11/09/2015 14:08 GMT+7 | Tennis
(lienminhbng.org) - Nội dung đơn nam US Open 2015 đã đi đến những vòng đấu cuối cùng. Chỉ còn 5 trận đấu nữa và chúng ta sẽ biết được danh tính của nhà vô địch năm nay. Đó là ai?
Hãy cùng nhìn lại chặng đường đã qua và đánh giá về cơ hội vô địch của những tay vợt còn lại của giải đấu (tính đến trước lượt trận đấu đêm qua và sáng nay).
Novak Djokovic (1) – Marin Cilic (9)
Chặng đường tới trận bán kết của Djokovic tương đối bằng phẳng khi những đối thủ khó chịu nhất của anh chỉ là Roberto Bautista Agut và Feliciano Lopez, những người mạnh nhất trên sân đất nện. Mặc dù đã để mất 2 set đấu trước 2 tay vợt người Tây Ban Nha, nhưng Djokovic vẫn thể hiện được bản lĩnh trong những thời khắc quan trọng để giành lấy thắng lợi sau cùng. Với đẳng cấp vượt trội và lịch sử ủng hộ (toàn thắng 13 lần trước Cilic), Djokovic có nhiều cơ hội ghi tên mình vào trận chung kết thứ 6 tại US Open nếu anh duy trì được sự tập trung cần thiết.
Dù vấp phải nhiều hoài nghi nhưng Marin Cilic đã tiến vào bán kết một cách tương đối lặng lẽ. Việc hợp tác với Ivanisevic đã giúp Cilic duy trì được sự ổn định trong cú giao bóng của mình, khiến Cilic trở thành 1 tay vợt khó bị bẻ game giao bóng bậc nhất tại giải năm nay. Đối mặt với Djokovic ở bán kết, Cilic cần phải phát huy được tốt nhất thế mạnh giao bóng của mình, nhất là khi mặt sân Arthur Ashe nhanh hơn ở tuần thứ 2. Nếu Cilic kéo được tay vợt số 1 thế giới đến loạt tie-break set 5, anh hoàn toàn có thể kỳ vọng vào chiến thắng đầu tiên trước Djokovic.
Roger Federer (2) – Richard Gasquet (12)
Federer hiện đang có phong độ vô cùng ấn tượng khi chưa để thua 1 set nào tại giải đấu năm nay. Khả năng giao bóng gần như hoàn hảo của Federer cộng thêm mặt sân nhanh tại US Open là một thách thức rất lớn đối với bất kì tay vợt nào, nhất là khi khả năng trả giao bóng của Gasquet đã đi xuống khá nhiều trong 2 năm gần đây. Sẽ không bất ngờ nếu Federer thắng một cách nhanh chóng để ghi tên mình vào bán kết.
Gasquet, ngoài trận đầu tương đối vất vả trước Kokkinakis, đã chơi ở một đẳng cấp cao hơn hẳn đối thủ của mình ở 3 trận đấu sau đó, đặc biệt ở trận đấu ở vòng 3 khi anh không cho Berdych có một cơ hội để phản kháng. Việc luôn giành chiến thắng trong trận tứ kết Grand Slam cũng sẽ là một cơ sở để tăng thêm niềm tin cho Gasquet. Dù rất khó để thắng được Federer trong thời điểm này, nhưng nếu sử dụng cú trái một tay hoàn hảo hơn, Gasquet hoàn toàn có thể gia tăng số trận thắng cho mình.
Cả Federer và Gasquet đều là những tay vợt toàn diện và có lối đánh đa dạng (all court). Không nghi ngờ gì, đây là cặp đấu hấp dẫn nhất vòng tứ kết và người thắng nhiều khả năng sẽ đi đến trận đấu cuối cùng.
Stan Wawrinka (5) – Kevin Anderson (15)
Kevin Anderson chính là cú sốc lớn nhất của giải đấu năm nay khi anh loại Andy Murray ở vòng 4, người đã có 17 trận thắng liên tiếp trước những đối thủ có chiều cao từ 1m93 trở lên. Trong trận đấu đó, Kevin Anderson không chỉ nguy hiểm ở những pha giao bóng, mà anh còn gây bất ngờ bởi khả năng đeo bám và những cú thuận tay cực nặng trong những loạt bóng bền. Đây mới là lần đầu tiên anh vào tứ kết 1 giải Grand Slam nhưng cơ hội để đi sâu hơn là không hề ít nếu biết rằng Anderson đã toàn thắng cả 4 lần gần nhất gặp Wawrinka.
Tại giải đấu năm nay, Stan Wawrinka đang không tìm được phong độ tốt nhất trong những game trả giao bóng của mình mà có thể lý giải bởi điểm yếu trên mặt sân nhanh của mình. Ngoại trừ trận gặp Donald Young, Wawrinka luôn có ít nhất 1 set tie-break trong 3 trận trước đó (anh toàn thắng cả 5 set tie-break), 1 điều không ổn bởi tie-break chứa đựng khá nhiều yếu tố may rủi. Wawrinka có thể sẽ có lần thứ 2 vào bán kết, nhưng sẽ vô cùng vất vả. Nếu không cải thiện được khả năng trả giao bóng, sẽ rất khó để Wawrinka làm nên chuyện ở giải đấu năm nay.
111 Marin Cilic là tay vợt có nhiều pha giao bóng ăn điểm trực tiếp nhất còn sót lại với 111 cú ace, nhưng Kevin Anderson (94) hoàn toàn có thể vượt qua anh sau khi hoàn thành trận tứ kết với Wawrinka. 7 Djokovic mới 7 lần mắc lỗi kép (double fault) trước khi lọt vào bán kết. Con số này của Cilic là 20, tức là gần gấp ba lần. 191 Số pha đánh hỏng (unforced error) của Wawrinka sau 4 trận, gần gấp đôi so với Djokovic, người đã chơi 5 trận. |
Kim (từ Vương quốc Anh)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất