(lienminhbng.org) -
Thời của Andy Murray, cuối cùng, cũng đã đến. Tay vợt người Scotland đã cải thiện những kỹ năng cũng như trui rèn tâm lý để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của anh từ trước đến nay. Và do những đối thủ chính đều sa sút, Murray hoàn toàn có thể kéo dài hơn nữa kỷ nguyên thống trị của mình. Murray lên vị trí thứ hai thế giới khi mới 22 tuổi, và sau hơn 7 năm, anh mới thỏa nguyện ước mơ đứng trên đỉnh thế giới. Quãng thời gian rất dài ấy là một sự bền bỉ đáng ngưỡng mộ, và chiến thắng 6-3, 6-4 trước Djokovic ở chung kết ATP World Tour Final giống như một thông điệp của Murray: anh sẽ trụ ở ngôi số một thế giới lâu nhất có thể. Từ giờ cho đến khi phải bảo vệ chức vô địch ở Wimbledon, mục tiêu ấy là không đến nỗi quá khó khăn.
Quần vợt cũng giống như… quyền Anh“Khi luôn phải xếp thứ 4 thế giới, tôi không bao giờ muốn thất bại. Nhưng cảm giác khi ấy khác hẳn bây giờ. Vị trí thứ 4 thế giới cũng tuyệt, nhưng không phải số một. Phải đến vài tháng gần đây, khi tôi có một mục tiêu rõ ràng và cố gắng đạt được nó, thì chiến thắng mới càng có ý nghĩa quan trọng. Tôi cảm thấy mình có động lực để tiếp tục hơn”, Murray trần tình.
Ngoài quần vợt, Murray còn rất yêu quyền Anh và nhận thấy giữa hai môn thể thao ấy cũng có những điểm chung. Anh nhắc đến trận Andre Ward thắng Sergey Kovalev để vô địch quyền Anh hạng dưới nặng một cách say mê: “Tôi xem trận đấu ấy sáng nay. Rất nhiều lần bạn cho rằng tay đấm khiến đối phương tổn thương hơn sẽ chiến thắng trận đấu ấy, nhưng không. Mọi thứ đều được thiết lâp lại sa mỗi hiệp”.
Phải chăng quần vợt cũng có điểm giống như thế, và sự nghiệp của Murray là một minh chứng? “Tôi nghĩ vậy. Kovalev chiến thắng ở nửa đầu trận so găng, nhưng Ward thống trị phần còn lại. Có rất nhiều hiệp đấu (thứ 4, thứ 5, thứ 6) diễn ra căng thẳng, và mỗi người đều có thể cho rằng mình đúng khi Kovalev hay Ward chiến thắng. Kovalev gây tổn hại cho đối phương nhiều hơn một chút nên nhiều người cho rằng anh đã bị đánh cắp một chiến thắng, nhưng tôi thì nghĩ trận đấu rất cân bằng”
Ward cũng giống như Murray, đứng lên từ thất bại để trở thành số một thế giới. Còn Kovalev không khác gì Djokovic, đã đánh tuột lợi thế của mình.
Sau 11 năm thi đấu chuyên nghiệp, Murray đã vươn tới đỉnh cao nhất nhờ lao động cật lực, quyết tâm, và cả sự hy sinh nữa. Tất nhiên, cũng phải kể đến tài năng thiên phú của anh nữa, song đối với một tay vợt cùng thời với những Federer, Nadal, Djokovic, những yếu tố trên mới đáng nhắc đến. Nếu tiếp tục giữ vững phong độ và nhiệt huyết như thế này, anh hoàn toàn có thể bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình những danh hiệu lớn nữa, trong bối cảnh Djokovic vẫn đang tổn thương, còn thế hệ kế cận thì chưa kịp lớn.
Liên tục trui rèn bản thân
Ông Craig O’Shanessy, chuyên gia phân tích của ATP đã chỉ ra chìa khóa giúp Murray chiến thắng thường xuyên như vậy. “Yếu tố chính giúp Murray tiến lên ngôi số một thế giới mùa này chính là sự cải thiện đáng kể trong những cú giao bóng hai”.
Ở Australian Open 2015, tốc độ trung bình trong những cú giao bóng hai của Murray trong trận đấu với Yuki Bhambri là 136 km/giờ. Một năm sau, trong trận đấu với Alexander Zverev, con số ấy là trung bình 149 km/giờ, và có lúc lên đến 163 km/h. Số điểm giành được từ giao bóng hai của Murray cũng tăng dần từ 51% năm 2014 đến 52% năm 2015 và 54% năm 2016. Về mặt này, Murray đang xếp thứ 13 thế giới, một sự cải thiện rất đáng kể so với năm ngoái (hạng 25).
Nếu những con số này chưa thực sự gây ấn tượng, bạn cần phải đặt nó vào lối chơi toàn năng của Murray. Thậm chí ngay cả khi phải giao bóng dưới sức ép lớn, tay vợt người Scotland vẫn có khả năng đặt đối thủ vào một tình thế phải đánh trả khó khăn.
Murray vốn nổi tiếng với nghệ thuật phòng thủ, đặc biệt trong những tình huống anh phải đuổi bóng lùi sâu hoặc rộng ra biên. Chúng ta có thể liệt kê không hết những lần anh cứu thua trong các pha bóng bền bằng những kỹ năng siêu thực, những cú lốp trái giật cổ tay với quỹ đạo trái bóng đi cực hiểm, sát với baseline. Kỹ năng ấy không chỉ hiệu quả với những đối thủ chơi lên lưới, mà còn giúp Murray có nhiều thời gian chọn những vị trí phòng thủ tốt hơn để chuẩn bị cho cú đánh tiếp theo.
Nhưng chính Murray cũng chưa hài lòng với chính mình, khi tuyên bố “Tôi còn có thể tiến bộ thêm nữa”. Và sau khi đổ những giọt mồ hồi ở trung tâm tập luyện tại Miami hay tinh chỉnh lối chơi từ những giải đấu nhỏ, anh sẽ càng trở nên đáng sợ hơn.
Ai sẽ thách thức Murray?
Ngày 16/01 tới, sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi, Murray sẽ bắt đầu triều đại của mình bằng giải đấu lớn đầu tiên: Australian Open 2017. Đây cũng là lần đầu tiên, Murray bước vào một Grand Slam với vị thế ứng cử viên số một. Trước đó, “kiến trúc sư” Ivan Lendl cũng không nghĩ rằng Murray có thể lên ngôi số một sớm như vậy. Ông và Jamie Delgado đều cho rằng cùng lắm thì đến tháng Hai hoặc tháng Ba sang năm, Murray mới đạt mục tiêu đó. Nhưng chỉ trong vòng hơn 2 tháng, Murray giành liên tiếp 5 danh hiệu, với 24 trận bất bại.
Roger Federer đã 35 tuổi và nghỉ thi đấu từ tháng Bảy do chấn thương đầu gối và lưng. Rafael Nadal, 30 tuổi, chấn thương khuỷu tay ở Roland Garros, phải nghỉ ở Wimbledon và trải qua mùa giải tồi tệ nhất trong suốt một thập kỷ qua. Họ sẽ phải vượt qua một núi thách thức để có thể trở lại như xưa. Thực tế, Federer đã bật khỏi Top 10 lần đầu tiên sau 14 năm (anh hiện đứng thứ 16) còn Nadal cũng đã tụt xuống thứ 9. Wawrinka, tay vợt có năng lực đáng sợ nhưng thiếu ổn định, và mới đây đã thừa nhận rằng sự nghiệp của anh đang đi xuống.
Còn thế hệ 9X của làng banh nỉ? Dominic Thiem có tiềm năng nhưng sau những gì thể hiện ở London, anh vẫn còn khá non. Nick Kyrgios vẫn mãi chưa thể ổn định bởi tính khí thất thường. Đại diện đáng chú ý nhất của nhóm này là Milos Raonic, bại tướng của Murray từ Wimbledon đến ATP World Tour Finals.
Xét một cách toàn diện, vẫn chỉ Djokovic là kẻ thách thức lớn nhất đến ngôi vị số một thế giới củ Murray. Nếu khôi phục được trạng thái tinh thần, củng cố quyết tâm, Nole sẽ lại rất đáng sợ. Dù thế nào, anh vẫn là một nhà vô địch vĩ đại với 12 Grand Slam trong bộ sưu tập, chỉ kém Nadal (14) và Federer (17). Vấn đề với Nole là anh sẽ phải bảo vệ rất nhiều điểm số ở nửa đầu mùa giải 2017, và như vậy thì chưa thể nghĩ đến việc đòi lại ngôi số một từ tay Murray.
Top 10 thế giới hiện nay 1.Andy Murray 12685
2.Novak Djokovic 11780
3.Milos Raonoc 5480
4.Stan Wawrinka 5315
5.Kei Nishikori 4905 6.Marin Cilic 3650
7.Gael Monfls 3625
8.Dominic Thiem 3415
9.Rafael Nadal 3300
10.Tomas Berdych 3060
Những tay vợt kết thúc năm ở vị trí số 1 (tính từ năm 1973 khi BXH được áp dụng)
Ilie Nastase 1973
Jimmy Connors 1974-1978.
Bjorn Borg 1979-1980.
John McEnroe 1981-1984. Ivan Lendl 1985-1987, 1989.
Mat Wilander 1988.
Stefan Edberg 1990-1991
Jim Courier 1992.
Pete Sampras 1993-1998
Andre Agassi 1999.
Gustavo Kuerten 2000.
Lleyton Hewitt 2001-2002.
Andy Roddick 2003.
Roger Federer 2004-2007, 2009.
Rafael Nadal 2008, 2010, 2013.
Novak Djokovic 2011-2012, 2014-2015.
Andy Murray 2016 |
Phương Chi
Thể Thao & Văn Hóa Cuối Tuần