12/03/2014 14:45 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Từ góc nhìn của một bộ phận các cựu tuyển thủ QG, họ cho rằng, thất bại của các ĐTQG từ 3, 4 năm trở lại đây là câu chuyện của thời thế, chứ không phải chiếc ghế HLV trưởng là thầy nội hay ngoại; thậm chí cũng không phải chất lượng đội hình đi xuống và chúng ta đang tụt lại so với các nền bóng đá khu vực.
“Kể từ năm 2010 đổ về trước, việc có chỗ đứng trong hàng ngũ ĐTQG còn được xem là nấc thang danh vọng, là cơ hội đổi đời! Những người như chúng tôi khao khát được triệu tập vào ĐT, đá chính hay dự bị không cần thiết, nhưng chắc chắn rằng sau khi trở lại CLB, giá trị chuyển nhượng sẽ tăng vọt. Nhưng sau đó, như tất cả đều biết, kinh tế suy thoái và hàng loạt các ông bầu đã mỏi gối chùng chân khiến “mác tuyển thủ” không còn nhiều ý nghĩa…”, một trụ cột của ĐT Việt Nam từng giành chức vô địch AFF Cup 2008 chia sẻ.
Thực tế kể từ sau năm 2010 đã rất nhiều trường hợp cầu thủ từ chối cơ hội khoác áo ĐTQG, mà nguyên nhân thực sự là gì thì chỉ có người trong cuộc biết. Rõ nhất là SEA Games 2011 và AFF Cup 2012, cũng với những con người đó, song rõ ràng động lực cống hiến và chiến đấu không còn nhiều, khi thương hiệu của họ đã được định hình. Ngay cả khi họ thi đấu tốt thì giá trị bản thân cũng không tăng lên, khi thị trường chuyển nhượng như phiên chợ chiều.
“Tôi cho rằng, đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại của U23 Việt Nam cũng như ĐT Việt Nam ở những giải đấu cấp khu vực trong thời gian qua”, thông tin của một trụ cột có giá chuyển nhượng tiền tỷ khác.
Kể từ sau khi ĐT Việt Nam thất bại ở bán kết AFF Cup 2010, nền bóng đá đã không có thêm một lần nào nữa tiệm cận được các danh hiệu ở giải đấu cấp khu vực, chứ đừng nói châu lục. HLV Falko Goetz và các học trò của ông đã dừng bước ở bán kết SEA Games 26 (năm 2011), mà ngay bản thân ông thầy người Đức cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Một năm sau đó, HLV Phan Thanh Hùng được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam đòi lại ngôi vương tại kỳ AFF Cup 2012, nhưng cuối cùng đội bóng đã thất bại vì “một vài trụ cột đã không thi đấu hết mình”.
Bản “danh sách đen” được lập ra sau đó, nhưng câu chuyện đã không đi đến đâu. Trước đợt tập trung của U23 Việt Nam để chuẩn bị SEA Games 27, cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Phan Thanh Hùng đã kỳ vọng rằng lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng nhưng chưa có thương hiệu và đang muốn khẳng định mình sẽ giúp đội bóng chơi bốc hơn. Tuy nhiên, câu trả lời là không gì cả, khi người trong cuộc khẳng định, việc HLV Hoàng Văn Phúc bị tạm thời đình chỉ nhiệm vụ trước thềm SEA Games 27 gây nên sự hoang mang lớn với đội bóng.
“Các HLV nội không đủ tầm để đưa ra những quyết sách. Họ quá phụ thuộc vào cấp trên, khiến bản thân các cầu thủ không có cơ sở bám víu. Thậm chí trong một vài trường hợp cụ thể, vì sức ép, HLV trưởng còn thất hứa với chính học trò của mình. Rằng vì lý do A, B, C nào đó khiến thầy không thể gọi em lên vào thời điểm này. Thật khó để đội bóng đồng lòng đem lại thành công trong hoàn cảnh đó”, một ý kiến khác cho hay.
Tóm lại, cội nguồn của vấn đề không phải là chất lượng cầu thủ hay HLV, mà là câu chuyện của những cái đầu, của thời thế. Một số cầu thủ sau khi đã định hình được thương hiệu, hoàn toàn không còn động lực phấn đấu nhưng vẫn được (hay bị) triệu tập.
Một số khác ý thức luôn rằng ngay cả khi chơi tốt trong màu áo ĐTQG thì cũng không có hy vọng về việc sẽ có thêm tiền chuyển nhượng trong thời buổi kinh thế khó khăn.
Người ta vẫn luôn nói phải lo xong chuyện cơm áo gạo tiền thì mới có thể nghĩ xa hơn, và trên thực tế, cầu thủ phải thi đấu và chiến đấu (khi cần) cũng là vì miếng cơm manh áo của chính họ. Nói màu cờ sắc áo hay lý tưởng e là hơi xa xỉ. Vì thế, vấn đề với ĐT Việt Nam bây giờ chưa chắc đã phải làm nên chọn HLV trưởng như thế nào, mà có lẽ là cần làm gì để khơi dậy tinh thần nỗ lực và cống hiến cho các tuyển thủ!
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất