Cristiano Ronaldo: Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn hay là sự tiến hóa thần kỳ
(lienminhbng.org) - 5 Quả bóng Vàng là bằng chứng cho sự tiến hóa kỳ diệu của Ronaldo, người mà mỗi vinh quang của anh đều là một câu chuyện đặc biệt.
Carlos Queiroz lần đầu nhìn thấy Cristiano Ronaldo khi anh còn là cậu bé 15 tuổi chơi cho một đội trẻ trong hệ thống học viện trứ danh của Sporting Lisbon. Trong quá khứ, HLV người BĐN đã chứng kiến nhiều cầu thủ trẻ ở đó trở thành vĩ đại, như Luís Figo và Rui Costa, nhưng cậu nhóc này, Queiroz kết luận, còn hay hơn thế.
Sau này, hai người họ sẽ làm việc cùng nhau ở ĐT BĐN và Manchester United, nơi Queiroz rèn giũa những tố chất của Cristiano hơn nữa, và quan trọng nhất, biến anh thành một người luôn tự hoàn thiện mình. Ông còn nhớ như in những ngày trước trận chung kết Champions League 2008, gặp Chelsea ở Moscow, khi Cristiano tập đá phạt để làm quen với quả bóng của trận chung kết.
Queiroz nghiên cứu các cơ chế sinh học của những cầu thủ lớn trong quá khứ để giúp anh hoàn thiện hơn kỹ năng và kỹ thuật. Lúc họ mới bắt đầu, các kết quả thật tệ hại. Những cú đá phạt đi cách rất xa khung thành, và 2 ngày trôi qua mà mọi chuyện không có tiến triển gì. Cuối cùng, ở ngày thứ 3, bóng bắt đầu tìm tới mành lưới. “Sự phân bổ khí động học với từng quả bóng lại khác và làm việc với điều đó là một cơn ác mộng, nhưng điều quan trọng là Ronaldo không bao giờ bỏ cuộc. Ngay cả sau 2 ngày hoàn toàn không có kết quả gì”, Queiroz sau này nhớ lại. “Điều đó khiến tại sao làm việc với anh ấy luôn là một niềm vui. Tôi luôn nói rằng anh ấy tạo ra động lực cho các HLV, thay vì ngược lại”.
Lao động tạo nên người hùng
Cristiano chuyển tới Old Trafford với giá 12,24 triệu bảng vào ngày 12/9/2003. (Những chữ ký khác của Ferguson trong mùa Hè đó là Tim Howard, Kléberson, Eric Djemba-Djemba và David Bellion). 4 ngày sau anh ra mắt, ở tuổi 18, trong trận mở màn Premier League trên sân nhà gặp Bolton của Sam Allardyce, thay Nicky Butt sau một giờ thi đấu. Anh gây ấn tượng ngay lập tức. Can đảm và đầy tự tin, anh khiến các hậu vệ đối phương chóng mặt với những pha “xoắn quẩy” lắt léo. Hậu vệ phải của Bolton, Nicky Hunt, bị tra tấn tới mệt nhoài, và Kevin Nolan phải kéo ngã Cristiano nhận một quả phạt đền mà Ruud van Nistelrooy sút hỏng. Man United thắng 4-0 và cầu thủ trẻ của họ là chủ đề cho những câu chuyện ngày hôm sau. “Có vẻ các CĐV đã có một người hùng mới”, Ferguson nói sau đó. “Đó là một khởi đầu tuyệt diệu, gần như là không thể tin được”.
Khi anh mới tới, lối chơi của Cristiano dựa trên kỹ thuật và tốc độ. Cơ thể anh gầy gò, các cơ bắp chưa phát triển hết. Đi bóng là phẩm chất chính của anh, những pha đảo chân trở thành các động tác mang tính thương hiệu đầu tiên, với rất nhiều điều khác tiếp nối sau này. Anh gây khó chịu cũng nhiều như tạo ra sự phấn khích. Khi có bóng, những pha xử lý cuối cùng của anh vẫn còn bất ổn và khả năng ra quyết định còn đáng ngờ, và nhiều người chỉ trích anh quá kiêu căng và chơi bóng quá rối rắm. Ronaldo cũng bị cho là thiếu kỷ luật chiến thuật và không đáng tin cậy. Gary Neville, trước kia chơi với đối tác bên cánh phải với một người cực kỳ chuyên nghiệp, nhiệt tình, và chăm chỉ, David Beckham, đặc biệt khó chịu với sự thiếu chín chắn của đồng đội mới. Một lần, sau khi Cristiano đánh gót đưa bóng vào lưới thay vì dứt điểm như bình thường, Neville đã phải lên tiếng: “Cậu làm cái quái gì đấy? Ở đây chúng ta không chơi bóng như thế”.
Nhưng trên sân tập thì không ai chỉ trích Ronaldo. Sự chuyên nghiệp của anh thể hiện qua quyết tâm không lay chuyển. Khi các cầu thủ khác đã vào hết trong phòng tắm, anh vẫn còn đeo bao cát lên chân và tập đảo chân. Roy Keane, nổi tiếng với sự đòi hỏi khắt khe về nghề nghiệp, viết trong tự truyện in năm 2014 của anh,The Second Half (tạm dịch: Hiệp 2): “Sau vài ngày, xem cậu ấy chơi bóng, xem cậu ấy tập, phản ứng của tôi là: Cậu nhóc này sẽ trở thành một trong những cầu thủ lớn nhất thế giới… Cậu ấy thật khó tin. Cậu ấy ngay lập tức là một trong những cầu thủ làm việc chăm chỉ nhất ở Man United. Hầu hết các cầu thủ mà tôi biết đều làm việc cật lực, nhưng Ronaldo là không ai sánh được”.
Quãng thời gian của Cristiano ở Old Trafford có thể chia làm 2 phần. Trong 3 mùa đầu, 2003-2006, anh là một tiền vệ cánh sớm phát triển nhưng còn chưa hoàn thiện. Bất chấp sự thất vọng ban đầu, qua lời Neville, Ferguson vẫn cho Ronaldo đá 29 trận ở Premier League trong mùa ra mắt (ở 4/5 chiến dịch còn lại tại Anh, Ronaldo sẽ chơi từ 29 tới 34 trận, một bằng chứng cho sự bền bỉ và hiểu rõ điều kiện thể lực của mình ở anh). Mùa giải ra mắt kết thúc với 4 bàn ở Premier League. Mùa tiếp theo anh có 5 bàn, rồi 9 bàn mùa 2005-06. Sự tiến bộ là liên tục và rõ ràng.
Các hậu vệ cánh rất sợ Ronaldo. Năm 2004, Man United vào chung kết Cúp FA, nơi họ gặp đội Championship Millwall. Người kèm Ronaldo, Robbie Ryan, hiểu anh sẽ gặp rắc rối ngay từ khi xem Man United đánh bại Arsenal ở bán kết. “Tôi nhớ đã theo dõi anh ấy ngay từ lúc anh ấy xuất hiện, và anh ấy rõ ràng rất giỏi”, Ryan nói. “Nhưng rồi bỗng nhiên sau vài tháng, tháng 2, tháng 3, anh ấy bắt đầu đi bóng qua đối thủ và ghi bàn. Anh ấy cao, tôi không nhớ cao bao nhiêu, nhưng tôi sẽ không nói là anh ấy mảnh khảnh. Anh ấy chưa vạm vỡ như bây giờ, nhưng cũng to con rồi”.
Man United thắng trận đấu 3-0 và Cristiano ghi bàn mở tỉ số 1 phút trước giờ nghỉ. Ryan bị thay ra ở phút 74. “Tôi chưa bao giờ phải đối mặt với một đối thủ như thế trong đời”, sau này anh nói. “Tôi cảm thấy vui vì được rời sân”.
Vào mùa Hè năm 2006, ở tuổi 21, Cristiano tới dự World Cup ở Đức nơi BĐN, dưới quyền HLV Luiz Felipe Scolari, sẽ vào tới bán kết. Rất nhiều kịch tính đã diễn ra ở đó. Trong trận tứ kết gặp Anh, Ronaldo bị cáo buộc đã giả vờ dẫn tới việc Wayne Rooney bị đuổi khỏi sân, rồi nháy mắt về phía băng ghế dự bị của BĐN. Các khán giả Anh nổi giận. Báo The Sun đăng ảnh Ronaldo đang nháy mắt làm nền trên một tấm bia phóng phi tiêu. Tình hình nghiêm trọng tới mức Ferguson phải tới Algarve để thuyết phục anh trở lại Manchester. (Ban đầu HLV người Scotland nhắn hàng loạt tin, rồi mới phát hiện ra cậu học trò cưng không còn dùng số điện thoại cũ nữa).
Cristiano đã trở lại. Trận sân khách đầu tiên của anh là gặp Charlton Athletic. “Tất nhiên là đám đông la ó”, Ferguson nhớ lại. “Nhưng ngay trước giờ nghỉ, cậu ấy có bóng, qua người và sút trúng xà ngang, và tất cả câm nín. Họ sợ”. Trước đó trong tháng 8, Cristiano trở lại với các đồng đội ở Man United. “Cậu ấy bước vào phòng thay đồ và tôi nghĩ: Trời, chuyện gì đã xảy ra với cậu ấy trong mùa Hè?”, Neville hồi tưởng. “Khi mới tới cậu ấy là một cậu bé gầy gò, nhỏ nhẹ. Giờ cậu ấy giống như một tay võ sĩ hạng bán trung. Cậu ấy đã tăng thêm nhiều cơ bắp trong mùa Hè và có vẻ như được nhìn thấy một người lớn lên chỉ trong vài tuần”.
Đơn giản hóa cũng là sự tiến hóa
Những pha đi bóng rườm rà thì lại biến mất. Thay vào đó, các tình huống rê dắt của Ronaldo mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, và lợi hại hơn. Những quả đá phạt của anh bắt đầu đi vào lưới nhiều hơn. Anh có thể sút bóng rất mạnh mà không cần lấy đà, sút xa ghi những bàn ngoạn mục đưa bóng đi mạnh và cong khiến các thủ môn hoàn toàn tê liệt. Bản năng làm bàn cũng đã khác. Anh vẫn chơi lệch cánh, nhưng khi đối mặt với các hậu vệ bên 1/3 sân đối phương, Ronaldo không còn tìm cách tạt bóng nữa, mục tiêu giờ là dứt điểm. Có vẻ như anh đã trải qua một quá trình chuyển đổi tâm lý trong đó Ronaldo tự định nghĩa lại mình từ một tiền vệ cánh chơi tinh quái thành một tay săn bàn không khoan nhượng. Điều này cũng khiến lối chơi của anh trực diện hơn, với nhiều bàn thắng hơn. Vào cuối tháng 5/2007, anh đã ghi 17 bàn ở Premier League, và Man United đã giành lại danh hiệu từ Chelsea của José Mourinho.
Trong mùa Hè tiếp theo, nhiều người nghi ngờ liệu Cristiano có còn tiến bộ được không sau một mùa giải như thế. Khởi đầu quả không thuận lợi, cả cho anh và Man United. Họ bị Reading cầm hòa 0-0 trên sân nhà ở ngày mở màn và lại hòa tiếp Portsmouth 1-1. Trong trận đấu đó, ở phút 85, Cristiano húc đầu vào tiền vệ Richard Hughes và bị trọng tài Steve Bennett đuổi khỏi sân. Anh bị treo giò 3 trận và Man United thua trận derby Manchester dưới tay Man City của Sven-Göran Eriksson 0-1 ở trận tiếp theo.
Lệnh cấm đã giúp Cristiano có thêm thời gian để làm việc. René Meulensteen, HLV người Hà Lan trong BHL Man United, biết về việc Ronaldo muốn trở thành cầu thủ giỏi nhất thế giới. “Tôi bảo cậu ấy: Tôi có thể giúp cậu làm điều đó”, Meulensteen nói. Ông vẽ cho Cristiano một biểu đồ về những gì cậu cần cải thiện. Nó bao gồm các yếu tố chiến thuật: ý thức, sự thấu hiểu, và ra quyết định; các yếu tố thể lực; các yếu tố cá tính: tinh thần và thái độ chiến thắng; và các yếu tố kỹ thuật: chuyền bóng, sút bóng, di chuyển, và kỹ năng đi bóng.
Meulensteen cũng nói anh còn chơi bóng quá nặng về biểu diễn. Ronaldo không đá rườm rà như trước nữa, nhưng còn trẻ, anh thỉnh thoảng vẫn bị cám dỗ bởi việc được đám đông tán thưởng. “Cristiano, tôi đã xem các bàn thắng của cậu mùa trước, và cậu chỉ ghi 23 bàn vì cậu lúc nào cũng muốn một bàn thắng hoàn hảo”, Meulensteen nói. “Hãy nhìn tôi này! Góc cao! Cậu luôn muốn làm thế. Nhưng những cá nhân quan trọng nhất là những người làm việc vì đội bóng, không phải vì chính họ. Cậu thì lại nghĩ khác. Hãy đóng góp cho đội bóng, và rồi cậu sẽ được nâng lên cao hơn hết”.
Sự chuyển đổi từ kẻ trình diễn sang tay săn bàn đã diễn ra rồi. Điều Meulensteen muốn là thêm vào đó sự sắc sảo. Ông đề nghị Cristiano suy nghĩ như những tay săn trộm thuần túy, như Gary Lineker hay Van Nistelrooy. “Vấn đề không phải là cậu ghi bàn thế nào, ở đâu, miễn là bóng nằm trong lưới”, ông nói. Ông đã đề nghị Cristiano đặt ra mục tiêu. “Tôi nghĩ tôi có thể ghi được 30 tới 35 bàn”, Cristiano đáp. Meulensteen không đồng ý: “Tôi thì nghĩ cậu có thể ghi được hơn 40 bàn. Tuần này, trong buổi tập này, chúng ta sẽ làm việc riêng về khâu dứt điểm”.
Họ ra sân tập. Vài buổi tập để Cristiano sút bóng theo những hướng khác nhau và theo nhiều cách khác nhau: vô-lê, lốp bóng, một chạm. Mỗi động tác được lặp lại 4 lần. Anh cũng được yêu cầu hình dung ra tình huống bóng cụ thể và những gì anh muốn làm. Meulensteen dán 4 màu vào 4 góc khung thành và yêu cầu Ronaldo hét to màu nào anh đang nhắm tới trước khi dứt điểm. Theo HLV này, điều đó kích thích tư duy tiềm thức của các cầu thủ, và qua đó, kích thích bản năng làm bàn của họ.
Một số bàn thắng của anh cực kỳ đáng nhớ. Trong trận tứ kết Champions League ở Roma, Paul Scholes lốp bóng vào từ cánh; Cristiano lao vào khu cấm địa, bật cao hơn cả và đánh đầu mở tỉ số. Trong trận chung kết gặp Chelsea, lại là anh với uy lực không chiến của mình, đánh đầu ghi bàn từ một quả tạt chân trái của Wes Brown. Khi mùa giải kết thúc, Man United giành cú đúp. Cristiano ghi 31 bàn ở Premier League và 42 bàn mọi mặt trận. Năm 2008, anh giành Quả bóng vàng.
Mùa cuối cùng của Cristiano ở Old Trafford kém ấn tượng hơn. Một mùa Hè bị Real Madrid lôi kéo đã khiến nhiều người nghĩ vụ chuyển nhượng là không thể tránh khỏi. Anh ghi 18 bàn ở Premier League và 26 bàn mọi giải, bao gồm cú rocket từ hơn 36 mét vào lưới Porto. Bàn thắng đó là bằng chứng cho nỗ lực trui rèn thể lực của anh, không mấy cầu thủ đủ sức mạnh ghi bàn từ khoảng cách như thế. Khi anh rời Manchester, Ronaldo đã là một tượng đài, và tất cả những gì anh làm được, anh đều tự tay mình gầy dựng. “Tôi chứng kiến nhiều cầu thủ tài năng đến rồi đi”, Clegg nói. “Nani và Anderson đều tới đây năm 2007 bằng tuổi Ronaldo, nhưng sự khác biệt là quá lớn. Sự khác biệt là hiểu biết và quyết tâm để trở thành giỏi nhất. Ronaldo hơn tất cả những người khác”.
Cristiano thuê một đầu bếp riêng để đảm bảo anh ăn uống đúng. Anh mua một căn nhà với bể bơi xây riêng nhằm thư giãn và hồi phục cơ bắp. Clegg nhớ lại sau khi tập với Man United, Cristiano sẽ trở lại phòng gym để tập thêm các động tác chân. Rồi anh về nhà, ăn, bơi, ngủ, và lặp lại như thế vào sáng hôm sau. “Chúng tôi tập các bài liên quan tới tốc độ, sức mạnh, và phản xạ, mọi thứ cậy ấy cần và sẽ thực hiện trên sân”, Clegg nói. “Tôi tập trung rất nhiều công sức cho cậu ấy. Tôi thậm chí đã lặn lội tới tận Montreal để tìm kiếm các thiết bị công nghệ mới nhằm giúp cậu ấy cải thiện dù chỉ là một chút về thể lực. Cậu ấy thích cuộc sống ở đây, nhưng hiểu cậu ấy vẫn còn đang trên một hành trình dài, và hiểu cậu ấy sẽ tới những nơi khác nữa”.
Tiếp tục hoàn thiện ở Real Madrid
Ngày 6/7/2009, Cristiano ra mắt ở Santiago Bernabéu, hoàn tất thương vụ kỷ lục thế giới 80 triệu bảng. Anh 24 tuổi. Khoảng 80.000 CĐV tới chật kín sân bóng, một cảnh tượng ngoạn mục cho việc chào đón một chữ ký mới, chỉ để xem anh đá vào quả bóng vài lần, vẫy tay, và mỉm cười. Trước đó trong mùa Hè, Ronaldo đã trải qua kiểm tra thể lực với Real Madrid khi anh đi nghỉ hè ở BĐN. Bác sĩ chính thức của Real lúc đó, Carlos Díez, nói: “Cậu ấy có buồng phổi và trái tim phi thường. Chúng tôi đã thực hiện mọi kiểm tra chi tiết nhất ở BĐN. Giờ chúng tôi có thể sử dụng các kết quả đó để cải thiện thành tích của cậu ấy”.
Mùa Hè đó cũng đánh dấu sự trở lại của Florentino Pérez, đại gia ngành xây dựng đã thay thế Ramón Calderón trong cương vị chủ tịch CLB. Trong nhiệm kỳ trước dẫn dắt Real, 2000-2006, Pérez đã mua về Zinédine Zidane, Figo và Beckham để tạo ra đội bóng galácticos trứ danh. Triết lý đó của ông giờ vẫn chưa thay đổi. Trước khi Cristiano tới, Pérez cũng đã mua Kaká từ AC Milan với giá 56 triệu bảng, và nhất trí trả cho Lyon 30 triệu bảng để có Karim Benzema. Vào tháng 8, Xabi Alonso tới từ Liverpool với giá cũng 30 triệu bảng. HLV mới là Manuel Pellegrini, được mời về từ Villarreal. Dải ngân hà sắp giáng thế, với Cristiano là ngôi sao sáng nhất.
Mùa giải khởi đầu thuận lợi. Real Madrid thắng 5 trận đầu ở La Liga, nhưng cuối cùng họ lại không có danh hiệu. Dù có 96 điểm, họ vẫn xếp sau Barcelona của Pep Guardiola. Ở Champions League, họ bị Lyon loại ở vòng 16 đội và ở Cúp Nhà vua, thua 0-4 dưới tay Alcorcón, lúc đó là một đội hạng Nhì, ở vòng 32 đội. Pellegrini bị sa thải. Cristiano ghi 26 bàn trong 29 trận ở Liga, và 33 bàn tổng cộng, nhưng vẫn kém Lionel Messi, người đã ghi 34 bàn để giành danh hiệu Vua phá lưới Pichichi. Ronaldo thậm chí cũng không xếp thứ 2 trong danh sách ghi bàn: Gonzalo Higuaín có 27 bàn.
Dù trắng tay, Cristiano đã trải qua một mùa giải thật ấn tượng. Theo một nghĩa nào đó, anh đã trở lại làm cầu thủ của sự trình diễn. Rất nhiều bàn thắng của anh là những nỗ lực cá nhân thuần túy. Nói về những màn solo và các pha sút phạt, đó là mùa giải hay nhất với anh. Sự tự do mà Pellegrini trao cho anh đã giúp Ronaldo tìm thấy sự cân bằng giữa những pha dứt điểm uy lực và các tình huống đi bóng như múa ba-lê. Nếu Ronaldo trước đó và sau này còn có thể chơi hay và hiệu quả hơn, thì không có mùa nào những bàn thắng của anh đẹp như ở mùa 2009-10.
Mourinho tới vào mùa Hè tiếp theo, khởi đầu cho một giai đoạn mới trong sự tiến hóa của Cristiano. Nổi tiếng với cách tiếp cận có phương pháp, Mourinho triển khai một hệ thống mang tính công thức hơn ở Madrid trong đó Cristiano được giao một vai trò cụ thể, hạn chế hơn. Anh giờ là tiền vệ trái, dù thật khó định nghĩa chính xác vị trí của anh trên sân. “Chúng tôi cố gắng tìm ra vị trí thoải mái nhất cho Cristiano”, Mourinho nói năm 2011. “Và sẽ luôn có tranh cãi. Liệu anh ấy có phải một tiền đạo? Tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ anh ấy giỏi nhất trong các tình huống một đối một. Anh ấy có phải một tiền vệ cánh? Cũng không, vì anh ấy là một tay săn bàn, và khi bạn là một tiền vệ cánh, bạn ghi được bao nhiêu bàn mỗi mùa? 6 bàn? Tôi nghĩ anh ấy là sự pha trộn của hai điều đó. Anh ấy có tất cả mọi thứ”.
Đánh giá này hẳn đã chính xác ở thời điểm Mourinho mới tới. Nhưng rồi tình hình thay đổi nhanh chóng. Từ bỏ những pha đi bóng, Cristiano ngày càng giống một tiền đạo: ít rối rắm hơn, ít trình diễn hơn, trực diện hơn, không thương tiếc, và hiệu quả. Ít lần chạm bóng hơn, nhiều bàn thắng hơn. Dưới quyền Pellegrini, các đồng đội chuyền bóng cho anh và đợi điều kỳ diệu xảy ra. Mourinho thì xây dựng đội bóng để đặt Ronaldo vào những tình thế lý tưởng, một đối một, các quả tạt vào cột xa và những đường chuyền quyết định. Cristiano đã cải thiện hơn nữa khả năng tăng tốc, phản xạ, và cảm nhận thời gian. Anh trở thành cầu thủ di chuyển không bóng sắc sảo nhất thế giới, một bậc thầy về đánh đầu và dứt điểm một chạm.
Hệ thống của Mourinho xây dựng xung quanh anh. Đội hình 4-2-3-1 đó là một cỗ máy phản công hoàn hảo: Mesut Özil ở trung lộ, Ángel Di María bên cánh phải, và Alonso cùng Sami Khedria phía sau. Khi chuyển đổi phòng ngự-tấn công, Mourinho có 4 người luôn ở trên phần sân đối phương. Cristiano và Di María dâng lên ngay lập tức, cả Özil nữa, trong khi tiền đạo cắm - Higuaín hoặc Benzema - sẽ chạy cắt ngang hàng thủ. Chìa khóa ở đây là Özil. Tiền vệ người Đức là một bộ óc bóng đá siêu việt, những đường chuyền của anh có tính thời điểm và điểm rơi không giống bất kỳ ai. Kết hợp điều đó với sự bùng nổ của Cristiano và Di María, Real Madrid là không thể ngăn cản. Các đối thủ của họ bị hạ gục như những con chuột nhắt bởi nọc độc và tốc độ của một loài hổ mang chúa.
Cristiano là bộ nanh của con rắn đó. Mùa 2010-11, anh ghi 40 bàn ở La Liga và 53 bàn mọi giải đấu. Mùa 2011-12, anh ghi 46 và 60 bàn; mùa 2012-13 là 34 và 55. Một phân tích các pha dứt điểm của anh mùa 2011-12 cho thấy sự tiến hóa rõ ràng của cầu thủ này: trong 32 bàn từ những tình huống mở - 12 quả phạt đền và 2 pha sút phạt được loại ra, 20 bàn là những cú dứt điểm đầu tiên của Ronaldo trong trận. Lý do thật rõ ràng, Mourinho đã áp dụng những hình mẫu chiến thuật cụ thể để Ronaldo nhận bóng trong vòng cấm địa và đằng sau hàng thủ đối phương. Anh không còn phải tự mình đi bóng nữa. Anh sẽ ghi bàn bằng cách tư duy nhanh hơn, chạy đúng chỗ hơn, và nhảy cao hơn bất cứ hậu vệ nào ở La Liga.
Ý tưởng cho rằng những phẩm chất tốt nhất ở Cristiano không phải là kỹ thuật có vẻ kỳ lạ, 11 năm sau khi anh ra mắt Old Trafford bằng những pha đảo chân kiểu bóng đá đường phố. Nhưng điều này hoàn toàn đúng. Ronaldo giờ là kết hợp của ý chí và sức mạnh. Trên sân, sự tập trung vào những bàn thắng của anh ngay cả Van Nistelrooy có lẽ cũng không sánh nổi.
Mùa 2011-12, trong một trận gặp Atlético Madrid, Real Madrid giành lại bóng sau một tình huống phòng ngự phạt góc và tổ chức phản công. Cristiano, đã tham gia vào tình huống phạt góc, chạy hết chiều dài sân để dứt điểm (anh sút bóng đập cột). Sau đó, cánh thống kê phát hiện anh đã chạy 96 mét trong 10 giây. Kỷ lục thế giới của Usain Bolt lúc bấy giờ là 100 mét trong 9,58 giây.
Năm 2011, Cristiano tiến hành các thử nghiệm trong một phòng thí nghiệm tại Đại học Chichester, Anh. Ở đó, các chuyên gia xác nhận anh có thể bật cao 78 cm, cao hơn 7 cm so với một cầu thủ trung bình ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA. Sau đó, mùa 2012-13, trong hiệp 1 trận đấu ở vòng 16 đội Champions League gặp Manchester United tại Santiago Bernabéu, anh đã bật cao hơn Patrice Evra để đánh đầu từ một quả tạt. Trong giờ nghỉ, Ferguson định quát tháo Evra vì để Cristiano ghi bàn. Nhưng khi ông xem lại pha quay chậm, ông đã thôi không dùng tới chiếc máy sấy tóc. “Đầu gối của cậu ta ngang đầu Evra”, Ferguson nói. “Ngay cả Messi cũng không làm được thế”.
Những so sánh thống kê giữa Cristiano và Messi thường vượt ra ngoài sự so sánh thông thường. Trong khi lối chơi của Messi dựa trên việc có bóng, lối chơi của Cristiano dựa trên việc chạy chỗ. Nói về kỹ thuật, Messi là có một không hai, với nhãn quan chiến thuật và bản năng làm bàn tự nhiên, gần như bẩm sinh. Đất săn bàn của Messi là dưới mặt đất, với bóng trong chân, và với niềm vui chơi bóng thuần khiết. Anh là bóng đá ở dạng tinh tuyển và tinh khiết. Cristiano ít tài năng bẩm sinh hơn, nhưng bù đắp cho điều đó bằng sự kiên gan hiếm thấy, nhất là ở việc tự cải thiện bản thân. Nếu các năng lực của Messi là tự nhiên, thì của Cristiano là nhân tạo, với tất cả những gì con người có thể làm được. Nếu Messi là một nghệ sĩ, thì Cristiano là một cỗ máy. Nếu Messi là câu chuyện về một thiên tài trăm năm có một, thì chuyện về Cristiano là của người phấn đấu không ngừng nghỉ để chiến thắng.
Matthew Syed, phóng viên của tờ Times, viết vào đầu năm 2014: “Có điều gì đó cực kỳ đẹp về Ronaldo vượt ra ngoài những thống kê và bàn thắng. Đó là sự cân đối hoàn hảo của đôi chân anh. Đó là cảm nhận về từng chiều kích của kỹ năng mà anh đạt được - đi bóng, chuyền bóng, sút bóng, hay bật lên để tung ra những quả đánh đầu quả cảm, giống như cơn sấm sét ở điểm đá 11 mét trong trận gặp Roma tại tứ kết Champions League năm 2008. Đó là sự cân bằng tuyệt đối và vẻ đẹp thể thao tuyệt đối. Bạn có thể nói rằng về phương diện bóng đá, Ronaldo là hoàn hảo. Anh chính là người đàn ông Vitruvius của bóng đá”.
Người đàn ông Vitruvius là một bức họa do bậc thầy Leonardo Da Vinci vẽ khoảng năm 1490 miêu tả những tỉ lệ và hình học hoàn hảo với một cơ thể người. “Tôi sẽ nói rằng về mặt thể chất, anh ấy là con người ở dạng hoàn hảo”, Clegg nói về Cristiano. “Từ chiều cao tới vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể, cấu trúc các cơ bắp, sự bền bỉ, dẻo dai, sức mạnh và khả năng phản xạ, tất cả là sự cân bằng hoàn hảo”.
Sự tiến hóa của Cristiano tiếp tục dưới thời Ancelotti. Năm 2014, anh giành Quả bóng vàng thứ hai trong một mùa giải đáng kinh ngạc mà nhiều người sẽ cho là hay nhất trong sự nghiệp của Ronaldo. Mọi kỷ lục đều bị phá. Người ta thường nói trụ lại trên đỉnh cao còn khó hơn vươn lên đó. Với Ronaldo điều đó càng đúng. Khát khao trong anh chưa bao giờ giảm bớt. Động lực của anh hoàn toàn mang tính cá nhân. Dù cho anh có nói gì, những gì Ronaldo làm, thật rõ ràng, là để tạo dựng các kỷ lục, ghi bàn, trở thành số 1 thế giới, hoàn toàn với tư cách cá nhân. Toàn bộ năng lượng của anh dồn hết cho việc khẳng định cái tôi thần thánh đó.
Với Cristiano, bàn cuối cùng trong một chiến thắng 6-0 cũng có ý nghĩa gần như bàn mở tỉ số vậy, vì nó là để dành riêng cho anh, chứ không phải cho đội bóng, không phải vì 3 điểm. Sự tập trung của anh vì thế không bao giờ giảm bớt, và sự hiệu quả cũng thế. Trong một trận gặp Elche hai năm trước, khi tỉ số đã là 4-1 và bản thân anh đã lập một hat-trick, Ronaldo vẫn nổi giận với chính mình vì bỏ lỡ một quả đánh đầu ngon ăn. Trong một trận khác, gặp Athletic Bilbao, bóng rơi trúng vai anh và đi vào lưới. Bàn thắng vô nghĩa: Real Madrid đang dẫn 4-0 và đồng hồ chỉ sang phút 88, nhưng không phải với Ronaldo. Anh chạy về cột cờ góc, cười thật tươi, và có pha ăn mừng sau này bị chê là lố bịch. Nếu những cầu thủ khác, như Thierry Henry chẳng hạn, ghi một bàn như thế, họ sẽ chỉ mỉm cười, thậm chí là xin lỗi đối thủ.
Nhưng chính vì Ronaldo như thế, nên anh mới là Ronaldo. Cái tôi đó chính là tài sản tinh thần lớn nhất của anh. Nó tạo ra tất cả, khát khao, sự phấn đấu không ngừng, việc không bao giờ hài lòng với bản thân, và cả với những gì mình đạt được.
Trần Trọng
Theo Twenty Minutes Read
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất