Khởi tố vụ làm cháy nhà Lang: Một 'tiền lệ' tích cực trong xử lý xâm hại nghệ thuật

16/11/2013 08:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày 2/11 vừa qua, ông Phạm Sử (phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình) cho biết cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án làm cháy nhà Lang thuộc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. Có thể xem đây là một “tiền lệ” mang tính tích cực về việc xử lý các vụ xâm hại nghệ thuật mà lâu nay thường gặp khó khăn, hay thả nổi.

Trong thực tiễn đời sống, có một số trường hợp như: trộm chó, ăn cắp xe đạp… kẻ trộm cắp bị đánh đến chết, dù giá trị của vật bị mất không lớn. Một trong những lý do khiến người dân tức giận ra tay là bởi kẻ trộm rất khó bị đưa ra truy tố. Nhưng có những tác phẩm nghệ thuật có giá trị hàng ngàn hay chục ngàn USD bị trộm, cũng khó truy tố, vì nó liên quan tới nhiều vấn đề, trong đó có chuyện định giá và cả tâm lý chung của người Việt: xe, chó là tài sản, tranh pháo thì chưa hẳn.
Tuy nhiên với nhà Lang thì mọi việc có vẻ dễ dàng hơn, bởi làm cháy nhà, gây thiệt hại lớn, bị khởi tố là tất nhiên. Nhưng nhìn từ khía cạnh di sản, nhà Lang được xem là tác phẩm nghệ thuật, vì nó đã rời chức năng của ngôi nhà sinh hoạt đời thường để trở thành ngôi nhà được chiêm ngưỡng, trưng bày trong một không gian mang tính đặc biệt. Theo ông Vũ Đức Hiếu (Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường): “Đây là một thiệt hại nghiêm trọng, không chỉ về giá trị vật chất và tinh thần, mà còn là sự tổn hại của cả nền văn hóa Mường, bởi sự độc nhất của ngôi nhà Lang và các hiện vật là không thể tái hiện”.

Tác phẩm Ba cô gái của danh họa Tôn Thất Đào, 60 x 80 cm, sơn dầu, 1942. Do đa phần tranh lụa bị bảo tàng làm thất lạc, những tranh còn lại, đa phần sơn dầu, do bảo quản sai cách, đã bị hư hại như thế này và hơn nữa


Từ những vụ xâm hại đi vào “ngõ cụt”

Việc các họa sĩ Việt Nam gửi tác phẩm đi triển lãm nội địa và quốc tế rồi bị Ban tổ chức “làm mất” quá phổ biến, chẳng thể nào kể hết cho được. Khoảng cuối thập niên 1970, một bảo tàng đến Huế viết giấy mượn của danh họa Tôn Thất Đào (1910-1979) “một xe lam tranh” (lời kể của cô Liên Phương, dâu trưởng của ông) để triển lãm tại Hà Nội, rồi làm thất lạc toàn bộ. Sau này nhiều tác phẩm mượn hồi ấy được phát hiện rao bán ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, trong khi gia đình vẫn còn giữ giấy mượn tranh, nhưng đành… “chịu sầu”.

Cuối thập niên 1980, khi tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993) đã thành di sản quốc gia, cấm mang ra khỏi Việt Nam, chủ nhân của bộ tranh Sát Thát (4 tấm khổ lớn) của danh họa này, trong khi nhờ 4 xích lô vận chuyển thì một người đi mất, cũng không biết xử lý thế nào. Di sản thì di sản, nhưng khi báo cơ quan chức năng, các cơ quan này lại khá băn khoăn, vì chẳng biết tranh pháo thì ghép vào khung giá trị nào để xử lý. Cho nên đến nay kiệt tác về trận đánh trên sông Bạch Đằng chống Nguyên Mông chỉ còn 3 tấm, mất tấm thứ hai!

Giới điêu khắc còn nhớ trước Tết 2006, 19 tác phẩm đồng của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã không cánh mà bay. Một ủy viên Hội đồng mỹ thuật Quốc gia như ông Bạo, nổi tiếng với nhiều tượng đài của nhà nước, vốn có quan hệ rộng trong giới quản lý, nhưng cũng đành chào thua.

Đầu tháng 4/2007, 139 bức tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007) bị đánh cắp tại nhà riêng ở Đà Lạt. Đây là “24 bức khổ lớn và 115 bức nhỏ (sơn dầu, ký họa, màu nước) vẽ vịnh Hạ Long” - lời của Lưu Công Nhân trước khi mất. Theo giới sưu tập thời bấy giờ thì giá trị vào khoảng 70 đến 100 ngàn USD. Sau một thời gian điều tra, vụ này cũng bị “chìm xuồng”.

Cuối năm 2012, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bị người làm công (vốn nghiện ma túy) trộm 28 hiện vật, trong đó có 10 bức tranh, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng. Công an phường Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM) đã tiến hành điều tra, kết quả bắt được đối tượng, thu hồi lại 7 bức tranh đã bán, mất hẳn 3 bức. Đây có lẽ là một trong những vụ xâm hại nghệ thuật tại Việt Nam xử lý có kết quả khả quan.

Tác phẩm ký họa tại xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đề ngày 19/11/1959. Nếu xét riêng góc độ màu nước (còn gọi thuốc nước) thì Lưu Công Nhân là bậc thầy của mỹ thuật Việt Nam. Những tranh này thường có khổ A4 và A3, lại có giá khá cao, nên luôn bị dòm ngó. Ngay trên “thị trường cá độ” bóng đá, chuyện dùng tranh thuốc nước thập niên 1960 của Lưu Công Nhân để chung độ là chuyện đã từng gặp vài lần

Định giá nghệ thuật không dễ

Hiện nay, tại nhiều nước phát triển thì việc định giá nghệ thuật đã là công việc bình thường, nó có cơ quan chuyên môn phụ trách và được liên kết chặt chẽ của bảo hiểm, nhà đấu giá, ngân hàng… Việt Nam chưa đến giai đoạn này, nên việc thiếu vắng các tổ chức chuyên trách này cũng là chuyện bình thường.

Như TT&VH đã đưa tin, chính quyền Đức vừa công bố việc phát hiện gần 1.500 bức tranh quý (vốn bị phát -xít Đức cướp), được định giá khoảng 1 tỷ euro (1,3 tỷ USD). Sở dĩ làm được điều này nhanh chóng vì đây là kết quả liên ngành của nhiều tổ chức chuyên môn, trong đó có các sử gia nghệ thuật, tổ chức định giá, nhà đấu giá và các bảo tàng.

Tháng 4/2011, như TT&VH từng đề cập chi tiết, Thanh tra Sở VH,TT&DL Hà Nội đã xử phạt phòng tranh Viet Fine Arts (Hà Nội) về hành vi “xâm phạm quyền phân phối dưới hình thức bán tác phẩm” với số tiền là 2 triệu đồng. Việc xử lý kịp thời này đã làm cho giới họa sĩ và công chúng xa gần hài lòng. Tuy nhiên, theo họa sĩ Văn Thơ thì nguyên tác Ông công nhân già có giá gốc là 1.900 USD, nhưng khi làm giả tác phẩm này chỉ bị xử phạt 2 triệu đồng là quá nhẹ. Đây cũng là khó khăn chung trong việc định giá nghệ thuật, nên không thể trách cơ quan thanh tra.

Nhà Lang hơn 100 năm, được cho là nguyên bản và duy nhất còn lại của người Mường, bên trong chứa gần 200 hiện vật, qua vụ cháy bị hư hỏng nặng, nhiều hiện vật chẳng thể phục hồi được, dù được đền bù thật nhiều tiền. Trong thông cáo báo chí, về định giá, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường viết: “Để hết sức khách quan, chúng tôi đang xúc tiến đề nghị thành lập một hội đồng khoa học nhằm định giá thiệt hại về hiện vật và kiến trúc của ngôi nhà Lang. Đứng đầu của hội đồng này là các chuyên gia như tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nhà sử học Dương Trung Quốc…, là các cố vấn uy tín lâu năm, từng hợp tác với bảo tàng”. Việc làm này được, dù không thỏa đáng và thật khó khách quan, nhưng do thiếu tổ chức thẩm định và định giá, nên thật khó để mà chu toàn.

Cho nên, từ việc lập Hội đồng định giá và khởi tố vụ làm cháy nhà Lang, nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật, thì Việt Nam đã mở thêm được tiền lệ để xử lý các vụ xâm hại nghệ thuật. Điều này cũng sẽ thành cơ sở để trong tương lai gần Việt Nam kiện toàn hơn các tổ chức thẩm định, định giá nghệ thuật, nhằm xử lý một cách ưu việt nhất các vụ xâm hại nghệ thuật. Chính những tổ chức này sẽ giúp đẩy lùi nạn tranh giả vẫn đang tràn ngập, giúp lấy lại uy tín và nâng giá bán cho tranh nghệ thuật Việt Nam.

Việc lập Hội đồng định giá và khởi tố vụ làm cháy nhà Lang, nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật, thì Việt Nam đã tạo được tiền lệ để xử lý các vụ xâm hại nghệ thuật. Điều này cũng sẽ thành cơ sở để trong tương lai gần Việt Nam kiện toàn hơn các tổ chức thẩm định, định giá nghệ thuật, nhằm xử lý một cách ưu việt nhất các vụ xâm hại nghệ thuật. Chính những tổ chức này sẽ giúp đẩy lùi nạn tranh giả vẫn đang tràn ngập, giúp lấy lại uy tín và nâng giá bán cho tranh nghệ thuật Việt Nam. Tác phẩm ký họa tại xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đề ngày 19/11/1959. Nếu xét riêng góc độ màu nước (còn gọi thuốc nước) thì Lưu Công Nhân là bậc thầy của mỹ thuật Việt Nam. Những tranh này thường có khổ A4 và A3, lại có giá khá cao, nên luôn bị dòm ngó. Ngay trên “thị trường cá độ” bóng đá, chuyện dùng tranh thuốc nước thập niên 1960 của Lưu Công Nhân để chung độ là chuyện đã từng gặp vài lần



VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm