Tết quan trọng khiến nhiều người sợ, chán, trốn đi… du lịch!

14/02/2018 07:31 GMT+7

(lienminhbng.org) - “Người phương Tây, Giáng sinh là dịp duy nhất để họ quây quần đủ đầy cùng gia đình sau một năm vô cùng bận rộn. Dù ở bất cứ đâu trên thế giới, thế nào Giáng sinh họ cũng phải bay về nhà tham dự giờ khắc thiêng liêng này. Tết Nguyên đán cũng quan trọng không khác gì Giáng sinh của phương Tây” – nữ nhà văn Di Li chia sẻ với PV báo Thể thao & Văn hóa nhân Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến thật gần…

Theo nhà văn Di Li,Tết Nguyên đán của chúng ta rất quan trọng, bởi chị từng chứng kiến nhiều chủ doanh nghiệp nước từng ngoài nổi khùng lên vì cứ đến Tết là nhân viên nghỉ rất dài ngày.

Họ muốn công việc của họ được liên tục và sự gián đoạn vì một ngày nghỉ lễ bắt buộc khiến họ cảm thấy đau lòng. Thậm chí ngay cả khi công việc đang đến hồi nước rút mà đùng cái vào Tết thì dù có trả lương gấp đôi, gấp ba nhân viên cũng không làm. Sống chết gì nhân viên cũng phải nghỉ ăn Tết.

Vì thế, nhiều người còn phàn nàn là “người Việt Nam lười”. Có một số khách nước ngoài đi du lịch bụi Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán chỉ với mục đích khám phá lễ hội thì thực gặp hạn. Họ than phiền rằng quán xá, cửa hàng cửa hiệu đóng cửa im ỉm. Chỗ vui chơi không có, ăn uống thì không, chỉ còn thú vui duy nhất là vãn cảnh chùa và đi xem pháo hoa vào đêm Giao thừa.

Nữ nhà văn Di Li
Nữ nhà văn Di Li

Di Li nhấn mạnh: “Nói vậy là để thấy Tết Nguyên đán của chúng ta quan trọng đến thế nào, nhưng quan trọng đôi khi không đồng nghĩa với việc đón chờ nó. Càng ngày tôi càng thấy nhiều người than phiền về cái nỗi “sợ Tết”, “chán Tết”.

Tôi còn nhớ nguyên vẹn cảm xúc của những cái Tết cách đây hai chục năm, khi mà tôi háo hức chờ đợi một bộ quần áo mới, khi mà tôi quẩn quanh cha mẹ trong không khí phấn khởi của cái sự sắm Tết và chuẩn bị cho Tết.

Mẹ tôi chất kìn kìn trên xe những lá dong, gạo nếp, gà trống thiến, bưởi bòng và dăm cành lay-ơn, thược dược, violet mỗi lần đi chợ về. Cha tôi chọn mua một bánh pháo đùng pháo tép dài hai mét mà ông dự đoán năm nay nó sẽ nổ rất đanh. Chúng tôi làm mứt bí, mứt cà chua, cà rốt thơm phức mùi đường sấy. Và tôi góp phần trang trí kim tuyến lên những cành đào, chọn một chiếc ga còn mới trong tủ, hăng hắc mùi băng phiến để trải lên chiếc giường con ngay trong phòng khách.

Nhưng càng ngày những cảm giác ấy càng mờ nhạt như một thứ hồi ức đã trải dài từ xa lắc. Ngày nay chúng ta không cần phải chờ đến Tết mới được sắm quần áo mới, không phải chờ đến Tết mới được ăn con gà, miếng bánh chưng và mứt bí. Những thứ ấy có quanh năm. Thậm chí giờ không chỉ lay-ơn, thược dược, violet mà ngày thường chúng ta cũng mua hoa về cắm trong lọ, đủ thứ hoa xa xỉ, từ các loại hồng Đà Lạt cho đến ly trắng, rum, sa lem và địa lan. Không cần chờ đến Tết mới tích cóp tiền mua chiếc vô tuyến mới mà giờ nhiều nhà phòng nào cũng có vô tuyến.

Di Li từng trốn Tết thành phố đến Sa Pa
Di Li từng trốn Tết thành phố đến Sa Pa

Trước, ngày mùng 5 chợ còn lác đác. Nay mùng 2 người ta đã họp chợ, chỉ có điều là đắt lắm thôi, giá cả tăng gấp đôi và chỉ giảm dần cho đến tận Nguyên tiêu. Hàng quán mùng 3 hầu như đã khai mở. Thậm chí chuỗi nhà hàng Ý Pepperonis còn quảng cáo từ năm trước rằng sẽ mở hàng ngay từ sáng mùng 1, nhân viên mang đồ phục vụ tận nhà. Vậy là các thực khách cứ thế nhấc điện thoại gọi pizza, spaghetti về chén thay bánh chưng, canh măng và bóng xào cho đỡ cái sự nấu nướng. Dong hình ngày Tết vắng tanh tanh đường phố trong cái lạnh đang ngấm vào tận da thịt cũng là mang lại cảm xúc. Nhưng Tết giờ phố phường không còn vắng lắm nữa, và khí hậu dường cũng đang nóng dần lên” – nữ nhà văn giãi bày:

“Nhiều người sợ Tết. Đàn ông sợ Tết sẽ cản trở công việc đang chạy ro ro. Đàn bà sợ Tết ô sin về quê hết sẽ phải nai lưng ra mà làm ô sin. Tết là phải thăm viếng, tiếp đón họ hàng, cả những người ưa thích và những người không ưa thích. Tết là phải đôn đáo ngược xuôi lo chất ngất quà biếu, người về hưu và người chưa về hưu, người biết ơn nhiều và người biết ơn ít, mỗi người quà một kiểu. Quà biếu không chỉ đơn thuần là phong bao lì xì đỏ chói mà còn là cành mận đánh về từ Hà Giang, cành mai thế đẹp tuyệt chiêu, lẵng quả Anh đào nhập về từ Pháp hay chai rượu XO vài chục năm tuổi. Phức tạp lắm. Mệt mỏi lắm. Tết cũng là phát khổ cho những người đơn chiếc…”.

Di Li đón năm mới với những người dân vùng cao
Di Li đón năm mới với những người dân vùng cao

Cũng theo nhà văn Di Li, vài năm trở lại đây, Tết người ta bỏ nhà đi du lịch nhiều. Người nước ngoài sống ở Việt Nam đến Tết Nguyên đán đi du lịch đã đành, thanh niên trai trẻ trong hội phượt đi du lịch bụi túm năm tụm ba đã đành, giờ đến cả người già cũng thấy chán Tết mà trốn nhà đi du lịch, với lý do trốn tiếp khách, trốn công việc nhà. Về hưu ngày thường nhàn rỗi, Tết đâm bận hơn, è cổ nấu nấu nướng nướng, tiếp đón khách khứa hết ngày. Thành ra ngại. Chỉ có điều người trẻ trốn đi du lịch từ 25 tháng Chạp cho đến hết mùng 5 mới về, còn người già chỉ dám khởi hành từ mùng 2, để Giao thừa và mùng 1 vẫn làm đầy đủ phận sự cúng gia tiên và vấn an các bậc trưởng lão trong họ. Thành thử các công ty du lịch hốt bạc trong dịp lễ Tết, một dịp tưởng chừng như không ai muốn đi đâu ngoài cửa nhà.

“Năm vừa rồi tôi cũng đón Tết ở Sapa, Hà Khẩu. Đằng nào thì cũng được hưởng không khí Tết với đào với mận và những dòng người H’mông, Dao Đỏ lũ lượt ngoài cổng chợ phiên. Thị trấn Sapa vẫn náo nức như thường vì các cửa hàng cửa hiệu hầu như không đóng cửa để phục vụ khách du lịch” – Di Li kể:

“Ngày Tết, người ta vẫn có thể vào quán bar uống một ly cocktail hay ngồi hút shisha bên lò sưởi. Phố đồ nướng vỉa hè vẫn hoạt động rôm rả với đủ món cơm lam, khoai nướng và trứng gà nướng. Nhà hàng kiểu Pháp vẫn phục vụ súp kem nấm bí đỏ và tôm sốt rượu vang. Tịnh chẳng hề thấy vị bánh chưng, canh măng đâu nữa, không khí Tết đã khác xưa nhiều…”.

(Còn tiếp)

Nhà văn Di Li: Ngày nào tôi cũng phải... gạ gẫm con đọc sách

Nhà văn Di Li: Ngày nào tôi cũng phải... gạ gẫm con đọc sách

“Nếu để lựa chọn giữa một cuốn sách và một chiếc ipad thì có lẽ tất cả mọi người, kể cả người lớn lẫn trẻ con, đều chọn ipad thôi. Có nghĩa, câu chuyện ở đây phụ thuộc vào sự kiên nhẫn và gương mẫu của phụ huynh” – nhà văn Di Li nhận xét.

Diệu Linh (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm