(lienminhbng.org) - Trong ngày xác nhận chiêu mộ Paulinho từ... Quảng Châu Hằng Đại, Barca thông báo Sergi Samper, sản phẩm cuối cùng của lò La Masia, sẽ không còn nằm trong kế hoạch của CLB ở mùa bóng này.
Paulinho là tiền vệ điển hình cho lối chơi thiên về sức mạnh, với khả năng chiến đấu cao. Anh được kì vọng sẽ giúp Barca có thêm chất thép để tạo ra một lối chơi tổng lực. Đây cũng là triết lý mà chính Cruyff và Ernesto Valverde, khi ấy là học trò của huyền thoại người Hà Lan, đã lĩnh hội được.
Chia tay hy vọng cuối cùng của La Masia
Ở tuổi 16, Samper từ chối lời đề nghị của Arsenal. Một năm sau, anh lắc đầu trước lời đề nghị khác từ Chelsea. "Tôi muốn được chơi bóng ở Camp Nou", Samper đã nói như thế. Sau khi gây ấn tượng mạnh ở các đội trẻ, Samper được trao cơ hội ở đội 1 Barca trong mùa bóng 2015-16.
Cầu thủ trẻ này được chơi bên cạnh Busquets và Iniesta, những đàn anh trưởng thành từ chính lò La Masia thế hệ trước. Rất nhiều người tin với sự dìu dắt của hai tiền vệ dày dạn kinh nghiệm này, Samper sẽ trưởng thành, trở thành một Xavi mới ở hàng tiền vệ. Nhưng tháng 8/2016, Barca xác nhận để Sergi Samper chuyển tới CLB khác theo dạng cho mượn. Cầu thủ 21 tuổi khi ấy đã rơi nước mắt rời Ciudad Deportiva sau khi nhận được thông báo này từ Luis Enrique.
Các chuyên gia của Barca đã khuyên Samper đầu quân cho Valencia nhưng anh lại muốn tới Granada, nơi HLV Paco Jemez đảm bảo vị trí chính thức. Paco giữ lời hứa nhưng lại không để Samper chơi trong vai trò của một cầu thủ làm bóng. Chiến lược gia người Canarian biến anh trở thành một mẫu tiền vệ chiến đấu, không đúng với những gì Samper được dạy ở lò La Masia.
Barca đã chiêu mộ tiền vệ người Brazil Paulinho từ Quảng Châu Evergrande với giá 40 triệu euro nhưng thật khó hình dung Paulinho có thể giúp gì cho họ.
Hè này, Barca gọi Samper trở lại nhưng lại không sử dụng cầu thủ 22 tuổi này nhiều. Đến ngày 14/8, khi TTCN chỉ còn 2 tuần nữa là khép lại, Barca công bố danh sách 25 cầu thủ đội một mà không có Samper, dù hợp đồng của anh vẫn còn có thời hạn tới năm 2019. Samper sẽ rời Barca, cũng có nghĩa là thêm một sản phẩm nữa của La Masia rời CLB.
Quay lại triết lý nguyên bản của Cruyff
Trong năm đầu tiên Cruyff dẫn dắt Barca, ông đã trình làng một triết lý bóng đá mới, khi lối chơi dựa trên nền tảng sức mạnh của những tiền vệ để tạo ra thứ bóng đá tổng lực, nhanh, mạnh, dồn ép và kết liễu đối thủ.
5 năm qua, Barca cũng đã nỗ lực đi tìm một mẫu tiền vệ trung tâm đẳng cấp. Họ lần lượt mua Alex Song (19 triệu euro), Rakitic (18), Arda Turan (34), Andre Gomes (35), Denis Suarez (3,5) và Paulinho (40). Tổng cộng 149,5 triệu euro đã được bỏ ra, chưa kể việc đôn Sergi Roberto từ đội trẻ lên, người lại được sử dụng như một hậu vệ cánh ở mùa giải trước. Trong số này, chỉ Rakitic là người chơi đúng với kì vọng. Song từ mùa trước, cầu thủ người Croatia đã sa sút rất nhiều.
Real Madrid cũng đã chi tới 185 triệu euro để chiêu mộ tiền vệ trung tâm. Họ đã mua Kroos (30 triệu euro), Lucas Silva (13), Illarramendi (32), Isco (30), Modric (30), Asensio (3,5), Kovacic (30) và Casemiro (mua lại từ Porto). Trong số những cái tên này, Kroos, Casemiro, Isco, Modric đã khẳng định được mình. Một bản hợp đồng khác là Kovacic cũng bắt đầu chiếm được niềm tin từ Zidane ở mùa giải này. Đây chính là sự khác biệt so với Barca và nó lý giải vì sao Real Madrid đang dần tỏ ra vượt trội so với Barca trong cuộc chiến ở tuyến giữa.
Thành công của Real cũng là một gợi ý để Valverde muốn quay trở lại với truyết lý của Cruyff. Đó cũng là lý do Barca đã không quyết tâm theo tới cùng trong thương vụ Marco Verratti của PSG. Họ cũng lắc đầu trước gợi ý của Xavi, người muốn đưa tiền vệ Jean Seri, người được ví như "Xavi của châu Phi" về với Camp Nou. "Tôi đã theo dõi rất kĩ Seri. Cậu ấy có ADN của Barcelona", Xavi từng nói thế. Nhưng Barca không quan tâm đến cầu thủ người Bờ Biển Ngà đang chơi cho Nice. Cuối cùng, họ chọn Paulinho.
Đó cũng là động thái cho việc Barca đã chia tay với hình mẫu Xavi, chia tay tiki-taka của Pep Guardiola để trở về với triết lý nguyên bản của Cruyff.
Trần Giáp