14/01/2020 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, “không khí Tết cổ truyền đến bây giờ không còn lại được bao nhiêu. Tết nay thiếu không khí chứ không thiếu những thứ, từ quần áo đến đồ ăn, thức uống…” - nhà văn Đỗ Phấn bày tỏ quan điểm khi đề cập đến chủ đề Tết xưa và Tết nay.
Cuộc trò chuyện với chủ đề Tết tối giản - giữ nét xưa trong lòng Tết hiện đại vừa được Công ty cổ phần Văn hóa truyền thông Sống tổ chức nhân dịp ra mắt ấn phẩm sách Tết đoàn viên.
Tết xưa mà chưa xa
Với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhớ về Tết là nhớ về những ký ức, những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ, của gia đình. Đó là ngôi nhà trên đê Yên Phụ mỗi độ Tết về lại tươi thắm và thơm ngát hương hoa Tết, nhớ về những chậu thủy tiên được gọt tỉa tỉ mỉ bởi người hàng xóm thân thiết và cả những cái Tết quây quần, đầm ấm với gia đình bên nồi bánh chưng to…
“Mùa Xuân rất đẹp, kỷ niệm của chúng ta có rất nhiều, có cả những đau khổ, có chán nản, thất vọng nhưng chúng ta chỉ nên giữ những kỷ niệm đẹp. Tôi thấy cuộc đời bao giờ cũng rất đẹp”- bà nói.
Cũng là một người Hà Nội chính gốc, với nhà văn Trung Sỹ, một phần ký ức không thể quên với Tết cổ truyền là hoa đào và trời mưa bụi trên phố cũ. “Mưa phùn gió bấc buốt thấu xương tiết Đại hàn, tiết khí cuối cùng của năm cũ vừa đi qua, đã thấy le lói đốm đỏ, đốm hồng nhánh đào hoa tỉa cành bán rong trên phố. Thứ đào tỉa bán theo bó này chỉ dành để cắm trên lọ hoa nhỏ bàn thờ. Đây là những nụ cười báo Xuân sớm nhất, nở bừng trong gió rét”.
Trong khi đó nhà thơ Y Phương lại nói về cái Tết xưa của người Tày. Đó là tục đi lấy nước từ sáng sớm mùng 1 Tết hay những tập tục như: Tắm gội bằng lá “khau mồm”; mỗi gia đình tự chăn nuôi một con lợn Tết; kiêng ăn rau trong ngày đầu năm… Tất cả làm nên văn hóa ăn Tết rất riêng của người Tày, giờ đây trong tâm tưởng của nhà thơ Y Phương vẫn còn nhớ mãi.
Bằng những ký ức rất riêng, mỗi người lại lưu giữ một phần ký ức thật đẹp về Tết cho riêng mình. Mà theo như nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Những vẻ đẹp ấy hiện diện trong trời đất, trong cây cỏ hoa lá, trong những ngôi nhà, căn bếp, trong mỗi gương mặt người, trong mỗi giọng nói, trong hương nến trên những bàn thờ, trong hương vị của những món ăn truyền thống…”
Vui buồn Tết hiện đại
Đón Tết nay, nhiều người chẳng còn tâm thế háo hức nữa, thay vào đó là cảm giác “sợ Tết”, muốn trốn Tết. Bởi những thủ tục “phải có” vào Tết ngày càng nhiều. Cũng một phần do những phong vị của Tết xưa, nay đã phai nhạt đi nhiều.
Thực tế này, được họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn chỉ rõ: “Không khí Tết cổ truyền của dân tộc đến bây giờ không còn lại được bao nhiêu. Tết nay thiếu không khí chứ không thiếu những thứ từ quần áo đến đồ ăn, thức uống…” Họa sĩ cũng dẫn chứng thêm: “Trước đây, nhà nào cũng gói một nồi bánh chưng, có tính chất là tạo ra một cái không khí đầm ấm, đoàn viên trong ngày Tết, ý nghĩa nhiều hơn là có nhu cầu về việc ăn bánh chưng. Còn bây giờ, việc nấu một nồi bánh chưng là một chuyện quá phiền phức, thậm chí là không thể thực hiện, không có chỗ để nấu. Không có chỗ trong thiết kế, nên không thể nào nấu nồi bánh chưng ở chung cư”.
Là một người trẻ, Tết với nhà báo - nhà thơ Lữ Mai mang nhiều sắc thái. Chị nhớ về cái Tết của tuổi thơ ở “một làng quê nghèo, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng tình người lại lan tỏa trong nhau”. Nhìn về Tết hiện đại, nhà thơ thế hệ 8X cũng không chối bỏ những thực tế thay đổi trong văn hóa Tết ngay từ chính trong gia đình của mình. “Em trai tôi thuộc thế hệ 9X và có những cái Tết là đúng như ca từ của Phan Mạnh Quỳnh: “nhạc tung tóe thanh niên hòa ca”, mùng 1 nào nhà tôi cũng cháy âm-ly” - nhà thơ kể lại.
Đối với nhà thơ Lữ Mai, “cái Tết thay đổi qua rất nhiều vùng miền địa lý, rất nhiều giai đoạn sinh sống”. Ngoài những ký ức đẹp về Tết, với nhà thơ, Tết có cả những nỗi sợ và sự ám ảnh.
“Tôi sợ những cuộc nhậu nhẹt, người ta không biết nhau, người ta hỏi tên nhau, hỏi tên trước quên tên sau nhưng năm nào cũng phải ngồi với nhau, rồi năm sau lại tiếp tục hỏi nhau” - nhà thơ bộc bạch.
Trong những ấn tượng đậm sâu về cái Tết quê chồng, nhà thơ Lữ Mai nhớ lại: “Bố chồng tôi đã qua đời ngay trước thềm của cái Tết. Và cái Tết năm đó tôi biết được một tục lệ ở quê chồng, mỗi gia đình trong năm đó có người qua đời, họ sẽ làm thủ công một cái đèn giống như kiểu đèn Trung thu nhưng đây là đèn để đem ra nấm mộ và thắp cho người đã khuất. Đó là lý do vì sao khi đi qua nghĩa trang của ngôi làng thì thấy sáng bừng trong đêm giao thừa rất nhiều ngọn đèn. Đếm được bao nhiêu ngọn đèn thì bấy nhiêu người trong làng năm đó đã qua đời”.
“Tết Việt có những thứ nhiêu khê thật đấy! Có những thứ làm cho mình mệt mỏi thật đấy! Nhưng rõ ràng cũng có những giá trị truyền thống cũng đang tồn tại song hành”.
(Còn nữa)
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất