10/05/2018 06:59 GMT+7
(lienminhbng.org) - Dư luận đang quan tâm tới lá thư ngỏ với nội dung xin lỗi, được thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Marie Curie, Hà Nội) gửi tới toàn bộ các học sinh trong trường. Ngày 6/5 trước đó, do phun thuốc diệt muỗi, một số học sinh của trường bị nổi mẩn ngứa, dị ứng.
Lá thư có đoạn: “Sự cố phun thuốc diệt muỗi lần này là bài học lớn cho nhà trường! Sự an toàn của học sinh mỗi khi đến trường là nhiệm vụ quan trọng nhất! Bài học kinh nghiệm lần này giúp chúng tôi chăm sóc học sinh tốt hơn nữa... Tôi cúi đầu xin lỗi quý vị cha mẹ của các con gặp sự cố sức khỏe hôm nay. Tôi xin được chia sẻ trách nhiệm trước sức khỏe của các con. Mong quý vị tha lỗi! Tôi vô cùng cảm ơn!”.
Trước đó một chút, ngày 5/5, thầy Lê Minh V. (Trường THCS Lợi An 2, Cà Mau) cũng xin lỗi một nữ học sinh 14 tuổi do lỡ nói lời khiếm nhã về em. Song song với quãng thời gian ấy, cô Nguyễn Thị Kim Tuyến, (Giám đốc MST English, Hà Nội) cũng lên tiếng nhờ báo giới gửi lời xin lỗi một học viên của mình, sau khi gọi cậu ta bằng cụm từ “óc lợn”.
Cả 3 lời xin lỗi ấy diễn ra dồn dập trong vài ngày và được cộng đồng mạng cùng báo giới bàn luận dưới nhiều góc độ khác. Ngoài trường hợp cô Tuyến, vốn gây bức xúc lớn với dư luận, đa số ý kiến khen ngợi thái độ nhận lỗi và biết xin lỗi của thầy cô đối với học sinh. Có lẽ trong cảm tưởng lâu nay, chỉ có trò mới phải nhận lỗi và xin lỗi.
Thật ra trong quy định về lễ nghi học sĩ từ thời phong kiến, việc thầy xin lỗi trò là không hề xa lạ. Bởi người bình thường với nhau còn dễ dàng xin lỗi, đạo thầy trò - vốn là một đại diện cao đẹp cho lễ nghĩa - thì việc xin lỗi có gì mà khó. Đáng lý thầy với trò còn phải làm gương cho cuộc sống, thầy xin lỗi trò, trò xin lỗi thầy có gì mà ngại.
Thời nhà Nguyễn, có lần trò Ưng Lịch không thuộc bài, thầy Nguyễn Doãn Cử đã phạt đòn thẳng tay, đúng quy củ, phép tắc của lớp học. Nhưng sau đó, thầy Cử đã dâng thư nhận lỗi, xin cáo quan lui về quê nhà ở Thái Bình. Bởi trò Ưng Lịch có dòng dõi hoàng tộc, đánh vương tôn là bị trọng tội. Khi biết chuyện này, vua Tự Đức lại sai người mang thêm roi đến để nhờ thầy nghiêm trị Ưng Lịch, một vương tôn vốn ham chơi, ngỗ ngược. Nhờ tầm nhìn của vua Tự Đức và sự nghiêm minh giáo dưỡng như vậy, Ưng Lịch sau trở thành vua Hàm Nghi, một mực ghi nhớ công lao của thầy Doãn Cử.
***
Đành rằng giáo dục và hình thức kỷ luật mỗi thời mỗi khác, nhưng tính nghiêm minh, công bằng và kỷ luật thì luôn luôn cần có ở các môi trường tập thể, trong đó có giáo dục. Chúng ta nghe câu “tiên học lễ, hậu học văn” quá nhiều, tưởng nó bình thường, chứ thật ra đây là một tôn chỉ rất quan trọng của lịch sử giáo dục. Bởi lễ là gốc của mọi mối quan hệ trong xã hội, nếu vô lễ thì xã hội dễ dẫn tới diệt vong, không còn lịch sử nói chung, trong đó có lịch sử giáo dục. Tương tự như vậy, chúng ta cứ ngỡ “xin lỗi”, “cảm ơn” là từ chót lưỡi đầu môi, lúc nào nói không được. Nhưng thực ra, không phải lúc nào cũng nói được, cũng dám nói, cũng chủ động nói.
Cô Kim Tuyến (MST English) rõ ràng sai như vậy, nhưng một lời nhận lỗi, xin lỗi đâu có dễ nói ra, mà phải đợi tới lúc clip ghi lại câu chuyện “tung tóe” trên mạng và gây bức xúc với nhiều người. Thầy Lê Minh V. sau khi bị nhà trường khiển trách thì mới mở lời xin lỗi.
Nhà giáo dục William Arthur Ward (1921-1994) nói rằng: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Trước khi trở thành người truyền cảm hứng, chắc hẳn người thầy cần bắt đầu với những lời nói và hành vi hòa nhã, chuẩn mực, để hạn chế phải đến lúc nói những lời xin lỗi chẳng đặng đừng.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất