01/02/2022 17:57 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hổ là một linh vật trong 12 con giáp tính theo năm âm lịch của người Việt Nam, tiếp theo năm Tân Sửu là Nhâm Dần. Trong tâm thức người Việt, con hổ là hình ảnh của sức mạnh, uy lực, được tôn thờ.
Người xưa cũng sáng tạo ra nhiều bộ biểu tượng dân gian về hổ để thờ phụng với mong muốn được “chúa sơn lâm” che chở, bảo vệ. Trong năm mới Nhâm Dần, nhiều người cũng mong muốn sức mạnh của linh vật này sẽ giúp mỗi người gặp được nhiều điều tốt lành, may mắn, xua tan dịch bệnh.
Hổ - linh vật thể hiện sức mạnh
Những ngày này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang trưng bày chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam" nhằm giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của hình tượng hổ - một trong những linh vật quan trọng, góp mặt trong 12 con giáp (Thập nhị chi) trong lịch sử, văn hoá Việt Nam. Người Việt Nam cũng tôn thờ hổ, hình ảnh hổ được thể hiện phong phú về loại hình và đa dạng trên các chất liệu như đồ đá, đồ đồng, đồ gốm, giấy, vải…, có niên đại trải dài từ thời văn hóa Đông Sơn đến thời nhà Nguyễn.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: Hổ là linh vật được nhiều người quan tâm, là hình tượng không xa lạ với con người. Hổ là động vật hoang dã, sống tự nhiên trong rừng rậm nên ngay từ thời nguyên thủy con người đã tiếp cận nó, coi đó là hình ảnh thể hiện sức mạnh, sự dũng mạnh, uy lực, vì thế hổ còn được gọi là “chúa sơn lâm”, “ông ba mươi”...
Tuy vậy, qua nghiên cứu và quan sát hình ảnh hổ trên rất nhiều hiện vật trưng bày có thể thấy hổ trong con mắt của người Việt, thậm chí cả trong tranh thờ cũng được thể hiện rất hiền hòa, gần gũi, thân thiện chứ không có sự hung ác, hoang dã.
Hiện trong phòng khách của nhà sử học Dương Trung Quốc có treo một bức tranh hổ được làm từ nghệ thuật ghép lá (vật liệu thiên nhiên như lá cây, cỏ, vỏ cây, cánh hoa), không hề nhuộm hay dùng màu tô lên các chất liệu ấy.
Ông rất ưng ý khi mua bức tranh này và đã treo mười mấy năm nay vì nó quá đẹp, con hổ trong tranh cũng rất sinh động, thần thái hiền hòa. Qua thời gian lâu như vậy mà tranh không hư hỏng, thậm chí còn có phần đẹp hơn, dậy màu hơn mà không có chút gì thay đổi về chất liệu. Khi nhìn kĩ sẽ thấy sự tinh tế bởi tranh hiển thị những chất liệu từ thiên nhiên, gân lá hay vết úa của lá, cùng các sắc màu rất tự nhiên…
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: Người Việt coi hổ là vật linh nhiều hơn, cả khi chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa phương Bắc. Ngay cả những bức tượng hổ canh lăng mộ đời Trần của Trần Thủ Độ, dù to lớn nhưng lại yểu điệu, giống như con vật canh giữ nhà nhiều hơn chứ không phải để hù dọa, tấn công hay gây áp lực gì cho con người…
Vào mỗi dịp năm mới, người dân Việt Nam tìm đến vật linh hay xin sự phù trợ của thần linh là tâm lý rất bình thường, họ gửi gắm những ước nguyện, cầu mong năm mới tốt lành, may mắn hơn, nhất là khi dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đời sống con người trong 2 năm qua.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Nói đến hổ là nói đến sức mạnh, sự oai hùng được người dân rất tôn sùng nên còn được gọi là hùm, cọp, ông mãnh, ông kễnh… Người ta cũng hay dùng từ ngữ chỉ loài hổ để gắn với những nhân vật dũng tướng oai hùng như là “hùm xám đường 5” để ca ngợi sự cơ trí, dũng mạnh, tài ba.
Điều này cho thấy, hình ảnh con hổ rất gắn bó với đời sống của người Việt Nam ta. Năm mới Nhâm Dần, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ mong muốn với sức mạnh của linh vật hổ, dân tộc ta sẽ có được sức mạnh oai hùng như chúa sơn lâm để sớm chiến thắng đại dịch COVID-19, đất nước phát triển vững mạnh, bền vững…
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, hình ảnh con hổ còn được dùng để chỉ sự vươn lên, phát triển mạnh mẽ với tốc độ phát triển rất nhanh của các nền kinh tế châu Á như “Bốn con hổ châu Á”, “Những con hổ kinh tế mới”…
* Tranh thờ Hàng Trống - di sản quý của dân tộc
Theo các chuyên gia nghiên cứu, trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hổ gắn liền với tục thờ Mẫu, được thờ như biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải các phương. Ở một số nơi, bùa ông hổ còn được dán ngay trước cửa ra vào nhà để trừ tà. Xuất phát từ tục thờ hổ, thần thánh hóa loài vật này, các nghệ nhân dân gian cũng tạo nên biểu tượng hổ qua nhiều chất liệu, trong đó có vẽ tranh. Và mẫu tranh được biết đến nhiều nhất là tranh “Ngũ hổ”.
Chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam" đang trưng bày “Ngũ hổ” - bức tranh thờ nổi tiếng của dòng tranh dân gian Hàng Trống được lưu truyền qua nhiều đời trong không gian thờ phụng. Ngoài tranh "Ngũ hổ" còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng như thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ. Màu sắc trong tranh hổ Hàng Trống khá lộng lẫy uy nghi nhưng cũng không kém phần hài hòa, độc đáo.
Theo các nhà nghiên cứu, bức tranh “Ngũ hổ” dựa trên nguyên lý ngũ hành để phối màu càng giúp bức tranh có nhiều ý nghĩa. Đường nét và cách tạo hình khỏe khoắn mang tính ước lệ cao được thể hiện theo lối đơn tuyến bình đồ, không theo quy luật xa gần của thị giác, các hình khối được sắp xếp nổi bật nhưng không kém phần uyển chuyển. Hình ảnh hổ kết hợp cùng các họa tiết khác như mây ngũ sắc, cờ, kiếm, tinh tú... tạo thành một tổng thể uy nghiêm, hài hoà, cân bằng theo thẩm mỹ dân gian.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, ông rất ấn tượng với tranh dân gian Hàng Trống cùng những bức tranh nổi tiếng, dù qua bao thời gian nhưng đường nét, màu sắc vẫn rất ấn tượng. Ông còn nhớ, thời niên thiếu, cứ đến Tết là ông thường đi theo cha mẹ mua sắm, tranh thờ Hàng Trống là đồ không thể thiếu khi trang hoàng đón năm mới. Đây thực sự là di sản rất quý báu mà nếu mỗi người con đất Việt mà không biết giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị thì dân tộc sẽ mất đi một di sản độc đáo.
Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Hàng Trống (Hà Nội) xưa là thuộc đất cũ của thôn Tự Tháp, tổng Tiêu Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tranh Hàng Trống chủ yếu là tranh thờ dùng trong các sinh hoạt tín ngưỡng ở các đền, phủ của Đạo giáo, nhất là tranh thờ của Đạo Mẫu.
Có thể kể đến tranh Tứ Phủ, Chúa Thượng ngàn, Mẫu Thoải, Ngũ hổ, Ông Hoàng cưỡi cá, cưỡi ngựa, cưới rắn (lốt), Bà chúa Ba, Đức Thánh Trần… Ngoài ra còn có các tranh của tín ngưỡng Đạo giáo khác như Bát tiên đáo hải, Huyền Đàn… Các loại tranh thờ - trang trí thể hiện ước vọng phúc lộc – an khang của nhân dân, nhất là thị dân, như tranh Tam Đa, Tử tốn vạn đại, thất đồng, lưỡng nghi tứ tượng… Như vậy, kể cả phong cách và chủ đề thì tranh Hàng Trống đều có sắc thái riêng.
Ở Việt Nam, nói đến loại tranh thờ, trước nhất người ta nhắc đến hai trung tâm lớn, đó là Hàng Trống, Làng Sình, sau đó mới là Đông Hồ, Kim Hoàng và một số nơi khác. Cũng như tranh dân gian nói chung, tranh thờ là sản phẩm của các địa phương, do đó ta có thể nhận ra những nét độc đáo cũng như các sắc thái riêng địa phương. Tranh thờ là mảng tư liệu quý giá để tìm hiểu, nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng bởi nội dung cơ bản của loại tranh này là mô tả, phản ánh thế giới và “đời sống” của thần linh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, hổ trong tranh thờ Hàng Trống có thể coi đó là sự trấn trị, chống lại những thế lực ác tà từ bên ngoài đời sống con người ở góc độ tâm linh. Nhưng có một thực tế là hổ đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn động vật hoang dã, phục vụ cho những mục đích riêng của con người. Do đó, nhân năm mới Nhâm Dần, ta cần yêu quý hơn những con vật này, lên tiếng nói, có hành động mạnh mẽ để bảo vệ chúng như đã từng tôn thờ, yêu quý con hổ trong đời sống văn hóa từ xưa đến nay…
Thanh Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất