Nếu ta ăn Tết theo "Tây"...

09/01/2013 10:35 GMT+7


(lienminhbng.org) - Không phải lần đầu, vào những ngày cả xã hội sầm sập lao... đến Tết (Âm lịch), những người sợ Tết nổi hứng đề xuất bỏ Tết âm, ăn Tết dương.

Nói một cách chính xác ý kiến của GS-TS Võ Tòng Xuân, cùng một số người khác không phải là bỏ hoàn toàn Tết âm, mà là hoán đổi tầm quan trọng của Tết âm cho Tết dương. Có thể nôm na là sẽ không nghỉ ăn Tết cổ truyền theo lịch âm như hiện nay mà sẽ theo lịch Dương, cụ thể là theo lịch nghỉ Tết Tây của "Tây" (khoảng từ 24/12 đến 3/1 hoặc ít hơn). Còn đến Tết âm lịch thì lại chỉ nghỉ 1-2 ngày như dịp Tết dương hiện nay.

Lý do thì chắc mọi người đều có thể đoán ra, ăn Tết theo lịch dương để "hội nhập" cùng guồng quay của thế giới,để tránh sự lệch pha khi đa số các nước phương Tây đều nghỉ ngơi vào dịp Tết dương, thị trường chứng khoán đóng băng, hợp đồng giao dịch ách lại, thì mình vẫn đi làm. Còn trong khi cả thế giới đang hùng hục làm, thì mình lại nghỉ Tết (âm) rồi ăn chơi tơi bời khi ra Giêng.

Rất nhiều ý kiến được đưa ra, ủng hộ hay bảo vệ đề xuất này. Nhưng, tôi cho rằng, hầu hết mọi người không tính đến sự khác biệt trong văn hóa, lối sống phương Tây và phương Đông. Những người phương Tây thường nghỉ Tết dương liền với kỳ nghỉ Giáng sinh. Đây là ngày kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm và được nhiều người mong đợi. Còn ở các nước phương Đông nói chung, và Việt Nam nói riêng thì lại nghỉ Tết âm trên một nền tảng văn hóa khác. Đó là một lễ hội chuyển mùa trong nông nghiệp dựa trên cơ sở vòng quay của trời đất.

Vậy nếu Việt Nam lấy Tết dương làm chính sẽ hoàn toàn không có cơ sở văn hóa giống như người Phương Tây. Chúng ta sẽ làm gì trong những ngày đó, nếu đại đa số người Việt Nam chưa có "văn hóa" Giáng sinh? Trong khi đó, đại đa số các lễ hội nông nghiệp đều bắt đầu từ tháng Giêng trở đi, thuận theo vòng quay của lịch âm.

Tạm gác lại yếu tố văn hóa, theo tôi, ngay trên bình diện kinh tế, những đề xuất hoán đổi tầm quan trọng của Tết âm và Tết dương là chưa có cái nhìn thấu đáo về ý nghĩa tích cực của văn hóa Tết Nguyên đán.

Sự lãng phí vật chất (do ăn uống chơi bời quá độ) hay về thời gian (do hội hè đình đám) là mặt trái của cái Tết cổ truyền, nhưng cái mặt trái đó là do... con người gây ra, chứ không phải tại cái Tết.

Trái lại, với một siêu lễ hội như Tết Nguyên đán (từng có đề xuất đề cử Tết cổ truyền Việt Nam là... di sản thế giới), nếu biết phát huy tốt trong lĩnh vực kinh tế, thì đó chính là một gói kích cầu khổng lồ (sức mua tăng lên trong dịp Tết cũng có mặt tích cực chứ?), và nếu chúng ta tổ chức Tết một cách văn hóa, văn minh, thì Tết cũng chính là một siêu lễ hội tràn ngập bản sắc để thu hút du khách nước ngoài.

Một thế giới đa dạng, có thể tồn tại trong đa văn hóa, thì việc Tây ăn Tết Tây, ta ăn Tết ta không phải là một sự mâu thuẫn, và không nhất thiết phải bỏ nếp sống của mình thì mới hội nhập được.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm