12/11/2014 13:49 GMT+7 | Âm nhạc
Chuyện nữ ca sĩ 25 tuổi chấm dứt mối hợp tác với Spotify là sự kiện nóng nhất làng nhạc Mỹ tuần qua. Nó còn "nóng" hơn cả việc album mới 1989 của chính Swift vừa trở thành album bán chạy nhất trong vòng 12 năm, với gần 1,3 triệu bản được tiêu thụ trong tuần đầu tiên.
Tuy nhiên Swift không phải là nghệ sĩ đầu tiên rút nhạc khỏi Spotify. Trong năm nay, Eric Church và Coldplay đã không đưa album mới của mình lên các trang nghe nhạc miễn phí, và kết quả là lượng tiêu thụ đĩa nhạc của họ trong tuần đầu tiên rất khả quan.
Sẽ thành xu hướng mới?
Những nghệ sĩ trên không đơn độc. Tạp chí Billboard dẫn lời Scott Borchetta, ông chủ của hãng đĩa Big Machine cho biết, nhiều nhà sản xuất và nghệ sĩ đã liên lạc với ông và đề nghị làm theo cách của Swift. Họ không muốn nhạc của mình là miễn phí nữa. Borchetta tin rằng sẽ ngày càng có nhiều nghệ sĩ đi theo con đường của Swift, tạo nên một sự thay đổi lớn trong nền công nghiệp âm nhạc.
Quyết định này của Taylor Swift không bất ngờ nếu người ta biết rằng cô đã viết một bài báo cách nay vài tháng trên tờ Wall Street Journal, kêu gọi công chúng trả tiền xứng đáng cho nghệ thuật. Việc đoạn tuyệt với Spotify chỉ là một trong số các hành động thực tiễn để Swift chứng minh cho điều cô nói.
Swift cho biết cô hoàn toàn cởi mở về chủ đề "trả tiền xứng đáng" này, vì cô từng xem xét việc đưa bài hát mới Shake It Off (hiện đứng thứ nhất BXH đĩa đơn của Billboard) lên trang web nghe nhạc miễn phí. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, cô thấy việc đó khiến mình không hề thoải mái. Cô cảm thấy âm nhạc của mình bị hạ thấp, và cần phải làm gì đó thức tỉnh công chúng về tư duy nghe nhạc miễn phí.
Swift gọi các dịch vụ nghe nhạc miễn phí như Spotify là “thử nghiệm lớn”, nhưng cô không hề có ý định tham gia. “Tôi phản đối quan điểm cho rằng âm nhạc không có giá trị và nên là miễn phí” - nữ ca sĩ nói với Yahoo News.
Còn Spotify cũng bảo vệ quan điểm của họ, dù vẫn buộc phải xóa nhạc của Swift - một ngôi sao có lượng người hâm mộ khổng lồ - khỏi hệ thống. Trang web này cho biết: “Chúng tôi hy vọng cô ấy sẽ thay đổi ý định và tham gia cùng chúng tôi tạo nên một nền âm nhạc thương mại dành cho tất cả mọi người”.
“Chúng tôi tin rằng người hâm mộ nên được nghe nhạc mọi lúc, mọi nơi mà họ muốn, và nghệ sĩ hoàn toàn có quyền được trả công xứng đáng cho sáng tạo của họ, được bảo vệ khỏi vấn nạn vi phạm bản quyền” - trang web thông báo tiếp.
Tuyên bố này, dù có tính thiện chí, song lại khá mâu thuẫn, bởi “quyền nghe nhạc” của người hâm mộ và “quyền được trả tiền” của nghệ sĩ là 2 thứ không dễ để đảm bảo cùng một lúc.
Công và tội của Spotify
Eric Church và Coldplay hiện vẫn chưa hoàn toàn rút bỏ nhạc của mình khỏi Spotify. Thậm chí họ vẫn đưa nhạc lên Spotify sau khi phát hành đĩa CD một thời gian.
Nhưng trường hợp của Swift nghiêm trọng hơn nhiều. Cô là ngôi sao đầu tiên thực sự quay lưng với trang web này, tuyên bố rõ lý do là vì tiền và không hứa hẹn sẽ trở lại. Hơn thế, Swift còn là ngôi sao ca nhạc hàng đầu thế giới, nên ảnh hưởng của quyết định này rất lớn.
Spotify là một dịch vụ cung cấp nhạc theo hình thức nghe trực tuyến (streaming). Tạp chí Rolling Stone đánh giá, nhìn từ góc độ công chúng thì đây là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra trong âm nhạc. Kho nhạc của Spotify rất lớn, với khoảng 15 triệu bài hát, có cả nhạc xưa của The Beatles, Bob Seger hay AC/DC. Dịch vụ này có cả hình thức miễn phí và trả tiền.
Nhưng nhìn từ góc độ nghệ sĩ, Spotify là một mối đe dọa. Dù trang web này khẳng định họ trích 70% doanh thu để trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu nhạc, các nghệ sĩ vẫn than phiền rằng họ không nhận được xu nào từ mỗi lượt tải nhạc.
Lâu nay công chúng không quan tâm đến vấn đề này, coi đây là chuyện riêng mà trang web phải giải quyết với hãng đĩa và nghệ sĩ. Nhưng có thể thấy khi các nghệ sĩ như Swift bắt đầu quay lưng với nhạc miễn phí và rút sạch nhạc khỏi Spotify, quyền lợi của công chúng chắc chắn sẽ bị đe dọa.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất