10/02/2019 07:22 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Đã hơn 30 năm kể từ khi đất nước đổi mới, thoát khỏi thời kỳ bao cấp với vô vàn những khó khăn thiếu thốn, những câu chuyện về xếp hàng mua đồ Tết, viết đơn xin mổ lợn hay ghi phiếu mua vải may quần áo mới đón Tết... đã trở thành kỉ niệm của cả một thế hệ.
Giờ đây, khi sống trong một cuộc sống ấm no, đủ đầy, nhiều người trong chúng ta lại thấy nuối tiếc với những ký ức thời đã qua. Và từ những hoài niệm ấy, tại thành phố Đà Nẵng, hàng loạt quán ăn, tiệm cà phê phong cách thời bao cấp đã ra đời.
Thời gian gần đây, tại TP Đà Nẵng xuất hiện nhiều nhà hàng, quán cà phê bài trí không gian hoài niệm thời bao cấp đã tạo được ấn tượng tốt với người dân và du khách. Kinh doanh theo phong cách thời bao cấp là mô hình không còn mới mẻ, nhưng với Đà Nẵng lại mang một hương sắc và phong vị riêng, đậm chất Đà thành những năm trước đổi mới.
Cửa hàng ăn uống Mậu dịch 1986, nằm trên đường Hải Phòng, TP Đà Nẵng. Đến đây, thực khách như được quay ngược thời gian về năm 1986, nơi giao thoa giữa 2 thời kỳ trước và sau đổi mới.
Quán được bài trí theo phong cách vintage độc đáo. Không gian và đồ vật, nội thất sử dụng chất liệu thời kỳ trước đổi mới, xen lẫn hiện đại, tạo nên một sự giao thoa hài hòa. Từ nền gạch hoa, bàn ghế gỗ, những tấm biển được viết bằng tay, thực đơn được thiết kế là quyển sổ mua lương thực thời bao cấp, cho đến các món ăn được sáng tạo theo từng combo như “Tiêu chuẩn nhân dân - Ăn no chắc bụng”, “Tiêu chuẩn Bộ trưởng”, “Tiêu chuẩn Cán bộ viên chức” hay “Tiêu chuẩn Cán bộ độc thân”…
Nếu mâm cơm ngày nay là những sơn hào hải vị, ẩm thực khắp ba miền thì mâm cơm thời bao cấp không thể thiếu những món như cơm độn khoai, cà tím mỡ hành, đậu khuôn hấp, cá nục kho,… những món ăn đã gợi lại bao nhiêu ký ức, kỷ niệm khiến chúng ta bồi hồi xúc động
Chị Trần Phi Hiền (Chủ quán 1986) cho biết: “Lúc tìm hiểu thì biết mình sinh ra trong giai đoạn chuyển giao từ bao cấp sang kinh tế thị trường nên quán vừa mang phong cách của thời bao cấp nhưng những ngôn từ và bài trí cũng là xu hướng của giới trẻ, mới mẻ, trẻ trung.
Mặc dù có tem phiếu, có cách chọn món giống như cách mua hàng thời bao cấp nhưng cách trang trí lại mang xu hướng của giới trẻ bây giờ.
Mình mong muốn các bạn trẻ sẽ hiểu được ba mẹ của mình hơn vì mình còn trẻ để trải nghiệm một thời kỳ đầy vất vả, khó khăn. Người lớn hay có suy nghĩ tiết kiệm, mình chưa trải qua thời kỳ đó nên không hiểu được, khi các bạn đến đây sẽ hiểu vì sao mua đồ phải xếp hàng, thiếu thốn đến như thế thì các bạn sẽ hiểu vì sao ba mẹ mình lại như vậy. Khi người lớn đến đây họ sẽ tìm lại được chút hoài cổ của thời kỳ khó khăn mà mình đã trải qua, đồng thời cũng bắt gặp những cái rất mới và trẻ trung thì họ cũng sẽ hiểu con cái của mình hơn, đó chính là thông điệp của quán".
Mỗi dịp tết đến xuân về, khi con cháu sum vầy với ông bà, những ký ức một thời gian khó lại được cha ông kể lại trong niềm vui, hân hoan và trào dâng xúc động. Nhớ những cái tết xếp hàng mua lương thực, những tờ tem phiếu để mua vài ký lô thịt heo, mua gạo ngày tết, phiếu mua miếng vải may quần áo mới. Mọi người vẫn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, gói bánh chưng và sắm câu đối đỏ kèm với những đồng tiền xu để trao may mắn cho nhau trong năm mới…. Những ký ức đẹp đẽ về thời bao cấp ấy giờ đây đang được các bạn trẻ cùng nhau tìm lại và trân trọng.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: "Thời Bao cấp đã qua, nó gắn với một thời kỳ hào hùng lịch sử, nghèo khó nhưng đầy tinh thần chiến đấu, lạc quan. Nên nó mang lại rất nhiều cảm xúc với những thế hệ như chúng tôi. Chúng ta phải làm thế nào để những giá trị ấy được lan truyền những mặt tích cực. Trải nghiệm của chúng tôi thấy thời kỳ ấy khó khăn lắm, rất thiếu thốn nhưng cũng rất lạc quan, con người, tình người là một động lực của cuộc sống, chia sẻ khó khăn ngọt bùi, đó là những giá trị mà chúng ta nên bảo tồn cho ngày hôm nay. Việc chúng ta hồi cố, khai thác những giá trị quá khứ chính là phục vụ cho hiện tại và tương lai, tôi rất hoan nghênh các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ dấn thân, trải nghiệm với với những gì cha anh đã từng làm, từng sống để hiểu hơn giá trị của cuộc sống hôm nay và có trách nhiệm hơn với hiện tại và tương lai.
Hoàng Yến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất