Vì sao lựa chọn Serena Williams là một bước ngoặt?

23/12/2015 19:11 GMT+7 | Tennis

(lienminhbng.org) - Từ năm 1954, tạp chí thể thao số 1 nước Mỹ Sports Illustrated đã tổ chức cuộc bình chọn thường niên Nhân vật thể thao của năm, bắt đầu với VĐV điền kinh người Anh Roger Bannister, người đầu tiên trên thế giới chạy hết một dặm (1,6 km) trong thời gian dưới 4 phút.

Năm nay, SI đã xướng tên danh sách nữ VĐV thứ 9 trong lịch sử giải thưởng: Nhà vô địch quần vợt Serena Williams. Trong khi việc tay vợt đã thống trị làng banh nỉ năm nay được trao vinh dự này là không bất ngờ, Serena đã đăng quang ở Australian Open, Wimbledon, và Pháp mở rộng, lựa chọn này vẫn là hiếm hoi về mặt giới tính.


Mặc dù những người hâm mộ của chú ngựa American Pharoah chia sẻ sự thất vọng của họ trên các trang mạng xã hội khi nhà vô địch Triple Crown (danh hiệu dùng để chỉ những chú ngựa 3 tuổi thuần chủng vô địch 3 giải đua lớn nhất ở Mỹ trong cùng một năm, Kentucky Derby, Preakness Stakes và Belmont Stakes), một thành tích 37 năm rồi mới lặp lại, Serena vẫn là người xứng đáng hơn.

Điểm lại những năm tháng sự nghiệp, cô đã phải trải qua nhiều cuộc chiến cam go: Những lần bệnh cúm triền miên, những cái xương rạn, những ca chấn thương tưởng như không thể hồi phục ở đầu gối… Serena đã trở lại với giải Indian Wells Tennis Garden hồi tháng 3 sau 14 năm tẩy chay giải này vì một trận đấu của cô với Steffi Graf bị phủ bóng đen bởi những tràng la ó và bình luận phân biệt chủng tộc. Năm nay, cô cũng đã thua trận đầy thất vọng ở Mỹ mở rộng vào tháng 9, nơi Serena bị tay vợt hạng 43 thế giới Roberta Vinci đánh bại, đồng thời không thể vượt qua kỷ lục 21 danh hiệu Grand Slam đơn của Graf.

Tuy nhiên, bên ngoài sân, cô vẫn là một phụ nữ mạnh mẽ, tự tin, sành điệu, một đứa con cưng của mạng xã hội và các CĐV quần vợt trên toàn thế giới. Ở tuổi 34, cô cũng đã ngự trị trên đỉnh cao lâu hơn so với phần lớn những người trước và đồng thời với cô.

Thứ 3 trong lịch sử

Từ khi SI trao danh hiệu Nhân vật thể thao của năm, rất ít phụ nữ từng giành giải, hoặc họ phải chia sẻ với những đồng nghiệp nam. Williams là một trong chỉ 3 phụ nữ một mình giành phần thưởng này, và là người đầu tiên kể từ VĐV điền kinh Mary Decker vào năm 1983. Từ đó tới nay, 24 cá nhân nam giới đã được trao danh hiệu Nhân vật thể thao của năm.

Lựa chọn một phụ nữ xuất sắc lẽ ra phải thường xuyên hơn ở một tờ báo uy tín như SI. Thật ra, từ năm 1931, hãng tin AP đã có giải cho riêng nam và nữ trong hạng mục tương tự của họ (Williams được chọn các năm 2002, 2009, và 2013). Nhưng SI thì không làm như thế. Trong 61 năm xuất bản của tạp chí tuần này, họ hiếm khi nào để các VĐV thể thao nữ thực sự ra bìa. Một nghiên cứu của Đại học Louisville cho thấy từ năm 2000 tới 2011, phụ nữ chỉ xuất hiện 4,9% trên các trang bìa của SI, và 1/3 trong số đó là phụ nữ da màu.

“Trong số 35 trang bìa có phụ nữ, chỉ 18 (hay 2,5% tổng số bìa) là một phụ nữ với vai trò nhân vật chính của bìa”, những nhà nghiên cứu viết trên tạp chí chuyên ngành Nghiên cứu xã hội học thể thao. Đáng nói hơn, nhiều VĐV nữ xuất hiện trên SI hơn ở giai đoạn 1954-1965 so với 2000-2011. Tới năm 2011, tỉ lệ trung bình phụ nữ xuất hiện trên các trang bìa của tờ này là 1/một năm, tức 1/52 (không tính những phiên bản đồ tắm nổi tiếng mỗi năm của họ). Các nhà nghiên cứu cũng kết luận hình ảnh bìa chủ yếu là từ 4 giải thể thao chuyên nghiệp hàng đầu Mỹ với nhiều tiền và chỉ toàn nam giới: NBA (bóng rổ), NFL (bóng bầu dục), NHL (khúc côn cầu) và MLB (bóng chày).

SI đã làm tốt hơn

2015 là một năm rất đặc biệt với thể thao nữ, ít ra là ở Mỹ, tới mức SI cũng phải thừa nhận điều đó. Williams có một năm tuyệt vời, tay đấm nữ Ronday Rousey thì nổi danh toàn cầu, đội tuyển bóng đá nữ Mỹ vô địch World Cup, giải khúc côn cầu trên băng chuyên nghiệp đầu tiên cho nữ ra mắt, cùng nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt khác.

Năm ngoái, SI đã ra 4 số đặc biệt về Olympic, 3 trong đó có các phụ nữ ở bìa, bao gồm VĐV trượt tuyết đạt HCV Mikaela Shiffrin; ngôi sao đội bóng rổ nữ Đại học Connecticut, Breanna Stewart; và hiện tượng ở giải bóng chày Little League World Series, Mo’Ne Davis. Năm 2013, không có một phụ nữ nào lên được bìa tạp chí này, và 2012 chỉ có đội thể dục dụng cụ nữ của Mỹ và VĐV judo đạt HCV Olympici Kayla Harrison.

Và không chỉ có mình SI. Hầu hết tin tức thể thao trên truyền hình là về các môn của nam giới, trên phạm vi toàn cầu, dù đó là bóng đá, bóng rổ, bóng chày hay điền kinh, theo một nghiên cứu năm 2015 của Communication & Sport. Nghiên cứu này đánh giá 25 năm phát sóng của bản tin thể thao nổi tiếng Sports Center trên đài ESPN cho thấy chỉ 3% thời lượng là dành cho các môn thể thao nữ.

Một ví dụ cụ thể, vào tháng 3/2014, 83 câu chuyện được nhắc tới trên Sports Center là của nam giới, so với 8 của phụ nữ. Và không chỉ có số lượng. “Chúng tôi thấy rằng thể thao nam giới được đưa tin với nhiều sự phấn khích, thích thú và giọng của người bình luận cũng hứng khởi hơn hẳn, lớn hơn và chi tiết hơn”, những người nghiên cứu viết. “Nghe bình luận viên tường thuật một sự kiện thể thao nữ thường khá chán và thiếu sự phấn khích”.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi chỉ 10,2% những người xem các chương trình thể thao là phụ nữ, theo Trung tâm thông tin nữ quyền Mỹ. Chẳng ai được lợi từ điều đó, và thế giới sẽ muốn thấy có nhiều Serena Williams hơn.

“Sportsman” và “sportswoman”? Hay “sportsperson”?

Một thay đổi lớn năm nay là Sports Illustrated đã gọi Williams là “Sportsperson of the Year” (Nhân vật thể thao của năm), một từ trung tính thay vì “sportswoman” (nữ VĐV thể thao) hay “sportsman” (nam VĐV thể thao), như thường lệ.


Phụ nữ giành giải của SI

1972: Billie Jean King, quần vợt (chia sẻ với HLV bóng rổ đại học John Wooden)

1976: Chris Evert, quần vợt

1983: Mary Decker, điền kinh

1984: Mary Lou Retton, thể dục dụng cụ (chia sẻ với Edwin Moses, điền kinh)

1987: Judi Brown King, điền kinh, và Patty Sheehan, golf (chia sẻ với 6 VĐV khác)

1994: Bonnie Blair, trượt băng tốc độ (chia sẻ với VĐV trượt băng tốc độ người Na Uy Johann Olav Koss)

1999: Đội tuyển bóng đá nữ Mỹ

2011: Pat Summit, HLV đội bóng rổ nữ Đại học Tennessee (chia sẻ với Mike Krzyzewski, HLV đội bóng rổ nam Đại học Duke)

2015: Serena Williams, quần vợt


Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm