tầm CLB ấy là gì? Rất đơn giản, đấy là phẩm chất kỹ thuật. Đẳng cấp kỹ thuật rất cao của bóng đá TBN cũng chính là nguyên nhân khiến các đại diện nước này dễ dàng chơi bóng theo những phong cách, đường nét, chiến thuật khác nhau, mà nhìn chung thì kiểu gì cũng đem lại thành công.

Giá trị tiêu biểu không nằm ở Real hoặc Barca

Trong những ngày qua, có một video clip được chia sẻ rất nhiều trên mạng, như một bài học mini để hướng dẫn cách chơi cũng như cách thưởng thức lối đá dựa vào kỹ thuật. Ai học cũng được - từ các đội bóng chuyên nghiệp cho tới bóng đá phong trào hoặc giới hâm mộ thuần túy - vì điểm cốt lõi chỉ là lý thuyết để có một cách chơi đẹp. Tất nhiên: dễ hiểu, nhưng có làm được hay không lại lạ chuyện khác.

Không có gì lạ khi đấy là đoạn clip cắt ra từ một pha bóng vào loại phổ biến trên sân cỏ TBN. Đáng nói là ở chỗ: đấy chỉ là trích đoạn trong một trận đấu giữa Villarreal và Valencia. Đâu cứ phải là Barcelona thì mới đại diện được cho trường phái kỹ thuật!

Cách đây 20 năm, khi Calcio thống trị sân cỏ châu Âu suốt thập niên 1990, thì thật ra chỉ có AC Milan (3 lần) và Juventus (1 lần) vô địch cúp C1/Champions League trong giai đoạn 1989-1999. Thế thống trị của Calcio được xác định chủ yếu bởi các đại diện Serie A ở một đẳng cấp  thấp hơn so với hai gã khổng lồ ấy. Các đại diện Calcio đoạt cúp UEFA 8 lần và chỉ vắng mặt trong trận chung kết 1 lần trong những năm 1989-1999. Chỉ được góp mặt lần đầu tiên ở Serie A vào năm 1990 và chưa bao  giờ vô địch giải này, vậy mà CLB Parma vẫn đoạt cúp UEFA những 2 lần trong thời kỳ hoàng kim vừa nêu của Calcio.


Thật thú vị khi người ta chọn một pha bóng giữa Villarreal và Valencia - chứ không phải Barcelona - làm dẫn chứng tiêu biểu cho lối chơi thiên về kỹ thuật của bóng đá TBN

Như thế mới có giá trị tiêu biểu. Cũng vậy, thật thú vị khi người ta chọn một pha bóng giữa Villarreal và Valencia - chứ không phải Barcelona - làm dẫn chứng tiêu biểu cho lối chơi thiên về kỹ thuật của bóng đá TBN. Bayern Munich đá đẹp và đầy kỹ thuật? Họ bị loại khỏi chung kết Champions League mùa này bởi Atletico. Ở trận lượt về mang tính quyết định, ngay trên sân Đức, Atletico chỉ bị cướp bóng 5 lần, so với 14 lần họ giành lại bóng từ chân Bayern. Họ "tắc" bóng thành công 24 lần so với 13 lần của Bayern. Và ghi 1 bàn từ 7 lần dứt điểm, so với 2 bàn trong 33 lần tung cú dứt điểm của Bayern. Đấy chính là sức mạnh về kỹ thuật của Atletico. Mặc kệ hình ảnh bên ngoài hoặc danh tiếng của các ngôi sao, khả năng Atletico vô địch Champions League mùa này không hề thấp hơn Real Madrid (và thế giới vẫn cứ nhai đi nhai lại: La Liga chỉ có Barca, Real là đáng kể!).

Thành công không phải vì tiền

Vẫn như mọi khi, nói về bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá đỉnh cao, thì dứt khoát cứ phải nói về sức mạnh tài chính. Bóng đá TBN thống trị sân cỏ châu Âu có phải vì La Liga là giải đấu vượt trội về tiền bạc? Dứt khoát là không, bởi ai cũng biết La Liga so với Premier League là như thế nào, trong vấn đề tiền bạc.

Thật ra, ngay tại Premier League - giải VĐQG số 1 hành tinh về giá bản quyền truyền hình, người ta cũng vừa chứng kiến câu chuyện tuyệt vời của Leicester City. Ở đâu và vào thời nào cũng vậy, bóng đá hấp dẫn một phần vì quy luật kinh điển: không nhất thiết cứ phải giàu có thì mới chiến thắng. Dù sao đi nữa, giả sử cần có một cuộc so sánh, chức vô địch Premier League của Leicester sẽ tương đương với câu chuyện gì tại La Liga? Sporting Gijon hoặc Levante vô địch TBN? Về mặt truyền thống, khả dĩ có thể nói vậy. Nhưng nếu xét trên phương diện kinh tế, câu chuyện sẽ khác. Atletico cũng đã vô địch La Liga hồi năm 2014 rồi. Và, xin nhắc lại: xét trên phương diện kinh tế, chuyện Atletico vô địch La Liga còn... bất ngờ hơn chức vô địch Premier League của Leicester mùa này. Đơn giản vì Atletico có nguồn thu ít hơn cả Leicester!


Atletico có nguồn thu ít hơn cả Leicester!

Ngoài Real và Barcelona, không có bất cứ CLB nào ở La Liga có nguồn thu từ bản quyền truyền hình nhiều như Leicester tại Premier League. Ở đợt chuyển nhượng giữa mùa vừa qua, sức mua của toàn bộ La Liga không bằng mỗi CLB Stoke City ở Premier League. Mặt bằng chung về tài chính của các CLB TBN chỉ là như vậy. Thế nên, sự thống trị của bóng đá TBN trên đấu trường hai cúp châu Âu càng đáng khâm phục.

Cũng chính vì không có tiền...

Trong khi bản quyền truyền hình ở Premier League được bán trọn gói và chia theo thành tích thì tại La Liga, Barcelona và Real được chia nhiều hơn hẳn so với 18 đội bóng còn lại. Đấy vốn đã là một sự cải tổ, bởi trước đây các CLB TBN tự bán bản quyền truyền hình và các đội như Sevilla, Atletico càng "tội nghiệp" so với hai gã khổng lồ ích kỷ. Nhưng, dù chia tiền kiểu gì, bóng đá TBN cũng vẫn thống trị châu Âu suốt chục năm qua. Có thể các "anh hào hạng hai" ở La Liga sẽ còn hùng mạnh hơn nữa trong vài năm sắp tới, khi các nhà quản lý giải này cải tổ lần nữa cách khai thác và chia tiền bản quyền truyền hình.

Chẳng những không đảm bảo đem lại thành công, sự giàu có đôi khi còn trở nên tai hại trong bóng đá đỉnh cao. Đấy là bài học chuyên môn, là công trình nghiên cứu hẳn hoi chứ không chỉ là lập luận suông. Tại sao phải cố làm việc, cố suy nghĩ, cố tự làm ra sản phẩm trong khi bạn có thừa tiền để mua? Đấy quả là một thực tế đang diễn ra trong làng bóng Anh, nơi mà câu chuyện chủ đạo trong suốt mùa hè luôn là đội nào cần mua ngôi sao ở vị trí nào. Đẳng cấp thưởng ngoạn của giới hâm mộ Premier League riết rồi cũng đơn điệu theo, khi họ chỉ biết trông ngóng, hồ hởi hoặc chỉ trích các HLV trong việc mua cầu thủ. Khán giả thế nào thì đội bóng thế ấy, vì đội bóng (hoặc cụ thể hơn, HLV trưởng) luôn chịu áp lực từ công chúng mà!

Bóng đá TBN luôn có động lực phát huy kỹ thuật, phát triển chiến thuật, đa dạng hóa lối chơi... một phần vì các đội ngoài Real và Barca không thể cậy tiền mua sắm ngôi sao như các CLB Anh. Cũng chính vì thế, các đội bóng TBN luôn tích cực chọn hướng đi riêng phù hợp với mình, để rồi chúng ta thấy rõ bản sắc khác hẳn nhau giữa những Barcelona, Real Madrid, Valencia, Sevilla, Villarreal, Atletico...

LA LIGA THỐNG TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

TBN là quốc gia đầu tiên trong kỷ nguyên Champions League có đại diện lên ngôi vô địch trong 2 mùa bóng liên tiếp. Sự kiện lịch sử này xuất hiện vào năm ngoái, khi Barcelona nối tiếp Real Madrid bước lên bục vinh quang. Bây giờ, chiếc cúp vô địch Champions League sẽ lại ghé đến TBN trong mùa thứ 3 liên tiếp.


TBN là nước đầu tiên trong lịch sử cúp C1/Champions League có 2 đội bóng gặp nhau trong trận chung kết (Real Madrid - Valencia, năm 2000). TBN là nước đầu tiên trong lịch sử cúp C1/Champions League lặp lại được điều vừa nêu. Đấy cũng là kỷ lục riêng của thành phố Madrid (Real - Atletico, năm 2014). Bây giờ, kỷ lục của TBN nói chung cũng như thành phố Madrid nói riêng lại được nâng lên thêm một lần nữa.


Trong 10 mùa bóng gần đây, các đại diện TBN vô địch cả thảy 11 lần ở trận địa 2 cúp châu Âu (5 lần vô địch Champions League, 6 lần vô địch Europa League). Sau đó một khoảng rất xa là Anh (3 lần vô địch), Italia (2), Đức, Nga, Ukraine, BĐN (mỗi nước một lần). Nói cách khác, tổng số lần đăng quang ở trận địa 2 cúp châu Âu của mọi nền bóng đá còn lại vẫn không bằng được số lần vô địch của TBN. Và chắc chắn điều này vẫn không thay đổi sau 2 trận chung kết Champions League, Europa League năm nay.


Cũng trong 10 mùa gần đây, có đến 3 mùa bóng đá TBN thâu tóm cả hai danh hiệu vô địch Champions League và Europa League. Từ khi UEFA khai tử cúp C2 và đấu trường châu Âu tầm CLB chỉ còn lại 2 giải, chưa có bất cứ nền bóng đá nào khác sở hữu cả hai danh hiệu trong một mùa bóng như TBN.


Liverpool là đội duy nhất thắng được một đối thủ TBN trong thể thức knock-out ở đấu trường 2 cúp châu Âu mùa này (loại Villarreal ở vòng bán kết Europa League). Trong 52 cặp đấu loại trực tiếp gần đây nhất giữa các đại diện TBN với các đối thủ bên ngoài La Liga, chỉ có 3 đội khác từng làm được như Liverpool: loại được đối thủ TBN ra khỏi cuộc chơi!

Nếu thắng trong trận chung kết, Sevilla sẽ trở thành đội đầu tiên trong lịch sử 3 lần liên tiếp vô địch cúp UEFA/Europa League. Còn nếu Atletico vô địch Champions League, TBN sẽ trở thành quốc gia đầu tiên kể từ năm 1982 có 3 đại diện khác nhau liên tiếp đăng quang ở cúp C1/Champions League.


Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm