24/05/2015 14:34 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Làng xe đạp Việt Nam có lẽ không quá xa lạ với cái tên Nguyễn Nam Cực. Từ thời đua chuyên nghiệp, Nam Cực đã nức tiếng với những danh hiệu cao quý. Khi giã từ sân chơi đỉnh cao để về chơi phong trào, tay đua 36 tuổi tiếp tục là thách thức lớn với phần còn lại.
Vua nước rút một thời
Những năm cuối thập niêm 90, chàng trai Nguyễn Nam Cực mới chỉ 18 tuổi và chập chững bước vào đường đua chuyên nghiệp. Nơi trưởng thành của Nam Cực là Huyện Hóc Môn (TP.HCM), địa danh luôn sinh ra những tay đua lừng lẫy của làng xe đạp Việt Nam, hiện tại là anh em Văn Duẩn-Nguyệt Minh. Với tố chất bẩm sinh, Nam Cực nhanh chóng thành danh trong màu áo của đội xe đạp Cảng Sài Gòn.
Nhắc đến Nam Cực khi đó, giới chuyên môn phong cho anh danh hiệu bậc thầy nước rút. Trải qua nhiều màu áo như Cảng Sài Gòn, Vinamit TP.HCM, Eximbank TP.HCM hay BVTV Sài Gòn, Nguyễn Nam Cực đều đặn xuất hiện trong danh sách của một trong những VĐV xuất sắc nhất các giải đấu anh tham gia.
Những thành tích mà Nam Cực khiến nhiều đồng nghiệp khác trong làng phải ao ước, phải kể đến như 3 chiếc Áo xanh Cúp truyền hình HTV 2001, 2002, 2004 (giải đua xe đạp danh giá nhất Việt Nam); 2 danh hiệu Áo vàng Cúp Đồng bằng sông Cửu Long (2008, 2010)… Ở màu áo ĐTQG, Nam Cực là cái tên nhẵn mặt. Dù vậy, anh không mấy có duyên ở bình diện này khi thành tích tốt nhất chỉ là hạng 4 SEA Games 23.
Nguyễn Nam Cực chia sẻ: “Với tôi, có bao nhiêu thành tích trong sự nghiệp thì tôi không thể nhớ nổi. Tuy nhiên, thành tích mà tôi ấn tượng nhất cho đến bây giờ là ở Cúp truyền hình HTV 2004. Năm đó dù tôi chỉ về nhì, nhưng tôi và đồng đội đã cạnh tranh rất sòng phẳng và quyết liệt với đội Hàn Quốc”.
Cuối năm 2012, sau giải đua quốc tế ADC-THVL, Nguyễn Nam Cực bất ngờ tuyên bố không tham dự các giải đấu với tư cách là VĐV và chuyển sang công tác huấn luyện. Đầu năm 2013 cũng là thời điểm Nam Cực hoàn tất chương trình Đại Học TDTT TP.HCM.
Nam Cực chia sẻ: “Quãng thời gian tôi thi đấu chuyên nghiệp đã dành quá nhiều, hơn 10 năm. Do đó, tôi muốn dừng thi đấu và chuyển sang công tác huấn luyện để có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình hơn. Ngoài ra, những kinh nghiệm thu thập được trong đời VĐV, tôi nghĩ sẽ có ích để truyền đạt cho thế hệ VĐV trẻ sau này. Điều mong muốn nhất với tôi là cố gắng làm nhiều điều hơn để giúp xe đạp Việt Nam phát triển”.
Nam Cực chứng tỏ mình rất mát tay với nghiệp “gõ đầu trẻ”. Chỉ hơn 2 năm làm thầy ở đội tuyển trẻ TP.HCM, Nam Cực đã giúp ích nhiều cho những cậu học trò như Nguyệt Minh, Thanh Điền giành những thành tích ấn tượng tại những giải đấu như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cúp truyền hình TP.HCM… Những tuyển thủ quốc gia như Trịnh Đức Tâm, Hà Thanh Tâm, Huỳnh Thanh Tùng… cũng nhận được những lời khuyên bổ ích từ thầy Cực.
Thúc đẩy phong trào bằng cách chơi phong trào
Tháng 5 năm 2015, làng xe đạp Việt Nam không khỏi ngạc nhiên khi cái tên kỳ cựu Nguyễn Nam Cực xuất hiện trong bảng danh sách đăng kí tham gia ở giải phong trào. Với Nam Cực, anh tâm niệm không có chuyện yên phận với nghiệp “gõ đầu trẻ” ở đội trẻ TP.HCM.
Nam Cực tâm sự: “Bản thân tôi xuất thân từ giải phong trào ở huyện Hóc Môn, rồi sau đó chuyển sang cho đội trẻ Bình Dương. Tôi nhận thấy sự nghiệp của VĐV của bất cứ môn thể thao nào cũng phải trải qua những cuộc thi phong trào hay những cuộc thi danh cho giải trẻ. Càng nhiều giải đấu như thế, càng nhiều tay đua trẻ triển vọng sẽ được phát hiện cho xe đạp Việt Nam”.
Với Nam Cực, trở lại đường đua là cách để tìm lại niềm đam mê bất tận của bản thân, vừa để quan sát những tay đua trẻ. Thế nên, khi đội Đạm Cà Mau có lời mời anh về đầu quân để tham gia giải đua xe đạp về nông thôn An Giang, Nam Cực đã nhận lời.
Anh chia sẻ: “Mỗi VĐV chỉ có một thời vàng son cho mình nhưng sau thời gian đó sẽ có một công việc khác. Và đây chính là cuộc chơi để mình nhớ lại những kỉ niệm, những kí ức của cuộc đời. Tôi nhớ như in những vết sẹo mỗi lần “đo đường”, những cái rít gió, những cung đường đẹp hay những lần cùng đồng đội vui buồn sướng khổ”.
2 năm được trở lại những cung đường quen thuộc, HLV sinh năm 1979 ngay lập tức lại khiến người ta nhớ đến mình với chiếc Áo vàng hạng phong trào giải xe đạp Về nông thôn An Giang 2015 vừa kết thúc. Phong độ của Nam Cực giúp đội Đạm Cà Mau thâu tóm luôn giải nhất đồng đội. Một cái kết quá hoàn hảo với HLV họ Nguyễn. Anh nhắn nhủ: “Lứa trẻ hiện nay được đầu tư tốt hơn, có chuyên môn khá tốt và đồng đều, các em có nỗ lực. Để trở thành VĐV giỏi, họ phải đổ nhiều mồ hôi hơn trên đường tập luyện. Xe đạp cũng đòi hỏi phải đầu tư kiến thức, không ngừng học hỏi thì mới mong thành công”.
36 tuổi, Nam Cực giờ lại khiến làng xe đạp Việt Nam “dậy sóng” ở hạng phong trào. Với tố chất của VĐV chuyên nghiệp, lại được duy trì thể lực đều đặn do công việc đặc thù ở đội trẻ TP.HCM, giới chuyên môn nhận định, Nam Cực là tay đua đáng gờm của giải phong trào trong mọi giải đấu mà anh tham gia. 21h34’26’’ là thành tích để Nam Cực giành Áo vàng hạng phong trào giải xe đạp Về nông thôn An Giang 2015. Thành tích này chỉ nhiều hơn 12 giây so với VĐV đoạt Áo vàng ở hạng trẻ chuyên nghiệp là Nguyễn Hoàng Giang (Gạo Hạt ngọc trời An Giang). Nam Cực cho thấy anh là tấm gương mẫu mực để các VĐV trẻ phải học hỏi. |
Quốc Tài
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất