25/07/2017 15:11 GMT+7
(lienminhbng.org) - 40 tuổi, là người ham đi nhưng phải đến tháng 7 này tôi mới thăm Hà Giang, thăm Vị Xuyên huyền thoại, cột cờ Lũng Cú- điểm cực Bắc của Tổ Quốc...
Tự xấu hổ tại sao giờ này mình mới chạm được vào mảnh đất thiêng này.
Đứng thắp hương trước Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, nơi an nghỉ của 1.746 liệt sĩ, trong đó có 264 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên, họ là những chàng trai vừa đôi mươi, mười tám đã anh dũng hy sinh trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tổ quốc, một cảm giác đau đớn, nhức buốt trào dâng.
Nỗi đau có gì khang khác khi lần thắp hương ở nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Quảng Trị. Tôi xấu hổ vì biết quá ít và quá muộn về Vị Xuyên. Về cuộc chiến biên giới phía Bắc. Những bạn trẻ cần phải được hiểu rõ thêm về cuộc chiến này, không phải để nuôi lòng căm thù, khoét sâu những nỗi đau, mà để nhớ về một quá khứ bi hùng của dân tộc.
Thấp thoáng những mái đầu bạc trong quân phục người lính lên thắp hương cho đồng đội. Có cả những người vợ lên viếng chồng. Con viếng cha. Vẳng nghe tiếng khóc nghẹn nghèo, tiếng khấn rầm rì cho một vong linh người chiến sĩ đã về đất khi còn rất trẻ, người ở lại cũng đâu thể yên lòng?
Chúng tôi giao lưu với Đoàn kinh tế Quốc phòng 313, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang. Đối diện trụ sở của Đoàn là Hang Dơi huyền thoại, nơi thời đạn lửa là điểm tập trung lương thảo, tập trung quân, là nơi cứu thương cho bộ đội… sau mỗi trận đánh.
Nâng chén rượu ngô, rượu táo mèo đặc sản quê nhà, những người lính thời bình kể say sưa và chi tiết về hang Dơi, về những địa điểm hào hùng của Vị Xuyên. Rồi, chúng tôi cùng cất cao tiếng hát giữa những người làm báo với người lính. “Một lần đi tuần tra anh tới/ Gặp em bên suối hát gì/ Mà rừng ban nở trắng xinh/ Cùng lắng nghe em hát/ Em trao tôi vòng nhỏ...”. Tiếng sáo chon von thật là lãng mạn. Không ít người lính rưng rưng giấu những giọt nước mắt cảm động.
Tàn cuộc giao lưu, đã nửa đêm, chúng tôi lang thang ở cửa khẩu Thanh Thủy. Bên kia là bạn, bên này là mình. Bạn làm cái gì cũng to hơn, từ cái bia chủ quyền đến cánh cổng cửa khẩu. Chỉ con suối chảy qua hai nước là an nhiên, không phân biệt bạn - thù. Dòng sông Lô mùa lũ ngầu nước, hy vọng chiến tranh sẽ đi vào dĩ vãng để dòng sông này không còn là chứng nhân những ký ức khủng khiếp. Tôi đã cảm tác bài thơ Đêm Vị Xuyên:
Nửa đêm muốn thét thật to
Gọi Vị Xuyên, gọi sông Lô, gọi hồn
Chao ôi binh lửa vô thường
Để núi xanh một nỗi buồn chiến tranh.
***
Chúng tôi đã có trọn một đêm ở Vị Xuyên, sau đó đoàn đi thăm các thắng cảnh, di tích lịch sử khác. Cảnh sắc tuyệt vời nhưng phải nói là đường xá qua hiểm trở, phải đi ô tô, nếu trẻ con và phụ nữ thì sẽ rất khó trải nghiệm hết được các địa chỉ cần đến. Không biết ngày nào anh em trong đoàn mới trở lại được Hà Giang?
Qua Đồng Văn, Mèo Vạc, Cao Nguyên đá Đông văn, Nhà Vương..., màu xanh ngút ngàn. Dù thế, vẫn cảm nhận rất rõ đời sống của người dân còn cực khổ quá. Ngô và ngô nối nhau như tít tận đỉnh núi, không còn thứ cây gì khác để có thể nâng tầm kinh tế đồng bào. Dịch vụ du lịch cũng còn manh mún, đơn điệu, đánh mất vẻ ban sơ mà khách ta lẫn Tây vốn rất thích.
Chiều muộn, đoàn ghé Cà phê Phố Cổ (106 tuổi) ở thị trấn Đồng Văn. Tối nay có đoàn lãnh đạo ngành Ngân hàng lên thăm. Bà chủ quán gọi mấy em bé dân tộc lên tập văn nghệ, tập múa để kịp biểu diễn cho khách. Sự non nớt về nghệ thuật của các em làm tôi ái ngại về chất lượng đêm biểu diễn. Nghỉ đêm ở thị trần Mèo Vạc cũng chẳng biết chơi gì, thăm quan gì cho thú vị.
Hà Giang đầy tiềm năng du lịch. Để du lịch địa phương này cất cánh, níu chân được du khách, ngoài các di thắng tuyệt vời thiên nhiên ban tặng, dứt khoát các sản phẩm du lịch của họ phải hấp dẫn, đi vào chuyên nghiệp, có đầu tư chiều sâu.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất