23/11/2019 15:44 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Đại tá Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh vừa có tờ trình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 trên địa bàn, trong đó, có việc thực hiện Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen".
Theo Đại tá Nguyễn Văn Trãi, từ 13/3 đến nay Lực lượng Công an phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, đồng thời tháo gỡ, xóa bỏ các bảng quảng cáo, tờ rơi dán trên trụ điện, tường rào trên các tuyến đường, khu dân cư, khu công nghiệp,...có liên quan đến nội dung cho vay, lãi suất cao.
Qua công tác điều tra, trinh sát, tiếp nhận tin báo tội phạm, Lực lượng công an các huyện, thành phố đã phát hiện, bắt 34 vụ, 68 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng. Tang vật tạm giữ trên 860 triệu đồng, 56 chiếc điện thoại di động, 352 sổ hộ khẩu, 234 giấy chứng minh nhân dân, 37 xe mô tô, 2 xe ô tô, 174 quyển sổ ghi nợ, 84 hợp đồng cho vay, 768 giấy quảng cáo cho vay, 12 thẻ ATM.
Qua xác minh có 3.099 người vay tiền của các đối tượng. Người vay chủ yếu là con bạc, người lao động, các tiểu thương... vay với số tiền từ 5 triệu đến 200 triệu đồng/người, lãi suất từ 25-35%/tháng.
Công an các huyện, thành phố đã khởi tố 6 vụ, 13 đối tượng, phạt hành chính 32 đối tượng với số tiền 224 triệu đồng, số còn lại đang tiếp tục xác minh làm rõ. Qua triển khai quyết liệt của các ngành, các cấp hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu "xã hội đen" trên địa bàn tỉnh đã giảm, đối tượng không còn hoạt động công khai như trước nữa, công an tỉnh Tây Ninh nhận định.
Đại tá Nguyễn Văn Trãi cho biết thêm, về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn cũng đang diễn biến phức tạp, đáng chú ý là xảy ra nhiều vụ lừa đảo trên mạng xã hội với số tiền thiệt hại rất lớn do các đối tượng là người Việt Nam hoặc nghi vấn là người nước ngoài thực hiện (Công an tỉnh đã tiếp nhận và đang xử lý 11 tin liên quan đến loại tội phạm này).
Gần đây còn nổi lên tình hình các đối tượng làm giả giấy tờ để thuê xe ô tô dịch vụ ngắn hạn, sau đó tiếp tục làm giả giấy tờ xe và đem xe (đã thuê) đến địa phương khác để thế chấp, cầm cố. Công an tỉnh Tây Ninh đang điều tra, xác minh làm rõ để xử lý vụ lừa đảo, cầm cố theo kiểu này với số tài sản vi phạm trị giá gần 2 tỷ đồng.
Để công tác phòng chống tội phạm có hiệu quả, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, Công an tỉnh Tây Ninh duy trì công tác xây dựng và mở rộng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 53 Ban điều hành mô hình phòng chống tội phạm như: Mô hình vận động toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm ở địa bàn khu dân cư; mô hình Họ đạo Cao Đài tham gia giữ gìn an ninh trật tự, mô hình Xứ đạo an toàn về an ninh trật tự, Đồng bào dân tộc Chăm tham gia giữ gìn an ninh trật tự...
Công an huyện Dương Minh Châu và Thành phố Tây Ninh cũng đang được Công an tỉnh cho thí điểm mô hình tuyên truyền phòng chống tội phạm qua mạng Zalo, kết nối giữa người dân, Bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân, các thành viên trong Tổ dân cư tự quản, với Lực lượng Công an xã, phường, thị trấn để thông tin tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất