20/03/2020 07:22 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - LTS: Danh ca Thái Thanh qua đời để lại bao nuối tiếc cho người hâm mộ. Với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì đó là ký ức về “cả thời thơ ấu ngồi cùng các bà chị dò thu sóng radio để nghe Thái Thanh hát. Bởi vậy, tôi thuộc những Thiên thai, Tình ca, Tình hoài hương… từ nhỏ. Chị tôi có lẽ vì nghe Thái Thanh quá nhiều và nhiễm chất giọng của bà nên cũng trở thành một ca sĩ nghiệp dư hát giọng nữ cao có tiếng trong phong trào ca hát quần chúng ở Hải Phòng”. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần" tại đây
1. Ngày 18/3 cách đây 10 năm (năm Canh Dần 2010), nhà thơ Hữu Loan - tác giả Màu tím hoa sim nổi tiếng đã chuyển cõi ở tuổi 95 (1916-2010). Khi ấy, hẳn ông không thể ngờ rằng sau 10 năm, cũng vẫn vào ngày ấy, ngày 18/3/2020 Canh Tý, nữ ca sĩ từng hát thơ ông, do Phạm Duy phổ nhạc lấy tên là Áo anh sứt chỉ đường tà- cũng đã từ trần ở tuổi 87. Đó chính là nữ ca sĩ Thái Thanh - giọng vàng không thời gian, người đã đem Màu tím hoa sim, của Hữu Loan nhuộm tím cả nhân gian suốt một thời binh lửa, cho đến tận cùng hôm nay và mãi mãi, mặc dù bài thơ này của ông cũng đã từng được cả Dũng Chinh và Anh Bằng phổ nhạc.
Thái Thanh tên khai sinh là Phạm Thị Băng Thanh. Bà sinh năm 1934 tại Hà Nội, là con gái út một gia đình trung lưu ở Thủ đô. Thân sinh bà là cụ Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của cụ đã sinh ra hai ông: Phạm Đình Sỹ (sau lập gia đình với nghệ sĩ Kiều Hạnh có con gái là ca sĩ Mai Hương), Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung - giọng ca nam của Ban hợp ca Thăng Long). Người vợ sau của cụ đã sinh ra 3 chị em: Phạm Thị Quang Thái (tức ca sĩ Thái Hằng - vợ Phạm Duy), Phạm Đình Chương (tức Hoài Băc - ca sĩ và nhạc sĩ của Ban hợp ca Thăng Long lập gia đình với ca sĩ Khánh Ngọc), Phạm Thị Băng Thanh (tức Thái Thanh).
Ngày Toàn quốc kháng chiến, Băng Thanh mới 12 tuổi, theo gia đình ra Hà Đông một thời gian, rồi vào Khu 4. Khi ấy, Thái Thanh đã hát rất hay. Bà cùng anh trai Phạm Đình Chương tham gia đoàn văn nghệ của Trung đoàn 9 đóng ở Thanh Hóa. Giọng hát Băng Thanh ngay lập tức đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn bao người lính.
Do hoàn cảnh riêng, bà theo gia đình về lại Hà Nội và năm 1951 thì vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, mấy anh em họ Phạm gồm Phạm Duy (khi ấy đã là chồng Thái Hằng và có bé Duy Quang), Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung), Thái Hằng, Phạm Đình Chương (tức Hoài Bắc) và Thái Thanh đã lập ra Ban hợp ca Thăng Long. Khi ấy, bà mới đổi nghệ danh là Thái Thanh. Đệm nhạc cho ban hợp ca Thăng Long có Út (saxophone), Nghêm (contrebasse) là người Việt, còn có Méritan (piano), Barthélémy (trombone). Niflis (lấy tên Việt là Nghị Lực chơi violin) là người Pháp.
Trong hồi ký của mình, Phạm Duy đã từng viết về Thái Thanh: “Thái Thanh khởi sự làm mê hoặc lòng người bằng giọng hát hãy còn rất mỏng của cô bé 17 tuổi. Bước vào nghề hát ở tuổi dậy thì, dù chẳng theo học một lớp dạy hát nào, Thái Thanh rất thông minh để không phát âm theo kiểu rung mạnh (giọng lồng ngực) như Minh Đỗ hay kiểu đổ hột (giọng cổ họng) như Ái Liên. Thái Thanh có lối hát rất Việt Nam, nghĩa là nhấn giọng vào từng chữ, giống như lối hát dân ca, hát chèo, hát chầu văn. Giọng cô bé là giọng Thương Huyền được tăng trưởng vì bao trùm 2 bát độ đứng giữa 2 giọng nữ cao và nữ trung, nghĩa là có rất nhiều khả năng hơn tất cả các nữ ca sĩ đương thời. Hát Tình ca, Tình hoài hương của tôi âm vực rất rộng, tôi soạn ra cốt để cho Thái Thanh hát và chỉ có cô mới hát nổi những nốt trầm (sòn) hoặc rất cao (són) của hai nhạc phẩm này. Từ đó trở đi, đa số ca khúc của tôi đều dựa vào khả năng giọng hát Thái Thanh”.
Khi Ban hợp ca Thăng Long cùng đoàn Gió Nam ra Hà Nội năm 1953, không thể nào quên được sự nhiệt tình mà người dân Hà Nội dành cho Ban hợp ca Thăng Long và các nghệ sĩ khác. Danh ca Thái Thanh đã làm mê đắm cả kinh thành Thăng Long bởi những Thiên thai (Văn Cao), Tình ca (Phạm Duy)… Vì không mua được vé, nhiều thanh niên đã phải trèo cửa sổ Nhà hát Lớn để được vào coi hát. Trong số những thanh niên đó có nhà điện ảnh Lê Quỳnh. Vẻ đẹp và tài năng của Thái Thanh đã tạo nên “tiếng sét ái tình” trong chàng công tử Hà thành. Và cuối cùng họ cũng nên duyên. Sự ra đời của cô bé Ý Lan đầu năm 1958 tại Sài Gòn là kết quả của duyên tình này.
2. Không chỉ nghe Thái Thanh đơn ca, người mến mộ thời ấy rất mê nghệ thuật hát bè và cách trình bày của Ban hợp ca Thăng Long. Đó là sự mới lạ vì chưa hề có một ban hợp ca gia đình nào lại có các giọng ca quyện vào nhau đến thế. Thái Thanh đã lừng danh suốt từ đầu thập kỷ 50 thế kỷ trước đến bây giờ. Người Sài Gòn không bao giờ quên những lần xuất hiện của bà ở vũ trường “Đêm màu hồng” vào đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước. Giọng vàng không thời gian của Thái Thanh gắn liền với nhạc Phạm Duy.
Trong tập tuyển 14 bài hát tình yêu của Phạm Duy mang tên Ngày đó chúng mình yêu nhau do An Tiêm xuất bản năm 1969, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã có nhận xét rất xác đáng: “…Có người cho rằng nếu Thái Thanh được có cơ hội may mắn là có Phạm Duy viết nhạc để cô trình bày thì ngược lại, giọng ca Thái Thanh cũng chính là giọng ca đã làm cho nhạc Phạm Duy lên cao và bay xa…Tình ca của một người đối với người yêu còn đó hay đã mất, gói kín trong những ca khúc này đã đốt ấm giọng ca Thái Thanh làm cho nó trở nên có hơi thở, có da thịt của đời sống chứ không phải chỉ có trước và tưởng tượng…”.
Có lẽ, Thái Thanh đã hát hay hơn rất nhiều sau khi ly hôn với Lê Quỳnh năm 1966. Sự thật này thật đau đớn, nhưng cũng làm cho chất vàng trong giọng ca Thái Thanh trở thành vàng ròng. Kho tàng âm thanh của Thái Thanh để lại cuộc đời là một kho tàng quý hiếm, vô giá.
3. Mười năm trước, tôi gặp Ý Lan trong chương trình Tôi đang mơ một giấc mộng dài của Phạm Duy ở TP.HCM mà tôi viết lời bình, tôi mới nghe cô kể hết nhiều chuyện trong một thập niên ở TP.HCM sau ngày thống nhất. Ca sĩ như Thái Thanh thì chỉ có thể hát được những nhạc phẩm lãng mạn của một thời, bởi vậy, khi ở lại TP.HCM, bà đã không hát một thời gian quá dài. Năm 1985, bà và gia đình sang định cư ở Mỹ. Bà đã hát trở lại trong cộng đồng người Việt tới năm 65 tuổi mới dừng.
Có lẽ, đã quá hiểu được sự lận đận của “Kiếp cầm ca”, bà Thái Thanh đã không hướng Ý Lan vào con đường này. Ý Lan mặc dù rất mê hát nhưng lại dấn thân vào ngành y. Song cho dù đã tránh né như thế nào, cái nghiệp cầm ca, sự định trước của số phận vẫn dắt Ý Lan trở về với phương trời lận đận này. Năm ấy, ở Mỹ, Ý Lan và em gái Quỳnh Hương đã cùng mẹ tưng bừng trong đêm diễn Thái Thanh - Đêm tái ngộ. Và từ đó, cô dường như là người đã tiếp bước sự nghiệp ca hát của mẹ. Trong hai đêm 11 và 12/5/2011, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ý Lan đã độc diễn chương trình Khung trời kỷ niệm mà tôi cũng viết lời dẫn.
Trong độc diễn, bản lĩnh của Ý Lan không chỉ nằm riêng ở giọng hát thiên bẩm mà mẹ Thái Thanh trao lại. Bản lĩnh ấy còn thu hút người nghe ở cách trình diễn và văn hóa ứng xử trong những giao tiếp với khán giả. 3 điều trên nhập làm một trong con người Ý Lan toát ra một phong thái tự tin nhưng hòa đồng.
Người mến mộ đã mê đắm “Giọng vàng không thời gian” của Thái Thanh vì ở đấy chan chứa, chất ngất đến cao diệu của hồn Việt ở một thời đại. Họ cũng rất say sưa đón nhận giọng hát Ý Lan như một sự tiếp nối. Mặc dù âm sắc và cao độ cũng có nét giống mẹ nhưng luồn trong sâu thẳm của giai điệu và nhịp điệu là niềm trắc ẩn của một số phận cũng đã nếm trải nhiều thăng trầm, thất lỡ như mẹ và thậm chí cả cái chết đã có lúc gần kề bởi căn bệnh hiểm nghèo.
Mặc dù hát tiếng Việt và tiếng Pháp đều rất điêu luyện, nhưng khi Ý Lan cất lên “Tôi yêu tiếng nước tôi…” thì người mến mộ, nhất là những người già đã từng nghe Thái Thanh hát những lời này, cũng trên sàn diễn Nhà hát Lớn năm 1953, có cảm giác như đang gặp lại Thái Thanh, gặp lại “giọng vàng không thời gian” của mình.
4. Bây giờ thì mọi thứ đã chìm vào cùng giấc ngàn Thu của “giọng vàng không thời gian”, nhưng trong thương tiếc của tôi, tiếc nhất là năm 2017 khi sang Mỹ, tôi đã không gặp được bà và Ý Lan, cũng như dạo Thái Hằng về nước, tôi cũng không gặp được vì đi công chuyện tỉnh xa, tôi vẫn cảm thấy trong không gian đâu đó, hai bà Thái Hằng - Thái Thanh đang song ca như cặp oanh vàng giai điệu Tiếng sáo thiên thai mà Phạm Duy thì đệm guitar, còn Phạm Đình Chương thì búng đàn bass với phần đệm phảng phất hơi thở của jazz...
Nguyễn Thụy Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất