01/04/2019 05:57 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Taskent sẽ là nơi khởi đầu cho hành trình chinh phục tấm vé dự Olympic 2020 của đội tuyển nữ Việt Nam. Liệu lần này, thầy trò HLV Mai Đức Chung có tạo nên được kỳ tích?
Tại vòng loại Olympic 2020, Việt Nam bắt đầu góp mặt từ giai đoạn hai, khi nằm ở bảng B cùng với Hồng Kông, Jordan, và chủ nhà Uzbekistan. Ba đội nhất bảng sẽ cùng với 5 hạt giống là Australia, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, và Thái Lan dự vòng loại cuối cùng, chọn 2 suất đến Tokyo vào mùa hè sang năm. Nhật Bản đương nhiên đã giành vé với tư cách chủ nhà.
Những nỗ lực bất thành
Lần đầu tiên, đội tuyển nữ Việt Nam tham dự vòng loại Olympic là ở Bắc Kinh 2008. Tại giai đoạn vòng bảng thứ nhất thi đấu tại Bangkok, các học trò của HLV Ngô Lê Bằng đứng thứ nhì bảng B, sau khi thắng Maldives 5-0, Singapore 3-0, và thua Thái Lan 0-1. Ở vòng bảng thứ hai, đá theo thể thức đi về, Việt Nam nằm chung bảng với Thái Lan, Hàn Quốc, và Nhật Bản và xếp cuối sau 6 lượt trận với vỏn vẹn 3 điểm từ trận thắng Thái Lan 1-0 ở Lạch Tray ngày 15/4/2007. Kết thúc vòng loại, Nhật Bản và Triều Tiên giành hai vé dự Olympic, cùng với chủ nhà Trung Quốc.
Bốn năm sau, Việt Nam khởi đầu vòng loại thứ nhất Olympic London 2012 đầy ấn tượng khi đứng đầu bảng A với 10 điểm sau 4 trận (thắng Hồng Kông 4-0, Myanmar 2-0, Thái Lan 2-1, và hòa Đài Loan 1-1). Đội bóng của HLV Trần Vân Phát đã cùng Thái Lan (9 điểm) đi tiếp vào vòng loại thứ hai (5 đội đá vòng tròn ở Amman, Jordan, chọn 1 đội vào vòng loại cuối cùng). Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chúng ta chỉ đứng thứ 3 với 7 điểm (thắng Iran 3-0, Jordan 1-0, hòa Thái Lan 3-3 và thua Uzbekistan 1-2) nên phải dừng bước. Còn Thái Lan đi tiếp vào vòng loại cuối cùng, nhưng thua cả 5 trận và đứng bét bảng. Năm đó, Nhật Bản và Triều Tiên tiếp tục giành vé đến London.
Tại vòng loại Olympic 2016, Việt Nam khởi đầu bằng thất bại 0-1 trước Đài Loan, nhưng sau đó đã giành 3 thắng lợi liên tiếp trước Jordan (2-1), Thái Lan (2-0) và chủ nhà Myanmar (4-2) để đi tiếp với ngôi đầu bảng. Song ở vòng loại cuối cùng, các cô gái Việt Nam đã thua cả 5 trận, ghi được duy nhất 1 bàn và thủng lưới đến 22 lần.
Cơ hội nào cho chúng ta?
Ông Mai Đức Chung chính là người tiếp quản chiếc ghế HLV của ông Norimatsu Takashi và dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam ở vòng loại cuối cùng Olympic 2016. Đó là một kỷ niệm chẳng vui vẻ gì, và nhà cầm quân lão làng này chắc chắn đang rất muốn làm được một điều gì đó ở vòng loại lần này.
Căn cứ vào lịch sử tham dự, cũng như thực lực hiện tại thì đội tuyển nữ Việt Nam không quá khó để vượt qua vòng loại thứ hai Olympic 2020. Trong 4 lần đụng độ Hồng Kông, và 8 lần chạm trán Jordan trong quá khứ, chúng ta đều thắng. Chủ nhà Uzbekistan từng đánh bại Việt Nam 2-1 ở vòng loại Olympic 2012, tuy nhiên, đội bóng này thật ra không quá mạnh.
Nhưng chắc chắn, một HLV thận trọng và giàu kinh nghiệm như ông Mai Đức Chung thì không thể chủ quan, bởi ông thừa hiểu đội bóng của mình vẫn còn những điểm yếu cần khắc phục. Sau chiến thắng 1-0 ở trận giao hữu thứ nhất với Myanmar, tuyển nữ Việt Nam lại thua 2-3 ở trận giao hữu thứ hai trước chính đối thủ này. Điều đáng nói là ở trận đó, Việt Nam đã dẫn trước đến 2-0. Trước những đối thủ đá quyết liệt, các cô gái của chúng ta, đặc biệt là ở hàng phòng ngự đã tỏ ra khá lơi lỏng, mất tập trung, và phải trả giá khá đắt.
Đó là điều cần phải sửa chữa ngay lập tức. Jordan đang rất tiến bộ, và việc toàn thắng cả ba trận vòng bảng thứ nhất trước Indonesia (3-0), Palestine (7-0), và Maldives (6-0) là một minh chứng. Uzbekistan có thể hình trội hơn hẳn Việt Nam, và có lợi thế của nước chủ nhà.
Và nên nhớ, đó mới chỉ là khởi đầu của giấc mơ. Những thách thức sau đó như Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Triều Tiên sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Một số điều cần biết * Các bảng đấu của vòng loại thứ hai (trong ngoặc là thứ hạng FIFA) Bảng A: Myanmar (44), Ấn Độ (60), Indonesia (77), Nepal (102) Bảng B: Việt Nam (37), Uzbekistan (41), Jordan (57), Hồng Kông (76) Bảng C: Đài Loan (42), Iran (58), Philippines (73), Palestine (96) * Các đội giành quyền vào thẳng vòng loại cuối cùng: Australia (8), Triều Tiên (10), Hàn Quốc (15), Trung Quốc (17), Thái Lan (28). * Giành vé với tư cách chủ nhà: Nhật Bản (6) |
Tuấn Cương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất