25/01/2016 13:22 GMT+7 | Tennis
(lienminhbng.org) - Trong 5 set đấu, cứ set nào kéo dài hơn 1 tiếng thì Gilles Simon giành chiến thắng. Và ngược lại, dưới 1 tiếng thì chiến thắng thuộc về Novak Djokovic. Ở set 5 quyết định, khi Djokovic thắng dễ nhất, thì thời gian cũng ngắn nhất, chỉ 42 phút.
1. Đó có thể là sự lý giải cho chìa khoá mang lại chiến thắng cho Djokovic trong trận đấu kéo dài tới 4h32’ ở vòng 4 chiều qua. Và cũng lý giải tại sao Simon không nằm trong Top 20 thế giới và không được coi là ứng viên vô địch, lại đã khiến cho Djokovic cực kỳ vất vả.
Cụ thể hơn, đó chính là sự bền bỉ. Djokovic vốn được đánh giá cao nhất thế giới hiện nay ở khía cạnh này khi mà Nadal sa sút, Murray thiếu ổn định. Nhưng Simon cũng cực kỳ bền bỉ. Thậm chí, anh coi đó là chiến thuật để đánh bại Djokovic.
Khả năng phòng ngự siêu bền của Simon khiến cho Djokovic phải chạm tới giới hạn của sự mạo hiểm. Số 1 thế giới người Serbia phải thực hiện những cú đánh cực khó, và kết quả là: Game cuối cùng là thời khắc “vào tay” nhất, cũng phải có 1 lỗi để cả trận anh có chẵn 100 cú đánh hỏng trong khi chỉ có 62 điểm trực tiếp. Số lỗi đánh hỏng lần lượt qua 5 set là 20, 24 , 14, 29, và 5. Còn Simon chỉ có 68 lỗi đánh hỏng.
2. Trong số 100 lỗi ấy có nhiều những cú bỏ nhỏ bất thành. Một ai đó trên khán đài đã phải gào lên rằng hãy đừng bỏ nhỏ nữa khi Djokovic đang trả lời Jim Courier sau trận đấu. Nó gợi nhớ lại chính Djokovic trước kia, khi sự bền bỉ của đối thủ làm anh nản chí thì anh bắt đầu bỏ nhỏ, dù đôi khi anh còn đứng xa vạch cuối sân hơn.
Trong thế giới tennis nam, Federer xuất sắc nhất ở cú bỏ nhỏ thuận tay, còn Djokovic vượt trội so với tất cả ở những cú ngắt bóng ngắn sau khi làm động tác tưởng chừng như sẽ bung trái hai tay. Nhưng bỏ nhỏ luôn là con dao hai lưỡi, nó chỉ hữu dụng khi tâm lý tốt, và trong thế đang dẫn điểm khá sâu. Vì thế, Djokovic rõ ràng đã có đôi lúc bất ổn về mặt tâm lý.
Sự bất ổn ấy còn bộc lộ qua việc Djokovic đã phản ứng lại các khán giả trên sân Rod Laver đã la ó anh dù rằng đấy là nơi đã từng chứng kiến Djokovic năm lần đăng quang.
Một yếu tố khác nữa của Simon cũng khiến Djokovic gặp khó: Việc luôn giữ bóng nảy thật thấp không cho Djokovic có cơ hội tấn công đè bóng. Các cú trái của Simon cũng tạo ra vô số bất ngờ khi cần phải đánh dọc dây.Nó cho thấy một thực tế: Djokovic chơi trái hay nhất thế giới nhưng khi gặp những người chơi trái xuất sắc thì anh cũng nao núng. Điều này đã được chứng minh qua việc Djokovic từng thua Murray và Wawrinka trong ba trận chung kết Grand Slam, và bị Nishikori đánh bại ở những giải đấu lớn trong vòng hơn ba năm qua. Ở tứ kết, Djokovic sẽ gặp lại Nishikori!
3. Nhưng đây không phải đầu tiên Djokovic gặp trục trặc trên con đường chinh phục các giải Grand Slam. Năm ngoái, ở Wimbledon, Djokovic tưởng như đã có lúc thất bại trước tay vợt có chiều cao hơn 2m Kevin Anderson rồi sau đó thắng qua 5 set. Và ở giải đấu đó, anh vô địch sau khi đánh bại một Federer đã chơi thứ tennis hoàn hảo trong cả 6 trận trước đấy.
Đó là lý do tại sao Djokovic sẽ có 27 trận tứ kết liên tiếp. Dù nó vẫn còn một khoảng cách với kỷ lục 36 trận tứ kết Grand Slam liên tiếp mà Federer từng thiết lập trước kia, nhưng cũng giúp Djokovic ngang bằng với Jimmy Connors ở khía cạnh này.
Và giấc mơ Grand Slam thứ 11 của anh vẫn sống!
Phạm Kỳ Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất