30/01/2009 12:03 GMT+7 | Thế giới
Hồi hộp với Tết
Chiều 30 Tết, mặc dù vẫn còn một số công việc chưa giải quyết xong và phong tục cúng tất niên của nguời Việt cũng không giống như phong tục ở quê hương anh, nhưng Ninovich và số người bạn Nga sống trong khu chưng cư năm tầng ở thành phố Vũng Tàu vẫn chuẩn bị một mâm cơm cúng tất niên. Anh Ninovich cho biết: "Cúng tất niên đối với tôi rất có ý nghĩa bởi tôi muốn cảm ơn trời đất đã phù hộ cho tôi có một năm làm việc suôn sẻ và thành công. Đây cũng là dịp để tôi và những người bạn Việt Nam quây quần bên nhau mà ngày thường rất ít khi có được. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cùng nhau chờ đợi thời khắc giao thừa tới".
Sinh sống và làm việc ở Việt Nam đến nay đã được 4 năm, vốn tiếng Việt của Ninovich cũng rất thành thạo. Gần giống như những gia đình người Việt khác, càng vào ngày gần Tết, anh và vợ lại bận rộn hơn với công việc: Dọn dẹp nhà cửa, đi chợ sắm Tết… Anh Ninovich tâm sự: "Những ngày giáp Tết, đi qua những nơi bán hoa mai, hoa cúc… tôi lại thấy rất hồi hộp vì biết Tết sắp về. Những ngày trước Tết, tôi và vợ thường dọn dẹp lại nhà cửa, đi chợ mua hoa về trưng và mua cả bánh chưng về cúng nữa... Đặc biệt, tôi rất thích hoa mai. Năm nào tôi cũng có cảm giác hồi hộp khi Tết đến".
Khác với không khí tấp nập chuẩn bị đón Tết như gia đình anh Ninovich, trong đêm 30 năm nay, Jansen - người Hà Lan lại cùng những người bạn Hà Lan của mình, hòa vào dòng người Việt Nam để cùng nhau hướng lên bầu trời chờ xem những màn bắn pháo bông chào đón năm mới (2009 - Kỷ Sửu) ở thành phố biển Vũng Tàu. Jansen chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 tôi đón Tết Vũng Tàu, tôi đã đón Tết ở rất nhiều nước, nhưng phong tục đón Tết của người Việt để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng tôi. Chính vì vậy, năm nay tôi đã rủ thêm mấy người bạn của tôi đến đây ăn Tết. Ở đây, tôi đã có rất nhiều người bạn Việt Nam, Tết này tôi sẽ đi chúc Tết gia đình họ".
Thích không khí đoàn tụ gia đình
Tết Nguyên đán của người Việt là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau trở về nhà sum họp bên mâm cơm ngày Tết. Chính điều này đã thu hút sự tò mò, hiếu kỳ dẫn tới yêu mến luôn Tết Việt của anh Vinantino (người Italia - hiện làm việc tại Ngân hàng HSBC). Anh Vinantino tâm sự: "Lần đầu tiên sang Việt Nam đúng vào dịp Tết Nguyên đán, thấy các bạn người Việt đón Tết khác với nước tôi quá nên tôi muốn tìm hiểu. Gần 2 năm làm việc ở đây dần dần đã khiến tôi càng ngày càng yêu mến Tết của các bạn. Tôi thích đi chúc Tết, lìxì trong những ngày đầu tiên của năm mới ở gia đình người Việt".
Những người Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng có Tết Âm lịch như người Việt. Nhưng khi đón Tết ở Việt Nam họ lại cảm nhận được sự độc đáo, lạ mắt, hấp dẫn mà Tết ở nước họ không có. Điểm khác nhất có lẽ là các món ăn truyền thống trong ngày Tết, nghi lễ đón Tết... Anh Kim Joung Min, sinh viên Khoa Việt Nam học của Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP Hồ Chí Minh, lần đầu tiên đón Tết ở Việt Nam vui vẻ cho biết: "Tết của người Việt và người Hàn có nhiều điểm giống nhau: Mọi người về quê sum họp gia đình, chăm chút bàn thờ tổ tiên, thăm bà con, lì xì... Nhưng ngày Tết người Hàn Quốc có món ăn truyền thống là bánh ttok-kuk làm từ cơm. Khác với bánh chưng, bánh tét của người Việt. Lần đầu tiên ăn bánh tét ở nhà người bạn Việt Nam, dù vị hơi lạ nhưng càng ăn tôi càng thấy ngon. Có thể năm sau tôi lại sẽ ở đây ăn Tết Việt Nam".
(Theo Tin Tức)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất