17/04/2016 15:12 GMT+7
(lienminhbng.org) - Như một sự tất yếu, giới bóng đá chóp bu không thể vắng mặt trong vụ tiết lộ lớn nhất lịch sử, Panama Papers (Hồ sơ Panama) với các cáo buộc trốn thuế. Cạnh sự "góp mặt" của Sepp Blatter, Michel Platini, Gianni Infantino là một Messi. Thế giới bóng đá lắm người xấu xí chăng?
FIFA "mới" đến cỡ nào?
Tất nhiên, hiện thời chưa thể kết luận điều gì, khi bản thân vụ Hồ sơ Panama không hề là một cáo trạng, và dĩ nhiên Infantino chỉ cần tuyên bố ngắn gọn: "Tôi chẳng làm sai điều gì". Infantino nói vậy cũng chỉ vì, trong cương vị chủ tịch FIFA, ông không thể không nói. Cả UEFA lẫn FIFA đều đang ủng hộ Infantino trong lúc này. Còn chuyện cảnh sát khám xét văn phòng UEFA để điều tra những việc làm cũ của Infantino thì... đấy là việc của cảnh sát.
Vấn đề là ở chỗ: chỉ vài tuần sau khi được bầu vào ghế chủ tịch FIFA, gánh vác biết bao hy vọng cho cả thế giới bóng đá, uy tín của Infantino đã sứt mẻ nghiêm trọng. Một FIFA "mới mẻ, rõ ràng, minh bạch" mà Infantino hứa hẹn và cả thế giới chờ đợi, rút cuộc vẫn chỉ như cũ. Thì ra, tân chủ tịch FIFA cũng vẫn chỉ là một mắt xích trong cả một hệ thống cũ, cách làm ăn cũ. Cần nhớ: cái sự khẳng định "tôi không làm gì sai" của Infantino chẳng liên quan gì đến cái tương lai tốt đẹp cho FIFA mà thế giới đã từng chờ đợi. Infantino không (hoặc chưa) hề tham gia rửa tiền, mánh lới, trục lợi... Nhưng có ai bảo Blatter hoặc Platini đã làm những việc ấy. Nào đã có chuyện Blatter hay Platini phải chịu tù tội hoặc phải ra tòa!
Infantino được coi như một chính trị gia
Messi... cũng vậy
Bản thân vụ Hồ sơ Panama chỉ mới là một "tiết lộ", và giá trị của tiết lộ ấy khác nhau như trời và vực ở các quốc gia, thể chế, xã hội, nền văn hóa, lĩnh vực khác nhau.
Vì sao người dân Argentina vẫn luôn mến mộ Diego Maradona, xem anh là một tượng đài trường tồn qua bao thế hệ, bất chấp những hình ảnh không thể xứng đáng làm gương cho giới trẻ? Một phần vì Maradona càng lố lăng thì càng lại càng tỏ ra rằng anh... sống thực, và đấy là cách sống tiêu biểu cho tầng lớp nghèo khó ở quê hương mình. Maradona hãnh diện: "Ở nơi tôi sống, người ta có thể trốn thuế, luôn tìm cách qua mặt chính quyền, nhưng không ai ăn cắp của bà con lối xóm".
Vậy, Messi có gì đáng chê trách - trong cái cách sống mà Maradona cổ súy - khi tên anh xuất hiện trong danh sách tiết lộ của Hồ sơ Panama? Và xin nhắc lại, trước tiên thì cũng chỉ là "tiết lộ". Messi có phải đối mặt với luật pháp hay không còn tùy vào phản ứng của chính quyền. Sigmundur David Gunnlaugsson lập tức từ chức thủ tướng Iceland ngay sau khi Hồ sơ Panama xuất hiện trước tiên vì đấy là Iceland - không phải là Argentina, vì đấy là chính trị chứ không phải bóng đá.
Khác biệt chỗ nào?
Độc lập với nghi án trốn thuế khiến Messi phải hầu tòa vào ngày 31/5 sắp tới, chi tiết mới mẻ trong câu chuyện của Hồ sơ Panama là người ta biết thêm về công ty Mega Star Enterprises, do Messi và ông bố Jorge làm chủ. Trên nguyên tắc, sự tồn tại của một công ty bất kỳ ở "thiên đường trốn thuế" chẳng có gì là sai phạm. Công ty ấy có liên quan đến việc rửa tiền hay không thì đấy là việc của pháp luật - và là pháp luật của từng nước khác nhau, như đã nêu.
Câu chuyện về Hồ sơ Panama chỉ có ý nghĩa khi người ta cho rằng nộp thuế thu nhập quả là trách nhiệm của bất cứ ai - chứ không phải là chuyện bóc lột, hoặc nó là nghĩa trong sự đóng góp với cộng đồng, là sự bình đẳng giữa mỗi cá nhân trước luật pháp. Còn chuyện Messi kiếm được bao nhiêu tiền và phải đóng thuế bao nhiêu thì chỉ có bản thân anh biết.
Còn Messi thì vẫn chỉ là một cầu thủ, cỗ máy sản xuất niềm vui
Quả bóng vẫn lăn, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn
Tất nhiên, tạp chí Forbes được xem là tài giỏi nhất trong thế giới tài chính cứ việc công bố những con số "trên bề mặt" cho mọi người tham khảo. Nhưng đấy không bao giờ là "kim chỉ nam" về thu nhập thật sự của giới nhà giàu. Ở Brazil, chỉ đến khi quốc hội phê chuẩn thì các điều tra viên của lưỡng viện - và không có ai khác - được quyền nhìn vào sổ sách xem thu nhập thật sự của ngôi sao Ronaldo hoặc HLV Mario Zagallo là bao nhiêu. Ở Italia, cảnh sát thuế được xem là cảnh sát có quyền lực cao nhất vì chỉ có cảnh sát thuế mới được xem qua các loại sổ sách tài chính. Đấy chỉ là vài ví dụ.
Vậy nên, tìm hiểu đến chỗ tận cùng về thu nhập và trách nhiệm nộp thuê của các siêu sao, có khi lại là chỗ không công bằng cho họ, nếu như chúng ta tin rằng mỗi một trận đấu họ ra sân đã là một sự “nộp thuế” và cống hiến cho cộng đồng rồi.
Danh sách đen của Hồ sơ Panama có tên ai? Cảnh sát Thụy Sĩ đã khám xét các văn phòng thuộc trụ sở UEFA tại Nyon để tìm thêm các chi tiết liên quan đến Gianni Infantino. Hiện là chủ tịch FIFA, Infantino từng là một giám đốc của UEFA, có liên quan đến một hợp đồng bán bản quyền truyền hình vào năm 2006, có trong Panama Papers. Một thành viên thuộc Ủy ban đạo đức FIFA (ủy ban này độc lập với FIFA) có tên là Juan Pedro Damiani đã từ chức vì bị nêu tên trong vụ Panama Papers. Damiani bị cho là đã làm việc cho ít nhất 7 công ty có liên quan đến Eugenio Figueredo (cả Figueredo lẫn Damiani đều là người Uruguay). Figueredo từng là chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ, phó chủ tịch FIFA, đã bị Mỹ bắt giữ hồi tháng 5/2015. Ngoài Infantino, Figueredo và Damiani, những nhân vật đáng lưu ý thuộc giới quan chức bóng đá đã bị nêu tên trong vụ Panama Papers là Michel Platini (cựu chủ tịch FIFA), Jerome Valcke (cựu TTK FIFA), Nicolas Leoz (cựu chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ), Eduardo Deluca (cựu TTK LĐBĐ Nam Mỹ). Các cầu thủ có tên trong Panama Papers: Leonardo Ulloa (Argentina, Leicester), Willian (Brazil, Chelsea), Lionel Messi (Argentina, Barcelona), Diego Forlan (Uruguay, Penarol). Các cựu cầu thủ: Clarence Seedorf, Sander Westerveld (Hà Lan), Ivan Zamorano (Chi Lê), Marc Rieper (Đan Mạch), Gabriel Heinze (Argentina), Daniel Fonseca (Uruguay), Andy Cole (Anh), Darko Kovacevic (Serbia), Tayfun Korkut, Nihat Kahveci (TNK), Valeri Karpin (Nga)...
CÁC NGÔI SAO BÓNG ĐÁ CÓ THU NHẬP NHƯ THẾ NÀO? Trong bảng xếp hạng mới nhất về thu nhập của các ngôi sao thể thao trên khắp thế giới (năm 2015, do tạp chí Forbes công bố), có 15 cầu thủ bóng đá xuất hiện trong "top 100". Cristiano Ronaldo (BĐN, Real Madrid) là cầu thủ có tổng thu nhập cao nhất: 79,6 triệu USD. Anh đứng thứ 3 trong danh sách chung (dưới hai ngôi sao quyền Anh Manny Pacquiao của Philippines và Floyd Mayweather của Mỹ). Đứng ngay sau Ronaldo, trong bảng xếp hạng chung cũng như trong môn bóng đá nói riêng, là Lionel Messi (Argentina, Barcelona). Cụ thể, thu nhập trong năm 2015 của các ngôi sao bóng đá giàu nhất thế giới như sau (lần lượt Thu nhập tổng cộng (triệu USD), Lương (triệu USD), Tiền thu quảng cáo (triệu USD) ) 1 Cristiano Ronaldo BĐN 79,6 52,6 27 2 Lionel Messi Argentina 73,8 51,8 22 3 Zlatan Ibrahimovic Thụy Điển 39,1 33,1 6 4 Gareth Bale Xứ Wales 35 25,5 9,5 5 Neymar Brazil 31 14 17 6 James Rodriguez Colombia 29 24,5 4,5 7 Wayne Rooney Anh 26,9 19,9 7 8 Radamel Falcao Colombia 25,9 21,9 4 9 Sergio Aguero Argentina 24,9 17,9 7 10 Luis Suarez Uruguay 21 16,5 4,5 11 Cesc Fabregas TBN 20,3 15,3 5 12 Yaya Toure Bờ Biển Ngà 20 17 3 13 Frank Lampard Anh 19,7 15,7 4 14 Eden Hazard Bỉ 19,6 16,1 3,5 15 Mesut Oezil Đức 19,3 12,8 6,5 |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất