01/10/2015 07:30 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Việc Nga điều một lượng lớn máy bay chiến đấu tới Syria chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận, đặc biệt khi trong danh sách những chú “chim sắt” có cả máy bay cường kích siêu hiện đại Su-34.
Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng xác nhận việc Nga điều khoảng 6 máy bay Su-34 tới Syria, được báo chí loan tin trong thời gian gần đây.
Thanh gươm báu của quân đội Nga
Những chiếc Su-34 Fullback là một biến thể của dòng máy bay Su-27 huyền thoại, chuyên thực hiện các nhiệm vụ cường kích. Đây là chiếc máy bay tấn công mặt đất hiện đại nhất mà Nga điều vào chiến dịch quân sự của nước này ở Trung Đông. Đây cũng là lần đầu tiên Su-34 làm nhiệm vụ chiến đấu bên ngoài nước Nga.
Được thai nghén trong thập kỷ cuối cùng dưới thời Liên Xô, chiếc Su-34 ra đời chủ yếu để thay thế cho phi đội máy bay cường kích Su-24 Fencer đã cổ lỗ. Giống chiếc Fencer, Su-34 Fullback được thiết kế để hai phi công ngồi ngang hàng với nhau, thay vì 1 người trước, một người sau như ở nhiều chiếc chiến đấu cơ khác.
Nhưng không giống chiếc Fencer, Su-34 đã khai thác tối đa lợi thế của dòng máy bay Flanker. Ngoài khả năng cường kích, nó được trang bị khả năng phòng ngự trên không đáng gờm. Ngoài các tên lửa tầm gần R-73 phục vụ hoạt động không chiến cự ly gần, Su-34 còn có thể mang theo tên lửa không đối không tầm xa R-77, được dẫn đường bằng rađa.
Điều này có nghĩa giống như F-15 Strike Eagle, chiếc máy bay của phương Tây với các đặc tính gần tương tự Su-34, chiếc Fullback có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất mà không cần máy bay bảo vệ. Nó cũng có thiết kế đặc biệt với một rađa xoay ngược về phía sau để cảnh báo tổ lái về các mối đe dọa bất ngờ xuất hiện sau lưng.
Trong khi có khả năng chiến đấu không đối không trong tình huống khẩn cấp, Su-34 về cơ bản vẫn là một chiếc máy bay cường kích. Bán kính chiến đấu của chiếc máy bay này chỉ khoảng 1.300 km. Bán kính có thể tăng lên nếu máy bay được tiếp dầu trên không.
Bởi quan điểm cho rằng Su-34 sẽ hoạt động trên không trong nhiều giờ, người Nga đã thiết kế chiếc máy bay theo hướng giúp tổ lái cảm thấy tiện nghi, thoải mái khi điều khiển nó. Cụ thể, khoang lái có một không gian khá rộng phía trên đầu các phi công, giúp họ có thể đứng lên, thậm chí đi lại chút ít.
Su-34 Fullback được trang bị các cảm biến mạnh, với yếu tố trung tâm là rađa quét mảng pha bị động Leninets B-004. Hệ thống sử dụng công nghệ rađa tương tự như các mẫu Flanker khác, nhưng được tối ưu cho hoạt động tấn công không đối đất.
Hiện chưa rõ hệ thống rađa của Su-34 có khả năng mang lại những gì, nhưng giới chuyên gia lâu nay tin rằng nó đủ để giúp chiếc máy bay giao chiến với mục tiêu trên không nằm cách xa tới 100km. Nó cũng có thể giao chiến với các mục tiêu trên bộ ở cách xa hơn 90km.
Cơ hội thu lấy kinh nghiệm quý báu
Su-34 còn được trang bị hệ thống điều khiển bắn quang điện tử. Nó cũng được lắp ụ hỗ trợ ngắm bắn Geofizika. Tuy nhiên các ụ hỗ trợ này không phải là điểm mạnh của ngành quốc phòng Nga.
National Interest nói rằng Nga đã cân nhắc việc mua giấy phép để sản xuất các vụ hỗ trợ ngắm bắn Damocles của Pháp. Các khách hàng của Nga như Ấn Độ thì mua ụ LITENING do Israel sản xuất. National Interest tin rằng việc thiếu ụ hỗ trợ ngắm bắn đáng tin cậy có thể sẽ mang tới vấn đề lớn cho Nga trong cuộc chiến chống IS.
Chiếc Su-34 Fullback được trang bị 2 động cơ turbofan Saturn AL-31F cực mạnh, với khả năng mang tới 8 tấn bom, đạn trên 12 mấu cứng. Nó mang được rất nhiều loại tên lửa không đối đất như Kh-59ME, Kh-31A, Kh-31P, Kh-29T, Kh-29L và S-25LD - mẫu tên lửa được thiết kế để tiêu diệt cả mục tiêu trên bộ lẫn trên biển.
Nó cũng mang được đủ loại rocket, bom không và có dẫn đường (bằng laser, quang điện hay vệ tinh), gồm các bom RBK-500 và bom chùm SPBE-D, vốn rất hiệu quả để chống IS. Tuy nhiên Nga có bao nhiêu vũ khí chính xác trong kho là câu hỏi mở chưa có đáp án.
National Interest đánh giá việc triển khai Su-34 cùng các loại máy bay hiện đại khác như Su-30SM mang tới cho Nga cơ hội để kiểm tra các loại vũ khí mới nhất, trong môi trường chiến đấu thực tế, và thu lấy các kinh nghiệm quý báu.
Dựa vào đó, quân đội Nga có thể biết thứ vũ khí nào hoạt động hiệu quả và thứ nào thì cần điều chỉnh. Quân đội cũng sẽ biết rằng họ cần phải tích trữ dự phòng những linh kiện nào, chuẩn bị các hoạt động hậu cần gì khi đi chiến đấu ngoài biên giới quốc gia.
Hoạt động huấn luyện thời bình có thể giúp người lính Nga thành thục kỹ năng chiến đấu. Tuy nhiên phải ở trong một môi trường thử lửa thực sự, quân đội Nga mới có thể bắt kịp Mỹ và phương Tây, vốn đã có hơn một thập kỷ liên tục chiến đấu và xử lý các khoảng trống, các thiếu sót, hình thành trong quá trình huấn luyện.
Tường Linh (Theo National Interest)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất