Thành Lương: Một cánh én không làm nên mùa Xuân

07/11/2011 11:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - “Hay thật, tôi như vừa được xem thần tượng Messi của mình chơi bóng, ngay tại Gelora Bung Karno này. Cầu thủ đeo áo số 19 đấy!”, Boby, gương mặt quen thuộc vốn là tổng quản SVĐ QG Indonesia, thành viên BTC SEA Games 26, một fan ruột của Barcelona và Leo Messi hồ hởi với chúng tôi sau trận U23 VN thắng U23 Philippines 3-1.

Không phải Hoàng Thiên, cũng chẳng là Văn Quyết, tác giả của những bàn thắng vào lưới U23 Philippines, nếu phải tìm một cái tên nào chơi ấn tượng nhất trong đội hình U23 VN sau 2 lượt trận đầu tiên bảng B môn bóng đá SEA Games 26, đó phải là Phạm Thành Lương.

Là cầu thủ chơi hay nhất của U23 VN hiện tại nhưng Thành Lương cũng chưa thể giúp đội bóng tiến lên một cách mạnh mẽ. Ảnh: Quốc Khánh

Thân làm tiểu tướng

Tính rằng, trong tổng số 12 lần dứt điểm cầu môn U23 Philippines, Thành Lương là tác giả của 7 đường chuyền dọn cỗ, để những Văn Thắng, Văn Quyết, rồi Trọng Hoàng… ra chân. Sự thật là mọi đường lên bóng của U23 VN gần như đều qua chân Thành Lương, dù anh không chơi tiền vệ tổ chức. Bản thân pha ghi bàn của Văn Quyết vào cuối trận, cũng bắt đầu từ miếng phối hợp 1, 2 với Thành Lương và tiền vệ đeo áo số 19 của U23 VN chính là người tỉa đường bóng cuối cùng để Quyết băng xuống, trước khi làm động tác giả qua người và cứa lòng.

Hết bám biên trái, rồi qua phải, rồi lại bó vào trung tâm (như nửa cuối hiệp 2 trận hòa không bàn thắng với U23 Myanmar), có thời điểm Thành Lương còn lùi sâu về tận phần sân nhà tham gia phòng ngự…, đội trưởng U23 VN chạy như một cái máy. Lương đã hoạt động hết công suất và đã có thời điểm anh đuối sức. Đó là khi Lương đứng chôn chân trong khu vực cấm địa của U23 Philippines sau cú bứt tốc và dứt điểm không thành bàn; là pha rướn người tranh chấp và dính cú tắc bóng của đối thủ, sau đường chuyền xẻ nách xuống của Văn Bình ở hiệp một trận gặp U23 Myanmar…

Không một lời oan thán, quát tháo kiểu tự phụ, sau hàng loạt những đường chuyền ngon ăn của mình nhưng đồng đội làm hỏng, Lương vẫn miệt mài như một con ong thợ; không yếu đuối, ủy mị, khi đội bóng bị (U23 Myanmar) cầm chân một cách uất ức, Thành Lương kéo tay đồng đội vẫy chào ít ỏi những khán giả trung thành đã sát cánh cùng đội bóng tìm đến tận Lebak Bulus xa xôi… Cũng ở Lebak Bulus này, Lương đã phải nén đau (chấn thương cơ đầu đùi của Thành Lương vẫn chưa bình phục và anh liên tục phải chườm đá sau các buổi tập) để xung trận.

Lương ý thức được trọng trách của một người đội trưởng, của đầu tàu, và nếu mình gục ngã, hệ lụy kéo theo là cực lớn.

Nhưng một con én không làm nên mùa Xuân

“Tốt lắm Lương! Hỏng thì làm lại. Cố lên em…”, đấy là những lời động viên từ ngoài đường piste của thầy Hùng, thầy Sỹ. Và Lương lại chạy, chân thấp chân cao với vẻ khắc khổ, lại cầm bóng đột phá và lại chuyền như đặt cho đồng đội có cơ hội ghi bàn. Không biết bao nhiêu lần Lương đã lặp lại điều đó. Tuy nhiên, bàn thắng cứ luôn lần lượt ngoảnh mặt. Đỉnh cao của sự bất lực ấy phải kể đến 90 phút trận hòa trong thế hơn người trước U23 Myanmar, trận đấu mà Thành Lương là cầu thủ hiếm hoi gây được chút tiếng ồ, cũng như tạo ra các cơ hội nguy hiểm thực sự.

Bóng đá là môn chơi tập thể và đó là lý do khiến HLV Goetz rút Hoàng Thiên rời sân sau chỉ hơn 10 phút tiền đạo này có mặt, để nhường chỗ cho Thanh Trung (vẫn trận hòa Myanmar). Tất nhiên, “môn chơi tập thể” và cả cái khái niệm về nó, không phải do ông Goetz phát minh ra. Vậy một cánh én như Thành Lương, liệu có thể làm được gì?! Là những tiếng ồ và tiếc nuối. Hết! Đó là bản chất của U23 VN sau 2 trận đấu đầu tiên ở xứ vạn đảo. Đội bóng thiếu đối tác làm kẻ tung người hứng với Lương, hay sự sắp xếp chưa thật hợp lý của HLV Goetz?!

Hỏi mà như đã trả lời rồi!

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm