16/08/2019 08:33 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, thành phố Panama, thủ đô của đất nước cùng tên và là khu định cư đầu tiên của người Tây Ban Nha dọc bờ biển Thái Bình Dương châu Mỹ, đã mừng “sinh nhật” 500 tuổi của mình 15/8/1519 - 15/8/2019, với một chiếc bánh ngọt khổng lồ đủ cho 4.500 người ăn.
Chiếc bánh ngọt này dài 3,63m, rộng 2m và cao 2,5m, mang hương vị vani, sôcôla và nhân sữa kem, được gần 100 đầu bếp chế tác từ 2,2 tấn bột mỳ cùng các nguyên liệu phụ khác, mô phỏng theo hình ảnh của Quần thể di sản Panama cổ, nơi được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới năm 2003 và một trong những điểm đến biểu tượng nhất của thành phố 500 năm tuổi.
Ban đầu, chiếc bánh này dự kiến được đặt tại chính di tích khảo cổ trên, nhưng cơn mưa lớn đúng trong ngày kỷ niệm đã buộc các nhà tổ chức phải đặt “công trình” độc đáo này trong một lều tạm lớn.
Lễ kỷ niệm thành phố Panama tròn 500 tuổi bao gồm các cuộc diễu hành và trình diễn nghệ thuật tại nhiều địa điểm công cộng của thành phố, đặc biệt là tại các bến của hệ thống tầu điện ngầm duy nhất tại Trung Mỹ.
Ngày 15/8/1519, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Pedro Arias Dávila thành lập Panama, ban đầu với chức năng là xuất phát điểm cho các cuộc viễn chinh của người Tây Ban Nha tại “Tân Thế giới” và là nơi tập kết vàng khai thác được từ Peru để chuyên chở đường bộ bằng la tới hải cảng Portobelo để đưa về mẫu quốc tại châu Âu.
Năm 1671, thành phố bị tên cướp biển lừng danh người Anh Henry Morgan phá hủy sau một trận công kích và các quan chức thành phố quyết định di chuyển về phía Tây Nam 10km và xây dựng lại các khu định cư có tường thành bảo vệ, với kiến trúc thời thuộc địa đặc trưng mà ngày nay được biết tới như khu phố cổ.
Do vậy, thành phố Panama hiện tại gồm 3 khu vực đô thị với 3 kiểu kiến trúc đặc trưng là khu vực thời Columbus, khu vực thời thuộc địa và khu hiện đại.
Sau nửa thiên niên kỷ phát triển, giờ đây Panama là nơi sinh sống của 1,5 triệu dân, tương đương 40% dân số của “đất nước Kênh đào”, nơi có sân bay trung chuyển và khu thương mại phi thuế quan lớn nhất khu vực Trung Mỹ và là cửa ngõ vào phía Thái Bình Dương của Kênh đào Panama, nơi lưu thông của 6% lượng hàng hóa thương mại toàn cầu.
Lê Hà/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất