Thanh tra phát hiện vi phạm hơn 67 nghìn tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 114 vụ

16/01/2018 15:54 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngày 16/1, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát hiện vi phạm hơn 67 nghìn tỷ đồng, chuyển điều tra 114 vụ

Năm 2017, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm (phát hiện, xử lý vi phạm hơn 67 nghìn tỷ đồng, trên 17 ngàn ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính trên 2 ngàn tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 114 vụ việc). Từ đó góp phần chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý nhà nước và ban hành chính sách, pháp luật…

Chú thích ảnh
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trao Bằng khen của Thủ thướng Chính phủ cho các cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong công tác. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Ngành Thanh tra đã phát huy vai trò tham mưu triển khai thực hiện tốt các giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức tiếp 415.383 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 306.519 đơn thư; tham mưu giải quyết 25.519/30.324 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; đồng thời, tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người; qua đó góp phần giải quyết nhiều vụ việc bức xúc và bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Ngành Thanh tra tiếp tục tham mưu các ngành, các cấp triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng (nhất là kê khai tài sản, thu nhập); đã phát hiện được 72 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng; chủ động thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thanh tra

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chia sẻ với những khó khăn, ghi nhận sự nỗ lực, biểu dương những kết quả công tác năm 2017 của ngành Thanh tra.

Phó Thủ tướng đánh giá ngành Thanh tra có những tiến bộ nhất định và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Việc ban hành kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm, đặc biệt là các cuộc thanh tra đột xuất, được dư luận quan tâm; việc quản lý các đoàn thanh tra còn chưa chặt chẽ, có dư luận về việc thiếu công khai minh bạch ở một số đoàn thanh tra; chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, xử lý vi phạm chưa kịp thời, nghiêm minh (nhất là xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức vi phạm); số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự còn ít; kết quả xử lý sau thanh tra, thu hồi tiền và tài sản về cho nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn nhiều hạn chế. Số vụ khiếu nại có xu hướng giảm, nhưng khiếu nại đông người lại tăng 10,2% so với năm 2016. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân của các bộ, ngành và phần lớn ở các địa phương còn kéo dài, không dứt điểm; có vụ việc giải quyết chưa đúng, chưa thấu tình đạt lý, công dân không đồng tình về hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ giải quyết còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra (dưới 85%).

Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chưa quyết liệt và hiệu quả chưa cao; kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn hạn chế.

"Trong một số trường hợp cụ thể cho thấy: còn có biểu hiện thiếu bản lĩnh, chưa kiên quyết, có trường hợp chưa dám đương đầu đấu tranh chống tham nhũng, chưa có giải pháp triệt để thu hồi tài sản tham nhũng về cho Nhà nước. Việc phát hiện và xử lý vi phạm qua thanh tra ở các tỉnh, đặc biệt ở các tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, diễn ra nhiều hoạt động tài nguyên khoáng sản, chuyển đổi đất công chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Thanh tra phát hiện ra các vụ tiêu cực chủ yếu tập trung ở các đoàn thanh tra của các bộ, ngành ở cấp Trung ương; còn ở cấp địa phương thì chuyển biến rất chậm" - Phó Thủ tướng lưu ý.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tập trung triển khai công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án, luật được giao chủ trì soạn thảo; đồng thời, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để khắc phục sơ hở trong công tác quản lý.

"Công tác này đòi hỏi Thanh tra Chính phủ phải tích cực, chủ động, phối hợp tốt với các Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các bộ, ban, ngành có liên quan để hoàn thiện thể chế. Đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương và địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật và công tác hoạt động của ngành thanh tra" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngành Thanh tra triển khai thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, trong thực thi pháp luật; đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc, tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; tập trung khắc phục việc chậm ban hành kết luật thanh tra, xử lý các vi phạm thông qua thanh tra.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra phải làm hết chức năng, quyền hạn, thẩm quyền của mình được quy định trong pháp luật về việc yêu cầu kê biên tài sản, yêu cầu kê biên tài khoản, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xuất trình tài liệu, giải trình; có biện pháp cá thể hóa trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, kể cả người đứng đầu.

"Thời gian qua, ngành Thanh tra đã chưa kiên quyết, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, còn nể nang, có dư luận về bao che, tiêu cực" - Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, cấp ủy trong làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân tại các bộ, ngành, địa phương. "Nếu không thực hiện tốt thì phải có kiểm điểm, xử lý. Thực trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, gây bức xúc sau khi xem xét thì thấy nhiều trường hợp nguyên nhân là do cấp địa phương giải quyết chưa tốt, chưa thấu tình, đạt lý, thậm chí có trường hợp có lợi ích nhóm chi phối, vi phạm pháp luật" - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trong thời gian tới, ngành Thanh tra cần tập trung triển khai, phối hợp xử lý, giải quyết 463 vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố; phấn đấu xử lý triệt để các khiếu nại tồn đọng, phấn đấu trên 85% vụ.

Đồng thời, ngành Thanh tra tiếp tục chú trọng công tác xây dựng lực lượng thanh tra, đặc biệt là công tác cán bộ vì đây là gốc của mọi vấn đề. Toàn ngành phải thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc, ứng xử văn hóa; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm các cán bộ có vi phạm, thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra; có cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động các đoàn thanh tra; đổi mới phương thức tuyển chọn, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, công chức ngành thanh tra đúng năng lực, đúng quy định; có biện pháp chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, giải quyết tình trạng đơn thư tố cáo trong nội bộ.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm của Bộ Giáo dục

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm của Bộ Giáo dục

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên công tác thanh, kiểm tra việc giao biên chế sự nghiệp giáo dục để kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng và đủ quy định pháp luật.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm