K-pop cũng nhiều lần 'giống' Sơn Tùng M-TP

21/11/2014 13:52 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Thời gian vừa qua, công luận đã tốn nhiều giấy mực trước vụ việc “Sơn Tùng M-TP đạo nhạc”, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thành lập một hội đồng gồm các nhạc sĩ có uy tín để thẩm định ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP và đã đưa ra kết luận: Sơn Tùng M-TP đạo nhạc.

Một điều trùng hợp là trong lúc nhạc giải trí Hàn Quốc có một ảnh hưởng khá lớn đến đời sống âm nhạc đại chúng Việt Nam, thì những vụ được cho là đạo nhạc gần đây dùng lại những beat nhạc của các ca khúc Hàn Quốc mà không xin phép.

Chúng ta thử nhìn qua thị trường nhạc giải trí tại Hàn Quốc và vài trường hợp khác, để phần nào hiểu rõ hơn mặt trái của một thị trường âm nhạc mà trong đó một số người muốn nhanh chóng trở thành nổi tiếng bằng cách “kế thừa” tác phẩm người khác mà không xin phép, hoặc dùng “phương pháp sáng tác” mà các nhạc sĩ chuyên nghiệp trong nước và cả nhạc sĩ nước ngoài không bao giờ làm.

K-pop đang gây ảnh hưởng của mình tại rất nhiều quốc gia nhưng điều đó không có nghĩa làn sóng này không phải đối mặt với những bất ổn nội tại. K-pop gây ra tầm ảnh hưởng ở nhiều nơi và kết cục là tình trạng âm nhạc của họ bị vay mượn, ăn cắp. Nhưng chính K-pop cũng đã rất nhiều lần làm điều tương tự.

Chuyện Sơn Tùng M-TP gần đây chỉ là diễn biến mới nhất của vấn đề K-pop lên tiếng việc mình bị đạo nhạc. Vài tháng trước, có một vụ còn lùm xùm hơn khi ca sĩ nổi tiếng của Mỹ, Meghan Trainor, với bài hát All About That Bass leo lên hạng 2 Billboard Top 100 tại Mỹ, bị cáo buộc đã “đạo” lại bài Happy Mode của nhóm nhạc Hàn Quốc, Koyote, phát hành vào năm 2006.

Tờ báo âm nhạc nổi tiếng Stereogum viết K-pop đang làm rùm beng để “nhẹm” đi chuyện mình cũng là thủ phạm của nhiều vụ “thó” nhạc người khác. Tất nhiên, không phải một lần.


Ca khúc Day By Day của nhóm T-ara có phần beat và tiếng sáo giống như bài Criminal của Britney Spears

Ở đâu có “hit”, ở đó có trát hầu tòa

Cách đây 4 năm, trong một động thái tích cực hoặc cũng có thể là vì “chẳng đặng đừng” trước sức ép khá lớn của dư luận, Ủy ban Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Phát thanh  - Truyền hình & Truyền thông Hàn Quốc đã công bố danh sách 20 bài hát K-pop vướng vào vấn đề đạo nhạc, ăn cắp chất xám của người khác. Để công bố bản danh sách này, ủy ban cùng Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc đã làm việc khá căng thẳng để tìm ra cách giải quyết êm đẹp. Bởi căn cứ nào để xem là đạo nhạc khi những nghi án này nổ ra liên tục hơn một thập niên qua là một chuyện không dễ dàng. Đạo giai điệu, hòa thanh, hòa âm, nhạc nền (beat), nhạc mẫu (sample)… được xử lý ra sao? Sau phi phân tích kỹ lưỡng, danh sách đã được công bố. Điều quan trọng mà các bên muốn đưa ra là 20 bài hát này đã thu về hơn 1,7 triệu USD tiền tác quyền cho “các ông chủ tự xưng” mà đúng ra, nó phải là của người khác.

Những tên tuổi lớn nhất của K-pop được hé lộ. Toàn là những người đình đám. Từ MC Mong với bài Letter To You; Hyori với I’m Back và Swing; Lee Seung Ki với Mask, cho đến Son Dambi với Saturday Night; Lee Seung Chul với Scream; rồi cả CNBlue với Loner; G-Dragon với Heartbreaker… Tất cả những bài hát này đều bị cáo buộc có phần beat, giai điệu, hòa âm giống với những ca khúc của người khác.

Cụ thể như ca khúc Bing Bing Bing của FT Island có đoạn interlude (giang tấu) rất giống với Five Colours In Her Hair của nhóm nhạc Anh, McFly. Ca sĩ G-Dragon (của nhóm Big Bang) đã hát Heartbreaker y chang với Right Round của Flo Rida. Đáng nói, Heartbreaker được xem là bài hit của năm tại Hàn Quốc nhưng những chứng cứ được đưa ra mổ xẻ hoàn toàn bất lợi cho G-Dragon. Đó là chưa nói đến bìa album Heartbreaker cũng bị xem là “cầm nhầm ý tưởng” từ bìa album Let It Come Down của nhóm nhạc Spiritualized (Anh) phát hành năm 2001. Hãng Sony, đơn vị phát hành và chịu trách nhiệm đưa nhạc G-Dragon đến Mỹ, sau đó đã chính thức tuyên bố đây là bài nhạc đạo và gửi thư cảnh cáo đến Công ty quản lý YG Entertainment của G-Dragon. Cùng với đó Sony tuyên bố không “cấp phép” phổ biến 3 bài hát: Heartbreaker (G-Dragon), Butterfly (của 2NE1), With You (của Big Bang) tại thị trường Mỹ. Đó là một đòn đau cho các ông lớn về K-pop vào thời điểm ấy.

Rất nhiều fan K-pop sau đó đã phản đối quyết liệt quyết định này, họ không muốn tin thần tượng của mình đạo nhạc. Nhưng phần beat và giai điệu được đưa ra đã không thể bảo vệ quan điểm của họ. Lúc ấy có tờ báo đã nói rằng “Ở đâu có “hit” ở đó có trát hầu tòa”. K-pop đang bị ảnh hưởng nặng nề vì đạo nhạc.


Sự thành công của K-pop đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Càng “nóng” lại càng dễ dính vào tiêu cực mà đạo nhạc, đạo vũ điệu, phong cách... là một phần đang diễn ra ngày càng nhiều

Cơn sốt… đạo nhạc

Con số 20 bài nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng khổng lồ. Nhiều năm liên tục và đến tận giờ, những nghi án đạo nhạc vẫn nóng hổi trên báo chí Hàn Quốc và cả những diễn đàn âm nhạc.

K-pop đã chuẩn bị cho mình một quãng thời gian đủ dài để trở thành làn sóng Hallyu (Hàn lưu), quật ngã nhiều ảnh hưởng tại các quốc gia khác. Nhưng âm nhạc của họ thật sự vẫn chưa theo kịp sự biến chuyển nhanh chóng trong thị trường nóng hổi mà gần như ngày nào cũng đòi hỏi phải có bài hit. K-pop vì thế phải thay đổi mình liên tục và liệu họ có đủ nhân tài, thời gian để sáng tác ra những cú “hit” như cơm bữa? Và vì thế, “sáng tác bị ảnh hưởng bởi…”, “đạo nhạc”, “đạo beat”… không phải là chuyện hiếm tại quốc gia này.

Cần nhớ rằng khi Internet trở thành kho lưu trữ vĩ đại thì những thư viện beat miễn phí trở thành chiếc bánh khổng lồ cho bất cứ ai muốn sáng tác. Nó khổng lồ đến mức đủ để phân chia sự khác biệt và người này biết chưa hẳn kẻ khác sẽ để mắt đến. Cung lớn hơn cả nhu cầu. Vì thế nó đã tạo ra những beatmaker chuyên nghiệp cả hợp pháp lẫn không hợp pháp và nó “đẻ” thêm ra vấn đề đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được: Tác quyền.

Chỉ tính trong hai năm, 2012 và 2013, K-pop lại đối mặt với hàng chục cáo buộc đạo nhạc. Có lẽ đây là hai năm đỉnh điểm của vấn đề đạo nhạc tại đây được đem ra mổ xẻ. Chẳng hạn như ca khúc Day By Day nằm trong album cùng tên của nhóm nhạc nữ T-ara có phần beat cùng tiếng sáo “như bản sao” bài Criminal của Britney Spears. Hoặc ca khúc Dream Girl của nhóm SHINee có một dạo bị cáo buộc ầm ĩ là đạo từ bài Vuelve của nam ca sĩ nổi tiếng người Puerto Rico, Luis Miguel. Tất cả là do vòng giai điệu có nhiều nét tương đồng nhưng phần beat và sample lại khá khác nhau.

Cách đây chưa lâu, cộng đồng mạng 2CH ở Nhật đã tố The Boys của nhóm SNSD là “đạo” từ phim hoạt hình Macross Frontier có bài hát Pink Monsoon của May’n. Nghe qua thử thì đúng là hai ca khúc này có rất nhiều nét tương đồng ở phần giai điệu và cả beat.

Tuy vậy, những lời tố cáo càng dâng cao thì những phản biện cũng cao không kém. Như trường hợp của SNSD thì những lời bào chữa được đưa ra là “do fan Nhật đã quá mệt mỏi và lo lắng trước làn sóng Hàn Quốc nên tìm mọi cách dìm hàng. Bài The Boys là do nhà sản xuất danh tiếng của Mỹ, Teddy Riley, hòa âm không lẽ ông ấy lại đánh đổi danh tiếng của mình bằng cách ăn cắp?”. Lý lẽ được đưa ra nhưng phản biện về chuyên môn thì không thấy.

Hoặc như bài Dream Girl của nhóm SHINee thì phía nhà sản xuất sau đó đã dùng hết lý lẽ về chuyên môn để phân tích nhưng họ vẫn phải thừa nhận có những nét tương đồng ở những giai điệu đầu tiên.

Cô ca sĩ IU năm ngoái đã rất nổi với bài The Red Shoes nhưng ngay sau đó dính ngay nghi án đạo nhạc từ bài Here’s Us của Nekta. Nhưng khác với nhiều người khác, IU và công ty của mình đã nhảy ngay vào phân trần và nói rằng giống thì có giống nhưng vòng hòa âm, nhịp điệu là khác nhau, phần điệp khúc và lời 1 cũng không có điểm nào tương đồng với Here’s Us. Mà nếu “khác biệt” nhiều thế, thì không thể bị xem là đạo nhạc.

Nếu liệt kê thêm thì sẽ còn rất nhiều dẫn chứng về những nghi án đạo nhạc tại K-pop nhưng cũng như tại Việt Nam, chuyện đạo nhạc, hay tham khảo, hay ảnh hưởng cũng rất bị lung lay vì không ai phân định được. Trong một bài viết để chứng minh nhạc K-pop rất hay bị “đạo” trên toàn thế giới, tờ Seoul Beats cũng phải thừa nhận rằng: “Cho dù chúng ta gia nhập WTO và có một sự đồng thuận giữa các nước thành viên là vi phạm bản quyền, là bất hợp pháp và sẽ bị trừng phạt. Nhưng thực tế là cái vòng luẩn quẩn của việc hòa thanh, giai điệu, nhạc nền… như thế nào mới đủ để tạo nên thiết chế ràng buộc? Ai cũng lờ mờ chuyện này và dường như chẳng ai hiểu cho đúng thế nào là đúng tiêu chuẩn đạo nhạc. Ngay cả ở Mỹ, pháp luật cũng phải xem xét nhiều góc cạnh như tầm ảnh hưởng, số lượng sử dụng beat (nếu có), nguồn khai thác… trước khi ra kết luận. Ranh giới của cảm hứng và bắt chước thật là mong manh. Chỉ còn cách là yêu cầu những người sản xuất phải có trách nhiệm và K-pop cũng phải thế”.

Ông Jin Sungho, quan chức của Ủy ban Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Phát thanh  - Truyền hình & Truyền thông Hàn Quốc cho rằng: “Cho dù khó nhưng chúng tôi vẫn phải tích cực tìm ra những người ăn cắp nhạc của người khác. Tiền thì họ bỏ túi nhưng mồ hôi không đổ giọt nào”. Trong danh sách ủy ban này đưa ra thì có những bài hát đã được trả đến 250.000 USD tác quyền. Con số ấy chắc chắn vẫn là niềm mơ ước của nhiều người khác và để có được nó, nhiều người sẽ tiếp tục làm liều. K-pop không phải là trường hợp duy nhất.

Đón đọc bài tiếp theo: Trên thế giới không ai làm như Sơn Tùng M-TP

Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm