01/08/2014 08:45 GMT+7
(lienminhbng.org) - 1. Những ngày qua, bạo lực lại bùng nổ tại Libya, nguy cơ một cuộc nội chiến đe dọa. Kể từ sau cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, những tưởng đất nước này sẽ im tiếng súng nhưng…
Cuộc cách mạng 2011 để lại cho Libya một di sản vũ khí tràn ngập khắp nơi. Chúng rơi vào tay nhiều lực lượng quân sự và phe phái chính trị xung đột lẫn nhau. Chính phủ phải dựa vào quân đội để bảo vệ trật tự an ninh và cả bảo vệ mình.
Các lực lượng chính trị chính của Libya chia ra hai phe, một bên là Hồi giáo và một bên theo chủ nghĩa tự do. Nhưng cuộc xung đột ấy, nạn nhân không chỉ có những chiến binh, hàng triệu người dân vô tội của Libya bị ảnh hưởng và có cả hàng nghìn lao động nghèo nước ta bỗng dưng… khốn đốn.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 1.750 lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya, trong đó có khoảng 200 lao động làm việc chỉ cách vùng xung đột vài km. Cơ quan chức năng và chủ sử dụng lao động tìm mọi cách bảo vệ an toàn cho số lao động này, gấp rút sơ tán ra khỏi vùng xung đột để đưa họ về nước. Một lần nữa con đường duy nhất đối với những lao động nghèo Việt Nam là hồi hương. “Tên bay đạn lạc”, chỉ mong họ gấp rút rời xa vùng chiến sự càng nhanh càng tốt.
2. Năm 2011, chiến dịch Bình minh Odyssey nhằm vào các căn cứ quân sự của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi. Nhờ vậy phương Tây đã lật đổ chế độ của ông Gaddafi vào cuối tháng 8 năm đó. Trong chiến dịch đó, hàng vạn lao động nước ta phải di tản.
Người viết bài này đã có những đêm trắng tại sân bay Nội Bài trong chiến dịch hồi hương lao động nước ngoài lớn nhất lịch sử mà báo chí gọi là một “cuộc giải cứu”. Hơn 10 nghìn lao động Việt Nam chủ yếu đến từ những miền quê nghèo đã được đưa về nước, ai ai cũng có nỗi niềm riêng.
Đương nhiên họ đều vui khi gặp lại người thân, trở về với gia đình. Nhưng đằng sau đó còn là những ký ức của hành trình chạy trốn khỏi miền đất dữ và cả sự lo lắng cho số vốn đã vay nợ ngân hàng đang phải còng lưng gánh trên người. Bởi họ là những người nghèo phải chạy vạy lo toan để có cơ hội kiếm đồng tiền tha hương vạn dặm.
Tôi còn nhớ hình ảnh một lao động người dân tộc Mông ở huyện Simacai, Lào Cai: “Chúng tôi không tưởng tượng lại đến một vùng đất nguy hiểm đến thế. Đặt chân về Tổ quốc mới thấy cái giá của yên bình. Nhưng có lẽ, bên ấy im tiếng súng tôi sẽ lại sang để lấy tiền trả nợ”.
Vậy là sau chiến dịch Bình minh Odyssey đầy hứa hẹn của phương Tây với những cuộc không kích của Liên quân vào Libya, bầu trời Địa Trung Hải bốc cháy bằng ánh lửa Tomahawk từ các chiến hạm, đã không có một bình minh tươi sáng nào cho quốc gia giáp bờ biển Địa Trung Hải. Và ở nơi đây, cách xa vùng đất đó vạn dặm, cũng có hàng nghìn mối lo của những người nghèo vốn phải mạo hiểm cả tính mạng để kiếm đồng tiền lương thiện.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất