Thể thao Khánh Hòa - Một thời vang bóng: Bóng bàn đang vào 'ngõ cụt'

25/05/2014 08:46 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Ở số báo trước, chúng tôi đã đề cập tới quá trình từ hoàng kim đến lay lắt của quần vợt Khánh Hòa. Số này, chúng tôi sẽ phản ánh đến câu chuyện của bóng bàn.

Sau giải phóng, bóng bàn Khánh Hòa vẫn là con số 0, không như Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác đã có xây dựng được nền tảng bóng bàn khá tốt.

Bóng bàn Khánh Hòa phải nói là “từ chân đất” đi lên. Thế nhưng, xác định bóng bàn là môn mũi nhọn, những nhà quản lý thể thao Phú Khánh trước đây đã đầu tư khá bền bỉ cho bóng bàn. Nói đầu tư thì hơi ghê gớm, chủ yếu là lòng nhiệt huyết, và chú trọng gây dựng phong trào bóng bàn sâu rộng, nhất là trong hệ thống học đường.

Nhiều  tên tuổi thành danh sớm từ trên ghế nhà trường như Phương Thảo, Minh Đạt, Đoàn Kiến Quốc, Đoàn Trọng Nghĩa, Đoan Trang,  Bích Thư…Đoàn Kiến Quốc từng 4 năm liên tiếp vô địch giải Nhi đồng toàn quốc. Năm 1988, Khánh Hòa đã có kiện tướng đầu tiên là Phương Thảo.

Từ 1976 đến 1996,  trải qua 20 năm, Khánh Hòa duy trì được phong trào bóng bàn cực mạnh. Tuy nhiên, sau thời Đoàn Kiến Quốc, Đoàn Trọng Nghĩa, cũng như quần vợt, bóng bàn Khánh Hòa đã bị tác động bởi cơ chế thị trường, cùng cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng. Các thế hệ VĐV trẻ của bóng bàn Khánh Hòa sẽ nghĩ sao, khi Đoàn Kiến Quốc là tay vợt bóng bàn Việt Nam duy nhất được tranh tài ở 2 kỳ Olympic liên tiếp là Athens 2004 và Bắc Kinh 2008, được bầu là VĐV tiêu biểu toàn quốc các năm 1996, 2004, 2008, mang lại bao chiến công cho thể thao Khánh Hòa nhưng sau hơn 20 năm cống hiến, đến năm 2009 tròn 30 tuổi nhưng vẫn không có hợp đồng lao động, tổng thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng.Kiến Quốc đã rời Khánh Hòa vì ấm ức, nhưng rồi anh vẫn trở về quê hương.

Với môn bóng bàn, để có thể hy vọng thành tài phải mất 7-10 năm hoàn thiện kỹ thuật, đòi hỏi sự chia sẻ rất lớn của phụ huynh và nhất là quyết tâm của các VĐV. Vậy nhưng, với chế độ đãi ngộ như hiện nay, chẳng mấy ai dám cho con em mình theo đuổi sự nghiệp bóng bàn. Hiện chỉ còn 15 em đang tập trung thì trong đó 10 em là nghiệp dư. Có người đi tập cũng đã mừng rồi!

Tìm hiểu hiện trạng của bóng bàn Khánh Hòa, có thể thấy chưa bao giờ phong trào chơi bóng bàn ở phố biển lại xuống dốc thể thảm như mấy năm qua. Bóng bàn học đường vốn là cái nôi chắp cánh cho nhiều tài năng, thì nay nhợt nhạt. Toàn thành phố Nha Trang quá ít CLB bóng bàn, số lượng bàn ít ỏi. Thời buổi “tấc đất tấc vàng, các bàn và các CLB bóng bàn chiếm diện tích không nhỏ, cũng là rào cản.

Như vậy, bóng bàn Khánh Hòa phải nói là trong tình trạng S.O.S. Không còn cách nào khác, bộ môn này cần phải được đầu tư có chiều sâu. Đầu tiên, vẫn phải đầu tư về kinh phí, cải thiện chế độ đãi ngộ để các em yên tâm đeo đuổi, phụ huynh cũng vậy.

Những người làm bóng bàn phố biển và cấp trên cần phát động phong trào sâu rộng chơi bóng bàn trong học đường, đầu tư cho lứa năng khiếu, từng bước xây dựng môi trường chuyên nghiệp với bóng bàn nói chung và các môn thể thao mũi nhọn khác nói chung.

Xem ra, bóng bàn Khánh Hòa đang đi vào ngõ cụt thật rồi.

Đón đọc kỳ 5: Bóng đá- Trong tro còn lửa

Thanh Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm