Thanh Hóa: Nhân giống thành công 7.600 cây rau Sắng quý

09/07/2020 15:48 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Với mục tiêu bảo tồn nguồn gen nguyên trạng và nâng cao nhận thức cho 1.700 người dân sống trong vùng lõi và vùng đệm về việc bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đã thực hiện thành công Dự án khoa học “Bảo tồn và phát triển loài rau Sắng (Melientha suavis Pierre) quý tại Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2017-2020)”.

Thanh Hóa: Ngăn chặn sự xâm lấn của cây Mai Dương tại Vườn Quốc gia Bến En

Thanh Hóa: Ngăn chặn sự xâm lấn của cây Mai Dương tại Vườn Quốc gia Bến En

Để ngăn chặn sự xâm lấn của loài thực vậy Mai Dương, bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy chức năng tổng hợp của hồ sông Mực, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện dự án khoa học Áp dụng biện pháp hóa, sinh học để ngăn chặn sự xâm lấn của cây Mai Dương (Mimosa pigra L.) trên khu vực lòng hồ sông Mực, Vườn Quốc gia Bến En, giai đoạn 2017-2020).

Tính đến tháng 7/2020, Dự án đã dùng 250 kg hạt để nhân giống thành công 7.600 cây rau Sắng quý và trồng mô hình được 5,3 ha. Qua đó, xây dựng được bản hướng dẫn kỹ thuật tạo giống rau Sắng từ hạt và kỹ thuật trồng, chăm sóc phát triển loài rau Sắng, góp phần giúp nhân dân nâng cao thu nhập từ trồng loài cây này.

Theo ông Nguyễn Đình Hiếu - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En: Sau 3 năm triển khai Dự án, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đã điều tra, phát hiện loài rau Sắng phân bố tập trung ở khu vực núi đá vôi tại nơi có độ cao từ 120-400 m thuộc các tiểu khu 610, 616, 617, 619, 620, 628 và 633, mật độ các trạng thái rừng nơi có rau từ 11-19 cây/ha. Đặc biệt, loài cây này có 6 mối đe dọa ảnh hưởng đến loài rau Sắng, trong đó xâm lấn đất rừng là mối đe dọa lớn nhất.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En cũng đã xây dựng 7 bộ hồ sơ quản lý loài rau Sắng tại các tiểu khu để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ loài, tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền giáo dục người dân, ký cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ loài rau Sắng tại 20 thôn vùng lõi và vùng giáp ranh, xây dựng được 1 phóng sự ảnh giới thiệu về loài rau Sắng; đồng thời, in 1.000 poster cấp phát cho người dân, tổ chức trên địa bàn vùng đệm thông tin về loài rau Sắng phục vụ cho công tác tuyên truyền nhằm phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Chú thích ảnh
Nhân giống cây rau Sắng tại Vườn Quốc gia Bến En. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Hiện Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ kinh phí để theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh tế loài rau Sắng; thực hiện duy trì các hoạt động giám sát, bảo tồn loài rau Sắng trên các tuyến điều tra, ô định vị, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng nói chung và diễn biến của loài rau Sắng nói riêng, tiếp tục chăm sóc bảo vệ 5 ha rừng trồng và 0,3 ha vườn thử nghiệm sản xuất rau; hỗ trợ triển khai xây dựng các mô hình bảo tồn nông trại tại khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En để sản xuất loài rau Sắng.

Theo kết quả nghiên cứu của Vườn Quốc gia Bến En, cây rau Sắng mọc trong rừng tự nhiên, thân cây to, vỏ cây dày, gỗ trắng, cành và lá non màu lục có vị ngọt mì chính, quả khi chín màu vàng có một hạt xơ trắng, ăn được, có vị béo, ngọt. Đây là loài cây ưa mát mẻ, sinh trưởng ở các vùng đất gần các lèn đá trong các thung lũng núi đá vôi, cây có khả năng ra chồi mạnh vào mùa xuân, hè, chậm về mùa thu và ngừng phát triển vào mùa đông.

Chú thích ảnh
Hạt rau sắng nảy mầm tại Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: TTXVN

Trên thế giới, cây rau Sắng thường mọc tại các nước: Thái Lan, Lào, Malaysia, còn ở Việt Nam cây mọc phổ biến ở rừng ven suối thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, cây rau Sắng thường mọc tại Vườn Quốc gia Bến En.

Loài cây này có công dụng quý, lá non và các đọt thân của rau Sắng thường được sử dụng làm thực phẩm nấu canh, hạt dùng ninh với xương thành canh, chùm hoa quả non cùng với các đọt thân của rau Sắng được dùng để xào với thịt bò. Ngoài ra, rau Sắng còn được coi như là một loài cây dược liệu, cây có chứa một lượng lớn các a xít amin không thay thế, có vai trò rất lớn trong quá trình sinh, tổng hợp protein của cơ thể, rễ của loài rau Sắng thường được người dân sử dụng làm thuốc trị sán.

Nguyễn Nam/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm