Johan Cruyff và di sản ở Camp Nou

01/11/2015 15:42 GMT+7

(lienminhbng.org) - Barcelona không phải là nơi vui vẻ khi Johan Cruyff trở lại đây vào năm 1988. Nhưng hơn 25 năm trôi qua, di sản mà ông để lại ở Camp Nou  vẫn được duy trì và phát huy… Chẳng hề quá lời khi nói - Không có Cruyff thì không có một Barca hùng mạnh như hôm nay.

Bảy giờ tối ngày 28/4/1988. Khách sạn Hesperia trên Carrer dels Vergos, một con phố chật chội ở phía bắc trung tâm thành phố Barcelona và cách sân Camp Nou đúng năm phút đi xe, sôi động bất thường.

21 cầu thủ, cộng thêm HLV của của Barca, Luis Aragones, ngồi sau bàn họp báo. “Chủ tịch Josep Lluis Nunez đã lừa dối chúng tôi và sỉ nhục chúng tôi,” đội trưởng Alexanko lên tiếng. “Vì thế, mặc dù yêu cầu này thường là do các thành viên của CLB quyết định, đội bóng đề nghị ông ấy nên từ chức.”

Tuyên bố đã gây sốc vì nó chưa từng có tiền lệ. “Nunez không cảm nhận được màu áo của CLB, cũng như ông ấy không yêu gì các CĐV,” tiền vệ Victor Munoz cho biết thêm. “Ông ấy chỉ yêu bản thân mình.” Chiến tranh đã nổ ra và tất cả xoay quanh vấn đề về tiền. Cục thuế Tây Ban Nha đang điều tra hợp đồng của từng cầu thủ Barcelona và phát hiện họ đều nợ thuế. Và đây là lý do đội bóng đòi Nunez phải từ chức.

Thực tế thì cái gọi là cuộc nổi dậy Hesperia chính là điểm thấp nhất trong mùa giải tệ nhất của Barcelona kể từ 1941/1942. Aragones mắc chứng trầm cảm và sẽ rời Camp Nou khi mùa bóng kết thúc. Từ chỗ dự chung kết European Cup năm 1986, Barca đã rơi tự do chỉ trong hai năm. Để xoay chuyển cục diện và để đảm bảo ông sẽ tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 6, Nunez đã quyết định chơi con bài cuối cùng.

Sáu ngày sau, ngày 4/5/1988, Johan Cruyff được thông báo sẽ dẫn dắt Barca. Lúc này, Blaugrana chỉ giành được một danh hiệu La Liga trong 14 năm và cho đến khi họ sa thải HLV người Hà Lan, tám năm sau đó, họ có 11 danh hiệu. Điều thú vị là thứ Bóng đá tổng lực ở thế hệ của ông từng cứu Barca vào cuối những năm 1970 một lần nữa giúp ông sau hơn một thập kỷ. Đó là lý do để nhiều cule tin rằng, đội hình mà ông xây dựng, Dream Team, là xuất sắc nhất, cũng như tạo nên nền tảng thành công cho những đội bóng sau này.

“Cánh cửa của tôi mở tới trời xanh”

Công việc tái thiết sau sự kiện Hesperia của Cruyff diễn ra ngay lập tức. 15 cầu thủ được bán đi, trong đó có những trụ cột và đứng đầu cuộc nổi loạn như Victor Munoz, Ramon Caldere và Bernd Schuster... Thay thế họ là 12 gương mặt mới, trong đó tiền vệ cánh Txiki Begiristain, tiền vệ tấn công Jose Mari Bakero, tiền đạo Julio Salinas và tiền vệ phòng ngự Eusebio đã trở thành xương sống trong Dream Team tương lai của Cruyff. “Tôi thấy tự hào khi một cầu thủ nổi tiếng như vậy quan tâm tới tôi,” Eusebio nhớ lại. “Những năm ông ấy thi đấu ở Nou Camp đã thay đổi bóng đá Tây Ban Nha và Barcelonismo. Tôi là một cậu bé 23 tuổi và cánh cửa của tôi mở tới trời xanh. Ông ấy xây dựng một tập thể những cầu thủ trẻ, nhiều khát vọng không phải nếm trải quãng thời gian bất ổn trước đó của CLB .”

Và bất chấp sự phản đối của Nunez, Cruyff đã giữ lại Alexanko, người đứng đầu cuộc nổi loạn như để khẳng định thông điệp mà ông muốn gửi tới ngài chủ tịch. “Nếu ông muốn nói chuyện với tôi, tôi sẽ đến văn phòng của ông,” Cruyff nói với Nunez. “Ông không được vào phòng thay đồ của tôi.”

“Tôi thích thắng 5-4 hơn 1-0”

Bước tiếp theo là thay đổi phong cách. Khi toàn đội tập trung vào đầu tháng 7/ 1988, El Flaco (người mảnh mai) đã chỉ rõ hệ thống mà ông muốn triển khai. “Ông ấy xếp ba hậu vệ, bốn tiền vệ, hai cầu thủ chạy cánh và một tiền đạo,” Eusebio nhớ lại. “Chúng tôi nhìn nhau và nói: ‘Cái quái gì thế nhỉ?!’ Đây là thời 4-4-2 hoặc 3-5-2. Chúng tôi không thể tin là có nhiều cầu thủ tấn công và ít hậu vệ như vậy. Đó đúng là một cuộc cách mạng.” Sơ đồ 3-4-3, được mô phỏng từ 4-3-3 mà Cruyff đã chơi ở Ajax và đội tuyển Hà Lan trong những năm 1970, ra đời.

“Nếu anh có bốn người kèm hai tiền đạo, anh chỉ có sáu người chống tám ở khu vực giữa sân và sẽ không có cách nào anh thắng được cuộc chiến đó. Chúng tôi phải rút một cầu thủ ở dưới để dành cho một cầu thủ ở phía trên,” Cruyff sau đó đã giải thích như vậy.

“Tôi đã bị chỉ trích vì chỉ chơi ba hậu vệ nhưng đấy là điều ngớ ngẩn nhất mà tôi từng nghe. Cái chúng tôi cần là kiểm soát khu vực giữa sân. Tôi thích thắng 5-4 hơn là 1-0.”

Cho đến giờ thì giữ bóng vẫn là phong cách quen thuộc của Barca, với một khái niệm đơn giản là khi anh giữ bóng, anh di chuyển tốt, anh có thể đưa bóng tới bất cứ đâu anh muốn và khiến đối phương không thể ghi bàn.

“Không có Cruyff sẽ không có những Xavi và Iniesta”

Tuy vậy, một vấn đề đã nảy sinh. Đội hình của Cruyff không có nhiều cầu thủ có kỹ thuật để triển khai được phong cách đó và đây là lý do La Masia cần phải cải tổ.

Thật khó tin là một CLB đã sản sinh ra Xavi, Iniesta và Messi trước lúc đấy không chọn cầu thủ dựa theo khả năng mà theo thể lực. Sự xuất hiện của Cruyff đã thay đổi hoàn toàn nhận thức này. “Tôi có những anh chàng thấp như Albert Ferrer, Sergi hay Guillermo Amor, những cầu thủ không có thể lực sung mãnh nhưng biết vờn đối thủ như vờn chuột,” Cruyff nhớ lại. “Thậm chí Pep Guardiola cũng không phải là cầu thủ có thể hình tốt nhưng anh ta xử lý bóng thông minh. Đó là những gì tôi cần.”

Nhờ vậy, các đội bóng từ U8 tới Barca B đều chơi theo 3-4-3. Lứa cầu thủ mà Cruyff trông chờ đã ra đời. Ferrer, Amor và Sergi có hơn 1.000 trận và không một ai cao hơn 1,8m. Cao hơn một tí nhưng mảnh khảnh, Guardiola cũng có 384 trận.

Không quá lời nếu nói rằng, không có Cruyff, những Xavi, Iniesta và Thiago sẽ không tồn tại về sau này.

“Ông ấy đã thay đổi khái niệm bóng đá ở Tây Ban Nha”

Sau 8 năm, Cruyff cuối cùng cũng rời Nou Camp nhưng 27 năm trôi qua kể từ ngày ông xuất hiện, di sản của ông vẫn còn đó. Nói như Eusebio thì “Tôi có thể cảm nhận ADN của ông ấy ở mọi cầu thủ. Tất cả đều biết hệ thống mà họ sẽ chơi. Thành công của La Masia chứng tỏ sự đúng đắn của ông ấy...”

Và Cruyff có lẽ cũng không ngờ rằng, những viên gạch đầu tiên được ông xây dựng vào năm 1988 đã tạo nên một Barcelona vĩ đại khác dưới thời Guardiola và là nền tảng của đội tuyển Tây Ban Nha vô địch Euro 2008, 2012 cũng như World Cup 2010. “Cruyff đã thay đổi khái niệm bóng đá ở đất nước này,” cựu trung vệ Miguel Angel Nadal nói. “Ngày nay, Barcelona và Tây Ban Nha chính là bằng chứng cho những gì ông đã tạo ra.”

Từng phẫu thuật tim khi còn dẫn dắt Barcelona, Johan Cruyff mới đây đã được chẩn đoán là ung thư phổi. Đây là hậu quả của thói quen nghiện thuốc lá của ông từ hồi trẻ. Tuy nhiên, trong năm 2015 này, không chỉ có ông gặp vấn đề về sức khỏe. Trước đó, Pele cũng đã phải nhập viện do nhiễm trùng đường tiết niệu, trong khi Gerd Muller mắc chứng Alzheimer.

Quang Huy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm