Enrique, Barca và gia tài của Cruyff

31/03/2016 20:18 GMT+7

(lienminhbng.org) - Trong mùa giải thứ hai của Luis Enrique ở Camp Nou, Barca chỉ mạnh lên chứ không hề có dấu hiệu yếu đi. Cú “ăn ba” mùa thứ hai liên tiếp là mục tiêu không phải không thể.

Luis Enrique đang làm mới Barca tương đối nhiều so với cột mốc Pep Guardiola. Nhưng thay đổi nào thì cũng lấy từ nền tảng mà Johan Cruyff để lại.

Từ Pep đến Enrique

Năm 2008, Joan Laporta - người giữ cương vị chủ tịch khi ấy - đưa thông báo khá bất ngờ về việc Pep sẽ dẫn Barca, mở ra kỷ nguyên mới thay thế Frank Rijkaard. Đó là một lựa chọn bất ngờ, vì trước đó Pep chỉ dẫn Barca B, và ông không có nhiều kinh nghiệm cầm quân ở đấu trường lớn. Nhưng thời gian đã đưa ra câu trả lời, rằng một trong những việc làm vĩ đại nhất của Laporta trong thời gian ngồi ghế chủ tịch Barca là đưa Pep lên băng ghế huấn luyện.

“Pep muốn một cái gì đó mới hơn, và một thứ bóng đá khác so với những gì Barca trải qua ở thời điểm ấy”, Laporta hồi tưởng lại. Laporta và bộ máy lãnh đạo đã trao toàn quyền cho Pep. Từ đó, một Barca rất mới được hình thành. Trên thực tế, ý tưởng mới ấy không phải là điều xa lạ với Barca: Khi tấn công, toàn bộ 10 cầu thủ sẽ tham gia. 10 con người ấy cũng phòng ngự khi đối phương có bóng. Khi 10 người đồng loạt làm việc, tính ưu việc sẽ cao hơn.

Tư duy bóng đá của Cruyff đã được Pep phát triển lên mức cao nhất có thể. Kết quả, cả châu Âu đã nằm dưới chân của Barca. “Pep Team” đã giành cú “ăn ba” ngay mùa giải đầu tiên (2008-09), với thứ bóng đá tiki-taka kỳ diệu. “10 cầu thủ làm việc với một quả bóng, đôi khi mọi người thấy nhàm chán, nhưng đó là điều hợp lý để làm chủ cuộc chơi tốt hơn”, Andoni Zubizarreta - người đã trở thành cộng sự của Pep kể từ năm 2010, nói về phong cách chơi bóng của Barca.

Pep không ngừng thay đổi, để rồi Barca một lần nữa giành Champions League vào năm 2011. Trong trận Chung kết Champions League 2011 ở sân Wembley, Pep đã làm mới Barca bằng một lối đá tổng thể hơn, và Messi đóng vai trò của “số 9 ảo”.

Chu kỳ của Pep kết thúc khiến Barca lao đao. Một nguyên nhân là Tito Vilanova - người tiếp nối tư tưởng của Pep - phải làm việc chung với bệnh ung thư. Jordi Roura, trợ lý của Tito, đã không biết cách khai thác nền tảng mà Pep để lại. Sau đó, Tata Martino như muốn rũ bỏ toàn bộ quá khứ từ thời Cruyff. Tata thay đổi hoàn toàn bản sắc của Barca, và kết quả là ông thất bại rồi phải ra đi chỉ sau một mùa giải.

Sự xuất hiện của Luis Enrique đã kích hoạt trở lại mô hình mà Pep phát triển. Luis Enrique có những tiền vệ cơ bắp hơn, chọn lối đá trực diện hơn, và đôi khi chấp nhận việc thực dụng. Nhưng dù thế nào, Barca của Enrique vẫn gần với phiên bản “Pep Team” nhất. Cuộc sống luôn phải làm mới. Enrique đơn giản đã chọn giải pháp cập nhật mô hình của Pep để hợp với thời đại.

Gia tài của Cruyff

Phiên bản cập nhật của Enrique, hay mô hình chiến thắng dưới thời Pep đều là gia tài mà huyền thoại Cruyff để lại cho Barca. “Đó là một di sản không lổ và không có giới hạn”, Enrique nói về gia tài Cruyff ở Camp Nou. “Chúng tôi sẽ cố gắng để tiếp tục cải thiện, phát huy gia sản mà Cruyff để lại để tiếp tục phát triển Barca. Chúng tôi luôn muốn sao chép di sản ấy để cải thiện phong cách chơi, và tạo nên thứ bóng đá tấn công ngoạn mục”.

Sức mạnh mà Barca thể hiện mùa trước, với kỷ lục 175 bàn thắng trên hành trình “ăn ba”, đã nói lên việc Enrique kế thừa và phát huy gia tài mà Cruyff để lại tốt như thế nào. Mùa này, Barca đã ghi 141 bàn sau 50 trận, và cú “ăn ba” đang ở rất gần họ. Đúng như Enrique tâm sự, di sản của Cruyff sẽ còn giúp Barca phát triển trong tương lai lâu dài.

Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm