(lienminhbng.org) - Theo Tân Hoa xã, cuộc bầu cử ngày 2/2 tại Thái Lan có tỷ lệ cử tri
đi bỏ phiếu thấp khi hàng triệu người không thể tham gia bởi sự
cản trở của người biểu tình chống chính phủ.
Tân Hoa xã dẫn một thống kê không chính thức cho biết tỷ lệ này
chỉ đạt 45,8% trong tổng số 44,6 triệu cử tri hợp lệ.
Ngày 3/2, Tổng thư ký Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC), ông Puchong
Nutrawong, nói rằng tỷ lệ trên chưa tính số cử tri tại chín tỉnh
nơi cuộc bầu cử phải hủy bỏ.
Trong ngày bầu cử vừa qua, đã có hơn 10.000 điểm bỏ phiếu tại
67 đơn vị bầu cử của 18 tỉnh, thành Thái Lan không thể mở cửa
do vấp phải sự cản trở của người biểu tình hoặc thiếu phiếu
bầu và nhân viên hỗ trợ. Phần lớn các điểm bỏ phiếu này nằm ở thủ
đô Bangkok và khu vực phía Nam nơi được coi là "cứ địa" của phe đối
lập. Đây cũng là nguyên nhân khiến EC chưa thể công bố ngay kết quả tổng
tuyển cử.
Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập tuyên bố sẽ đưa đơn kiến
nghị lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan yêu cầu không công nhận kết
quả cuộc bầu cử, đồng thời hối thúc Thủ tướng lâm thời Yingluck
Shinawatra bãi bỏ luật tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ trước khi
cuộc tổng tuyển cử diễn ra, cho rằng luật này gây ảnh hưởng tiêu
cực đến ngành du lịch và kinh tế đất nước.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã ban bố luật tình trạng khẩn
cấp có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày 22/1 tại thủ đô
Bangkok và các khu vực lân cận nhằm hạn chế ảnh hưởng của
các cuộc tuần hành do người biểu tình chống chính phủ thực
hiện.
Trong một diễn biến khác, ngày 3/2, thủ lĩnh phong trào biểu tình
Suthep Thaugsuban tuyên bố những người biểu tình sẽ tiếp tục
các hoạt động chống đối như chiếm các trụ sở cơ quan chính
phủ nhằm buộc chính quyền của Thủ tướng Yingluck phải từ chức
và thực hiện cải cách quốc gia.
Ngày 3/2, hàng trăm người biểu tình tiếp tục bao vây Văn phòng
Ủy ban thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan, nơi Thủ tướng
Yingluck và các thành viên nội các làm việc tạm thời kể từ
khi phong trào chiếm giữ trụ sở công quyền của phe đối lập
được khởi xướng. Cùng ngày, một nhóm người biểu tình khác đã
tuần hành khắp thủ đô Bangkok nhằm gây quỹ và kêu gọi ủng hộ
cho chiến dịch lật đổ chính phủ đã kéo dài ba tháng qua tại
Thái Lan.
Trước tình hình trên, ngày 3/2, Mỹ tuyên bố không muốn chứng kiến một
cuộc đảo chính quân sự hay bạo lực tại Thái Lan, bày tỏ quan ngại tình
hình căng thẳng chính trị đang thách thức nền dân chủ của quốc gia Đông
Nam Á này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ tất cả các thành phần
trong xã hội Thái Lan cần làm rõ tầm quan trọng của việc sử dụng các
phương tiện dân chủ và hiến pháp để giải quyết các bất đồng chính trị.
Theo bà Psaki, Mỹ không đứng về bên nào đồng thời hối thúc tất cả các
bên tiến hành đối thoại thẳng thắn nhằm giải quyết bất đồng chính trị
một cách hòa bình và dân chủ.
TTXVN