27/04/2016 07:18 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Thảm họa ấy đi vào lịch sử Hoa Kỳ với cái tên “Cuồng phong trắng”: 1913 cơn bão tuyết thế kỷ nhấn chìm tàu bè, làm tê liệt cuộc sống công cộng và cướp đi 250 mạng người. Và tệ nhất là: lẽ ra có thể ngăn chặn được!
Có những ngày
… mà người ta không nên đi làm. Ví dụ như ngày 8/11/1913 đối với Milton Smith. Người thợ máy của thuyền máy chở quặng Charles S. Price vừa buộc neo ở gần Cleveland và mở tờ báo cuối tuần ra đọc. Dự báo thời tiết không hứa hẹn điều gì tốt lành: tuyết hoặc mưa, ngày càng lạnh hơn, gió mạnh từ hướng Tây và Tây Nam.
Thủy thủ Smith không lạ gì trời xấu, nhưng lần này anh thấy chộn rộn trong bụng, một cảm giác bất ổn nhè nhẹ không hơn không kém. Hôm qua anh đã khá vất vả với tốc độ gió trên 50 km/h thổi qua khu vực Ngũ Đại Hồ - nhóm 5 hồ chứa nước ngọt lớn nhất thế giới ở biên giới Mỹ-Canada, và lúc này lá cờ báo động của đội tuần duyên Lake Erie vẫn phần phật như sắp rách. Khi Smith xin nghỉ, thợ máy trưởng cho phép ngay.
Mấy hôm sau Smith phải đến cơ quan pháp y nhận diện chỉ huy của mình: Thuyền máy Charles S. Price bị bão nhấn chìm, cả đoàn 27 đàn ông và 1 phụ nữ bị xóa sổ. Cơn cuồng phong tệ hại nhất trong lịch sử Ngũ Đại Hồ tràn qua miền Trung Tây (Midwest) và tỉnh Ontario (Canada).
Người dân vùng này run rẩy nhớ lại trận Cuồng phong trắng với vận tốc chừng 130 km/h, lật chìm tàu bè, lấp hết xe cộ dưới lớp tuyết dày nhiều mét. Các chuyên gia phỏng đoán thiệt hại vật chất khoảng 5 triệu - tính theo thời điểm hôm nay là 125 triệu USD.
Bão ở mùa này
… kỳ thực không có gì lạ, nhất là đối với ngành vận tải trên sông ở vùng Midwest. 5 con hồ lớn vẫn nổi tiếng với những trận gió mùa thu, bình quân kéo dài chừng 4-5 tiếng. Nhưng lần này khu vực áp thấp “November gale” trụ lại hẳn 16 tiếng và gây bất ngờ với mọi sinh vật trên mặt hồ. Nhân chứng ngày ấy kể lại những đợt sóng cao đến 11 mét. 19 tàu lớn nhỏ bị bão quật nát, hàng tá thuyền máy chìm tại chỗ xuống lòng 5 biển hồ Great Lake, đem theo hàng trăm thủy thủ, 68.000 tấn lúa, than và kim loại.
Chiếc thuyền máy xấu số Charles S. Price mà Milton Smith rời bỏ vào phút cuối, có nhiệm vụ chở quặng từ Ohio đến Milwaukee. Mặc kệ cảnh báo của cơ quan khí tượng, thuyền trưởng Bill Black vẫn ra lệnh nhổ neo đi đến Milwaukee. Thoạt tiên thời tiết có vẻ chiều lòng Black: ở Ashtabula, nơi thuyền máy xuất phát, thời tiết ấm áp và gió vừa phải - một trò chơi khăm của thiên nhiên, như sau này sẽ biết.
Sáng sớm Chủ nhật, Black đưa thuyền máy ngược sông St. Clair về hướng hồ Huron. Trên bờ, một người phụ nữ vẫy khăn tay - vợ một phụ lái. Trước đó ít lâu người chồng lấy còi thổi để chia tay vợ. Và đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau.
Gió chuyển sang hướng Tây Bắc và áp suất không khí loãng dần, đó là triệu chứng báo hiệu có gió lớn, nhưng mặt hồ lại phẳng lặng khó tin. Black ra lệnh đi tiếp dọc bờ tây của hồ Huron. Điều mà thuyền trưởng không biết: khoảng 500 cây số đường chim bay về phía Tây Bắc, ở Vịnh Green Bay thuộc Wisconsin, gió đã đẩy chiếc tàu đầu tiên lên bờ cát và đập vụn. Backs tiến thẳng đến địa ngục.
Các số báo thứ Hai
… không có chủ đề nào khác ngoài tin thiệt hại trên đất liền, thảm họa với tàu bè chỉ có thể phỏng đoán vì cho đến giờ đóng tòa soạn tối Chủ nhật chưa có ai được ra khơi. Cleveland hứng chịu nhiều tai họa nhất khi nó vừa sửa sang vá víu đôi chút sau trận lụt lịch sử ở bang Ohio: ô tô và tàu điện bị đóng băng cứng, một số người chết rét trong nhà hoặc bị cột đèn đổ giết. Ở Chicago trận cuồng phong cày nát một công viên giải trí vừa khai trương. Gà vịt chết rét trong chuồng…
Thứ Hai, các nhân viên bơi cứu hộ nhìn thấy qua ống nhòm một chiếc tàu lật úp trên mặt hồ Huron. Do bị băng tuyết phủ đầy và tên con tàu dưới ngấn nước, báo chí địa phương mở trò đoán tên! Nhưng cũng chỉ mãi 5 hôm sau thợ lặn William H. Baker mới tìm ra tên của Charles S. Price. Báo địa phương ra hẳn một phụ bản để tôn vinh sự kiện này.
Nhiều tàu bè khác chịu chung số phận, tuy tên tuổi của chúng không đưa ra câu đố nào. Riêng bờ biển từ Goderich và Sarnia đón nhận 60 xác chết bị trôi vào. Tên in trên áo bơi và thuyền cứu nạn được đọc lên như điếu văn: “Wexford”, “Regina”, “Hydrus”… danh sách những con tàu gặp nạn vì dựa vào kinh nghiệm sai lầm còn dài.
Điều bi thảm nhất
… trong tai họa này là: lẽ ra số phận có thể mỉm cười với ai đó. Tàu Henry B. Smith chẳng hạn - bị chủ tàu xua ra khơi hôm 9/11, do không đóng kịp các nắp trên boong nên thủy thủ bị cuốn trôi bởi những con sóng đầu tiên, và tàu chìm sau đó ít lâu ở Lake Superior. Chỉ vớt được 2 xác trong số 25 thủy thủ.
Những thủy thủ sống sót tìm được ngay một nạn nhân để đổ tội: cơ quan dự báo thời tiết. Thực tế là điều kiện cảnh báo hồi ấy không có gì đáng tin: mỗi ngày hai lần đánh điện về trung tâm ở Washington và quay lại.
Mặt khác thì họ đã đưa lời cảnh báo cho 113 địa điểm quanh Ngũ Đại Hồ hôm 7/11! Tuy nhiên nhiều thuyền trưởng lờ đi cờ báo động. Và dĩ nhiên cũng vì ngày ấy tàu thuyền hiếm chịu bỏ tiền mua một cái điện đài, chẳng hạn tất cả tàu thuyền bị chìm đều không được nhắn tin trước, như Bộ thương mại Mỹ báo cáo hồi 1914.
Đối với thuyền máy Charles S. Price thì mọi kinh nghiệm đều quá muộn. 2 ngày sau khi tìm được tên, nó chìm xuống lòng hồ Huron để rồi hôm nay thành một điểm phiêu lưu cho các thợ lặn. Bốn chiếc tàu đắm được coi là mất tích, cho đến hôm nay chưa tìm được.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất