16/01/2014 07:08 GMT+7 | Truyền hình thực tế
(lienminhbng.org) - Hôm qua (15/1), chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát American Idol bắt đầu mùa thứ 13. Dù được cho là đã qua thời đỉnh cao từ lâu, nhưng thực chất American Idol đã góp phần làm cách mạng trong ngành truyền hình, nhiều hơn người ta tưởng.
Theo The Daily Beast, American Idol bị đánh giá là đang chết dần, do lượng người xem giảm rất nhanh qua từng năm. Sự ăn khách của chương trình đối địch The Voice càng khiến Idol chật vật để sinh tồn.
Nhưng thực tế sau 12 mùa thi, American Idol đã giúp bán hàng triệu đĩa nhạc và tạo ra hàng trăm cuộc tranh cãi sôi động. Chương trình này vẫn xứng đáng là một hiện tượng văn hóa pop cần có. Sau đây là những nguyên nhân khiến Idol là một chương trình có tính cách mạng.
1. Đem lại sức sống cho truyền hình mùa Hè
Trong thập niên 1990 và 2000, theo chân hãng CBS với chương trình truyền hỉnh thực tế thành công Survivor, hãng Fox sản xuất American Idol và biến đây thành chương trình giải trí mùa hè sôi động hầu như suốt thập niên 2000.
Chương trình ra mắt vào mùa Hè năm 2002, nhanh chóng giúp các giám khảo Simon Cowell, Randy Jackson, Paula Abdul hay Ryan Seacrest trở nên nổi tiếng. Buổi chung kết mùa đầu có 23 triệu người xem. Năm đó Kelly Clarkson, người sau này trở thành một siêu sao, đã giành chiến thắng.
2. Chính thống hóa các cuộc thi truyền hình thực tế
Thập niên 1950 có chương trình American Bandstand và năm 1964 có chương trình The Ed Sullivan Show (The Beatles từng tham gia) là các bằng chứng về việc truyền hình là bệ phóng quan trọng trong sự nghiệp của các ngôi sao ca nhạc.
Nhưng phải đến 5 thập niên sau đó, khi Idol tìm ra Kelly Clarkson, hoạt động này mới trở nên chính thống. American Idol được ra mắt với câu giới thiệu “Tìm kiếm siêu sao” - một mô hình về sau quá phổ biến.
Dù không phải các quán quân Idol đều thành công như Kelly Clarkson, nhưng điều đó chứng tỏ Idol vẫn “trên cơ” The Voice hay X Factor ở khả năng tạo sao. 2 chương trình kia dù có kịch bản hấp dẫn hơn, thu hút lượng người xem đông hơn, nhưng chưa từng tạo ra được một ngôi sao đẳng cấp Kelly Clarkson.
3. Tiết lộ sự thật của truyền hình thực tế
Xem Idol trong những năm qua, ngoài việc nghe hát, còn có một thú vui khác: Các giám khảo có nói hớ hay không. Có thể nói không phải những gì truyền hình trực tiếp trên TV đều là tự nhiên, chẳng qua sắp đặt.
Giám khảo Paula Abdul của American Idol từng vô tình vén “bức màn” bí mật về tính chân thực của truyền hình thực tế. Trong một tập được phát trực tiếp, nữ ca sĩ đã nhận xét "ngon lành" màn biểu diễn của thí sinh Jason Castro, dù nó còn chưa diễn ra. Abdul gần như đọc lời nhận xét của mình, từ một kịch bản có sẵn, được chiếu ngay trước mặt cô.
Còn giám khảo Cee Lo Green cũng từng lí nhí một số từ vô nghĩa khi nhận xét một màn biểu diễn khác, khiến khán giả không thể không nghĩ lời những lời này có thể đã do một cây bút nghiệp dư viết hộ cô.
4. Đa dạng hóa âm nhạc
Càng về sau, Idol càng gây nhàm chán vì kết quả dễ đoán: người chiến thắng thường là các chàng trai da trắng chơi guitar. Nhưng những năm đầu, các quán quân khá đa dạng: Kelly Clarkson và Jordin Sparks là ca sĩ pop thuần túy; Fantasia và Ruben Studdard hát R&B; Carrie Underwood thuộc về dòng nhạc country còn Taylor Hicks chơi rock.
Hai á quân nổi tiếng Clay Aiken và Adam Lambert cũng mang thêm gia vị tới cho cuộc thi. Cả hai đều đồng tính và không che giấu, nhất là Lambert. Điều này khiến Idol được cho là cởi mở và tiến bộ.
5. Không chỉ chiến thắng mới ngọt ngào
Ở American Idol, một số thí sinh được yêu thích nhưng không chiến thắng như Jennifer Hudson, Chris Daughtry, Katherine McPhee, Clay Aiken, Adam Lambert... về sau vẫn có thể gây dựng danh tiếng. Không thể quên trường hợp William Hung, một thí sinh có giọng hát dở tệ nhưng bỗng dưng được yêu thích vì gây hài, cũng nổi tiếng được một thời gian.
Thực tế chính việc dựa vào những thí sinh như Hung để câu tiếng cười, thậm chí là nhạo báng một số thí sinh kém tài, đã góp phần khiến Idol trở thành một chương trình giải trí hút khách.
6. Gây sốt vì “giám khảo - ngôi sao”
Mời các ngôi sao ca nhạc chấm giải là trào lưu do Idol khởi xướng. Sau khi Simon Cowell và Paula Abdul rời chương trình, các ngôi sao hàng đầu như Jennifer Lopez, Steven Tyler, Mariah Carey... lần lượt tham gia chương trình. Tác dụng của ngôi sao là vừa để tăng tỷ lệ người xem vừa lôi kéo khán giả bầu chọn.
Thành công của mô hình giám khảo - ngôi sao khiến các chương trình khác như The Voice và X Factor cũng học tập Idol, mời Christina Aguilera, Adam Levine, Britney Spears và cả Kelly Clarkson.
7. Chứng minh rằng công chúng rất có gu
Idol có một thí nghiệm thú vị vào năm 2010: mời người dẫn chương trình Ellen DeGeneres, vốn không liên quan đến âm nhạc, vào ngồi ghế giám khảo. Người hâm mộ không hề hài lòng vì DeGeneres thiếu chuyên môn nên không làm tốt việc của mình.
Chính thành công của Idol trong vòng một thập kỷ đã khiến các hãng đối thủ của Fox lao vào nghiên cứu tìm ra một mô hình có thể đánh bại Idol. Và đối thủ đã đúc kết được The Voice. Nhưng Idol vẫn có nhóm khán giả trung thành, dù không hẳn có gu thưởng thức cao. Họ gắn bó với chương trình và không muốn xem những chương trình khác có tính bắt chước.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất