Sao Việt chạy show quảng cáo: Không có gì phải ầm ĩ

20/03/2015 18:38 GMT+7 | Bóng đá Việt

 (lienminhbng.org) - Thực ra thì chẳng cần phải tới lúc bóng đá Việt lên chuyên, câu chuyện về giới quần đùi, áo số đi đóng quảng cáo mới được nhắc đến. Lý do thì đơn giản, bởi đã từ lâu, các nhà kinh doanh đã nhìn thấy "mỏ vàng" từ thể thao lẫn bóng đá, khi mà dân trong nghề vẫn còn mù tịt với khái niệm "thương hiệu" lẫn "hình ảnh".

 Thời điểm bắt đầu gắn giới thể thao và quảng cáo là vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Thể thao Việt Nam vươn lên tầm khu vực, còn bóng đá cũng tạo nên cơn sốt mới với các tấm HCB SEA Games 1995, HCB Tiger Cup 1998...

 Và người đi tiên phong không ai khác là tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn, ngôi sao sáng nhất trong thế hệ Vàng đầu tiên của bóng đá Việt. "Thật đấy!" - Câu quảng cáo chỉ với hai từ này từng một thời không chỉ khiến người lớn còn phải dán mắt vào cái tivi để xem Sơn "công chúa" quảng cáo cho 1 hãng dầu gội đầu mà còn được vô số các ông bố, bà mẹ thu vào băng để... dỗ con ăn cháo!



Văn Quyến (giữa) từng là "cậu bé vàng quảng cáo" của bóng đá Việt Nam

Thế hệ Vàng khi ấy được tận dụng tối đa cho việc chạy show quảng cáo, nhưng nếu để ý kỹ, thì chỉ có vài người là "bán" được thương hiệu cá nhân, còn lại là phải làm "nghĩa vụ" cho đội tuyển, Liên đoàn, đơn vị chủ quản. Vậy nên thời đó mới có đoạn quảng cáo mà sau này báo giới vẫn nhắc, đó là vụ hậu vệ Hữu Thắng cùng 3 đồng đội trong đội tuyển quốc gia đóng quảng cáo cho hãng dầu nhớt với hình ảnh "tay cầm bình dầu" đứng ở các cây xăng. Hay Huỳnh Đức lên TV quảng cáo cao dán trị thương với người đẹp Ngọc Ánh.

Còn gương mặt bùng nổ nhất cho trào lưu này phải là "cậu bé Vàng" Phạm Văn Quyến với bản hợp đồng là thương hiệu độc quyền, thậm chí là đại sứ cho hãng nước ngọt lớn vào đầu những năm 2000. Lúc này đã khác, việc đi đóng quảng cáo đã trở thành nguồn thu lớn cho giới thể thao mà "thằng béo" là số 1. Sau SEA Games 2003, chỉ riêng hợp đồng quảng cáo của Văn Quyến với một hãng điện tử đã có trị giá tới 13.000 USD, trong đó có 10.000 USD là tiền mặt! Số tiền chẳng hề nhỏ ở thời điểm 10 năm trước.

Mà không chỉ cầu thủ, các HLV ngoại, những người gắn tên tuổi của mình với thành tích đội tuyển cũng là "hàng hot" cho doanh nghiệp gắn sản phẩm của mình vào thời kỳ đầu.  HLV Riedl quảng cáo cho một cửa hàng điện tử bằng cách ký tên lên nồi cơm điện. Ông thày Calisto cũng gây sóng gió với VFF khi làm đại sứ cho hãng bia liên doanh có trụ sở tại Bình Dương với hợp đồng kéo dài 12 tháng cùng hình ảnh quảng cáo cho bia. Hay hình ảnh đội tuyển cùng vị HLV người Bồ Đào Nha cùng đội tuyển giành Cúp Vàng AFF 2008 xuất hiện trên những viên gạch bông cũng gây nhiều tranh cãi.

Dĩ nhiên, sau này khi mà dân thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cũng đã sâu hơn về "thương hiệu", "bản quyền" thì chuyện quảng cáo không còn bị xem nhẹ mà trở thành nguồn thu lớn thời xã hội hóa.

Với VFF, thương hiệu của từ giải đấu mà điển hình là V-League tới các đội tuyển quốc gia là "món hàng" đắt giá nhất, mang tới nguồn thu lớn nhất. Ngay ở các đội bóng với trào lưu doanh nghiệp hóa, cũng trở thành công cụ PR của sản phẩm của doanh nghiệp. Với các cầu thủ ngoài nghĩa vụ làm "quảng cáo" cho đội tuyển, CLB, thì nhiều ngôi sao cũng biết tận dụng tối đa tên tuổi cùng mình để kiếm thêm những nguồn thu không nhỏ.

Vậy nên chuyện cầu thủ hay VĐV nổi tiếng đi làm quảng cáo đã không còn là chuyện lạ mà gần nhất là chuyện Công Phượng gắn mình với... bia, hay lứa U19 xuất hiện trong sản phẩm phụ của một công ty dinh dưỡng, hay kể cả HLV trưởng người Nhật Miura tranh thủ thực hiện hợp đồng quảng cáo cho một nhãn hàng thời trang thể thao với mục đích từ thiện.

Xây dựng hình ảnh, thương hiệu và qua đó có thêm nguồn thu, đó là câu chuyện hết sức bình thường với giới thể thao, nhưng xét cho cùng cũng là con dao 2 lưỡi nếu chuyện quảng cáo bị biến thành "công cụ", thậm chí là phản cảm, tác dụng ngược. Lúc đó thì rộn ràng thật!

V.M

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm