08/02/2016 06:47 GMT+7
(lienminhbng.org) - Trong cuộc sống hiện đại, dù bận đến mấy, người Hà Nội vẫn chờ mong Tết, và dành cho mình một khoảng thanh bình để lo Tết.
Người Hà Nội hình như vẫn muốn níu giữ những nét đẹp xưa của Tết đặc trưng cho xứ Bắc. Ký ức “Tết ngày xưa” bao giờ cũng thơ mộng hơn, đẹp hơn. Và dù chấp nhận xu thế phát triển với những đổi thay về lối sống, phong tục thì đôi khi lòng người lại quay về vẻ đẹp xưa cũ...... Câu chuyện “Tết xưa”, “Tết nay” với bao nhiêu bình phẩm, so sánh, làm người hoài cổ đôi khi nuối tiếc mà buông tiếng thở dài. Nhưng với lớp trẻ, họ không quá lo mất đi nét đẹp văn hóa Tết, mà “hồn nhiên” chấp nhận sự đổi thay như một tất yếu thời đại.
Hãy tin điều tốt đẹp, những gì hợp lý luôn đồng hành cùng văn hóa. Và mỗi thời đại đều có những sản phẩm văn hóa vun đắp cho văn hóa dân tộc. Ngẫm vậy để có thể yên lòng. Dẫu sao thì Tết Hà Nội cùng với phong tục Tết mọi miền quê, vẫn giữ được những nét xưa, những chuẩn mực về lễ nghi phong tục.
Người Hà Nội thích chơi hoa, chơi cây ngày Tết. Nhà ai cũng phải có một cành hoa đào, hay chậu đào cổ, chậu quất đẹp chơi Tết. Hoa đào với người Hà Nội hình như là một sự mặc định văn hóa, một niềm tự hào kiêu hãnh về vẻ đẹp của Hà thành.
500 năm qua, chợ hoa Hàng Lược luôn là địa chỉ đẹp đón tao nhân mặc khách đến thưởng hoa, tậu hoa về chơi Tết. Bây giờ chợ hoa quá tải, nên thành phố cho mở thêm chợ hoa mới ngay “kinh đô” hoa đào trải dài từ đường Yên Phụ, đường Âu Cơ sang đường Lạc Long Quân... Mấy ngày áp Tết, con đường này là cả một rừng hoa đào rực rỡ.
Đời sống phần đông cư dân Hà Nội bây giờ khá giả, và việc lo Tết cũng bớt đi, không như thủa xưa nhà nhà tất bật lo kiếm tiền dành dụm để lo Tết. Tâm lý chung của việc sắm Tết vẫn thế: tấp nập, nhộn nhịp dẫu hàng hóa bây giờ phong phú đầy đủ hơn xưa. Lệ gói bánh chưng và nấu bánh chưng ngày cuối năm ở nhiều gia đình vẫn còn.
Thật cảm động khi quây quần bên cái bàn xem ông bà cha mẹ gói bánh chưng, rồi cả nhà quay quần bên nồi bán chưng nấu bằng than củi, nghe tiếng reo của lửa quanh nồi. Giò chả ngon tràn ngập thị trường chỉ còn phải gói giò thủ, giò chân, rồi kho một nồi cá ngon, nấu một nồi thịt đông. Ngoài ra còn phải lo mua nguyên liệu để làm cỗ.
Có lẽ người Hà Nội xưa nay coi trọng đời sống tâm linh hơn cả. Ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà cúng tiễn ông Táo lên chầu Trời, thả cá chép xuống sông Hồng hay Hồ Tây như là cách phóng sinh theo tục lệ. Đêm Giao thừa, bày mâm cỗ chay ra ngoài trời, tiễn ông Hành khiển cũ đi, đón ông Hành khiển mới đến, gọi là tống cựu nghênh tân, mong sang năm mới thánh thần phù hộ cho an khang thịnh vượng.
Các tục lệ cũ chỉ giữ lại lễ cúng Tất niên, cúng Giao thừa, có lệ đi mừng tuổi và cúng cơm gia tiên vào sáng mùng 1 và “hóa vàng” kết thúc Tết vào mùng 3 hoặc mùng 4 tháng Giêng…
Sáng mùng 1 Tết các đền chùa đông nghịt người đi lễ sớm đầu năm. Đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, chùa Hà, chùa Bà Đá, đền Quán Thánh, Phủ Tây Hồ...
Hà Nội còn một phong tục mới, nảy sinh từ 60 năm nay và đã trở thành lễ hội đêm 30. Đó là tục đón Giao thừa ngắm pháo hoa quanh Hồ Gươm. Lễ hội đặc biệt này để lại dấu ấn đẹp trong lòng người thành phố và du khách đến Hà Nội. Đó là nét đẹp riêng có của Tết Hà Nội. Và đến lúc nào đó, cần có một quyết định công nhận “Lễ hội đêm Giao thừa Hồ Gươm”, đặng giữ lấy một phong tục mới.
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất