11/12/2017 10:00 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Chiều 10/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Thanh niên là lực lượng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và thực tế đã có rất nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời giải đáp nhiều câu hỏi của các đoàn viên xung quanh vấn đề khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đề cập đến vấn đề nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chương trình được chia làm 2 giai đoạn: 2010 – 2015 và 2016 – 2020. Kết thúc giai đoạn một đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, hoàn thành 17,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người dân tăng 1,85 lần; đồng thời hoàn thiện hệ thống thiết chế hạ tầng, diện mạo nông thôn được cải thiện.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bất cập, vướng mắc nổi lên; trong đó khoảng cách vùng, miền đã giãn ra. Nếu không khắc phục điều này thì mục tiêu rút ngắn khoảng cách vùng, miền sẽ không thực hiện được. Đặc biệt, nguồn lực dành cho nông thôn mới cũng là vấn đề nan giải. Tất cả cần phải xử lý kịp thời, nếu không sẽ tạo ra sự không công bằng, kìm hãm sự phát triển...
Tại diễn đàn, anh “Sang Đà Lạt” (Phan Thanh Sang), một tấm gương điển hình và gặt hái nhiều thành công trong nuôi trồng hoa lan đã nêu lên nhiều bất cập khó khăn, kiến nghị cần phải tháo gỡ. Viện dẫn câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” quen thuộc, nhưng theo anh đến giờ vấn đề quan trọng nhất phải là con giống, cần được quan tâm nhiều hơn.
Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ cao, vốn rất quan trọng và cũng cần rất nhiều kinh phí. Tháo gỡ điều này, anh “Sang Đà Lạt” kiến nghị phía ngân hàng tạo điều kiện trong việc vay vốn, đặc biệt nên cho thế chấp tài sản trên đất để vay vốn.
Bí thư Đoàn huyện Bát Xát (Lào Cai) - Vương Mạnh Phú đặt câu hỏi liên quan đến cơ chế, tín dụng, chính sách hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp cũng như các mô hình kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Lào Cai là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình chia cắt, còn nhiều khó khăn, nhưng có nhiều mô hình nông nghiệp rất thành công. Bộ trưởng Cường cũng cung cấp địa chỉ các mô hình nông nghiệp trên để thanh niên trên địa bàn đến học tập. "Nhưng, khát vọng của thanh niên là số 1 bởi vùng, miền nào cũng có lợi thế, khó khăn và phải tận dụng tối đa thế mạnh mình có; đồng thời phải liên kết sản xuất..." - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến câu hỏi của Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh về làm thế nào để phát huy lợi thế dựa vào kinh tế biển, khởi nghiệp từ biển. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, thuỷ sản là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhất, tuy nhiên hiện nay khai thác trên biển đang gặp nhiều khó khăn. Lâu nay, quan niệm của ngư dân vẫn theo kiểu đánh bắt tự do, không kiểm soát và quản lý chưa chặt chẽ.
Trong khi dó, các nước trên thế giới kiểm soát khai thác theo hạn ngạch. Điều này nước ta chưa làm đc và mới đây Liên minh châu Âu đã rút thẻ vàng với Việt Nam. "Nếu không thay đổi hình thức khác có trách nhiệm thì các thị trường trên thế giới sẽ tẩy chay sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Đến ngày 23/4/2018 nếu chúng ta không cải thiện được các khuyến nghị của Liên minh châu Âu thì nguy cơ bị rút thẻ đỏ là hiện hữu. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ chấm dứt xuất khẩu thủy sản vào EU" - Thứ trưởng Tám nói.
Qua đó, Thứ trưởng Tám kêu gọi các bạn trẻ cùng ngành nông nghiệp triển khai tốt Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, đối với các địa phương ven biển cần tập trung khai thác xa bờ, hạn chế khai thác gần bờ. Hay nuôi trồng hải sản xa bờ ngoài 67 hải lý, như mô hình rất hiện quả tại Kiên Giang rồi mô hình nuôi tôm trên đất cát tại Hà Tĩnh đang cho hiệu quả cao...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2018 cả nước có ít nhất 37% số xã (khoảng 3.302 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017; có ít nhất 48 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 8 - 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 100 xã.
Thành Trung
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất