Thế giới đang hứng chịu “dịch nắng nóng cực đoan”

15/08/2024 09:30 GMT+7 | Tin tức 24h

Các chuyên gia khí tượng nhận định, mặc dù hiện tượng khí hậu La Nina đã xuất hiện, song nắng nóng kỷ lục trong năm 2024 tại nhiều nơi trên thế giới đã trở nên trầm trọng hơn do tình trạng ấm lên toàn cầu. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hồi cuối tháng 7/2024 cảnh báo nhân loại đang hứng chịu “dịch nắng nóng cực đoan” và kêu gọi hành động để hạn chế tác động của những đợt nắng nóng vốn trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 7/2024 là tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay và tiếp tục chuỗi 14 tháng liên tiếp phá kỷ lục về nhiệt độ. Nhiệt độ toàn cầu trong tháng 7 vừa qua cao hơn 1,21 độ C so với mức trung bình của thế kỷ XX là 15,8 độ C. Mức tăng này đã góp phần gây ra các đợt nắng nóng đáng kể ở các khu vực Địa Trung Hải và Vùng Vịnh, với châu Phi, châu Âu và châu Á trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, trong khi Bắc Mỹ ghi nhận tháng nắng nóng thứ hai. NOAA cho biết, hiện có 77% khả năng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất từ trước đến nay.

Cơ quan Thời tiết Đức (DWD) ngày 13/8 cảnh báo tình trạng nắng nóng (thậm chí là nắng nóng cực độ) đang diễn ra ở nhiều vùng rộng lớn trên cả nước, đặc biệt có thể xảy ra tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở phía Tây Nam. Theo DWD, ngày 13/8 là ngày nóng nhất từ đầu mùa hè năm 2024, với mức nhiệt có nơi lên tới 37 độ C. Ở một số nơi, thời tiết rất ẩm và nền nhiệt cao càng khiến cái nóng trở nên cực đoan hơn. Đặc biệt, ở các khu vực đô thị, nhiệt độ sẽ không giảm xuống dưới 20 độ C trong những đêm tới và có thể ở mức 24 độ C - mức khá cao so với nền nhiệt ban đêm trong mùa hè ở Đức.

Thế giới đang hứng chịu “dịch nắng nóng cực đoan” - Ảnh 1.

Người dân tắm biển tránh nóng tại Warnemunde, Đức ngày 13/8/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tại Anh, những ngày qua nước này đã trải qua thời tiết nóng bức với nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ ở mức cao là 20 độ C. Các chuyên gia dự báo thời tiết cho biết tại nhiều nơi, thời tiết oi nóng sẽ đi kèm với độ ẩm cao, có thể cực kỳ nguy hiểm đối với những người dễ bị tổn thương.

Nắng nóng cực đoan cũng bao trùm Tây Ban Nha từ nhiều ngày qua, khiến 3 người thiệt mạng do sốc nhiệt. Phần lớn Tây Ban Nha được đặt trong tình trạng báo động từ ngày 9/8, khi đợt nắng nóng thứ tư trong mùa hè này mang tới nền nhiệt cao hơn 40 độ C, kèm theo nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao. Nước này đã ghi nhận 608 ca tử vong do nắng nóng khắc nghiệt trong tuần đầu tháng 8, gần gấp đôi so với tổng số 335 ca của tuần trước đó.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đầu tháng 8/2024 cho biết mỗi năm nắng nóng cực đoan khiến hơn 175.000 người tử vong tại châu Âu, nơi nhiệt độ đang tăng nhanh hơn phần còn lại của thế giới. WHO nhấn mạnh “con người đang trả một cái giá đắt”, đồng thời lưu ý nắng nóng cực đoan là vấn đề lớn đối với người cao tuổi và phụ nữ có thai. WHO cho biết sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể con người không còn có khả năng duy trì nhiệt độ thích hợp, nguyên nhân hàng đầu của các ca tử vong liên quan đến khí hậu trong khu vực châu Âu. WHO dự báo số ca tử vong liên quan đến nắng nóng dự kiến sẽ còn tăng vọt trong những năm tới do tình trạng ấm lên toàn cầu.

Tại châu Á, sau khi trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử hiện đại, Trung Quốc đã phải hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt, đặc biệt là ở miền Đông và miền Nam nước này. Năm 2022, Trung Quốc đã chứng kiến đợt nắng nóng tồi tệ nhất kể từ năm 1961, trong đó nhiều khu vực phải chịu đựng đợt nắng nóng kéo dài 79 ngày, từ ngày 13/6 đến ngày 30/8. Các nhà khí tượng học Trung Quốc cho biết nhiệt độ kỷ lục trong năm 2024 là do tình trạng nóng lên toàn cầu, ngay cả khi hiện tượng thời tiết La Nina mang lại nhiệt độ bề mặt biển mát hơn mức trung bình ở vùng xích đạo Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng và Thủy văn Hàn Quốc đã công bố kết quả phân tích diễn biến thời tiết tháng 7, theo đó trong tháng này, số ngày xảy ra hiện tượng “đêm nhiệt đới” ở Hàn Quốc là 8,8 ngày - cao gấp ba lần so với mức bình quân hàng năm và là nhiều nhất kể từ sau mức kỷ lục trước đó 8,5 ngày hồi tháng 7/1994. Hiện tượng “đêm nhiệt đới” xảy ra khi nhiệt độ vào ban đêm (từ 18h01 tới 9h ngày hôm sau) vượt ngưỡng 25 độ C. 

Thống kê cho thấy nhiệt độ thấp nhất bình quân trên toàn Hàn Quốc trong tháng 7 là 23,3 độ C - cao hơn 2,1 độ C so với bình quân hàng năm và cũng là mức cao thứ hai sau tháng 7/1994 với nền nhiệt 23,4 độ C. Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Nội vụ Hàn Quốc đã phát cảnh báo sóng nhiệt “nghiêm trọng” - tức mức cao nhất, đồng thời và nâng chế độ ứng phó lên cấp cao nhất. Theo Cơ quan Khí tượng và Thủy văn Hàn Quốc, nguyên nhân khiến hiện tượng đêm nhiệt đới xảy ra nhiều trong tháng 7 là do luồng không khí ấm chứa một lượng lớn hơi nước theo gió Tây Nam tràn vào Bán đảo Triều Tiên làm tăng độ ẩm trong không khí, khiến quá trình giảm nhiệt vào ban đêm bị chậm lại.

Trong bối cảnh tình trạng nắng nóng cực đoan đang hoành hành nhiều nơi trên toàn cầu, giới chuyên môn kêu gọi cần quy hoạch lại những khu vực đô thị theo hướng có nhiều cây xanh, nhiều không gian công cộng để tránh nóng, lắp đặt máy cung cấp nước uống… Các chuyên gia y tế thì khuyến cáo người dân tránh ánh nắng trực tiếp, không ăn nhiều và uống đủ nước, tập thể dục vào sáng sớm hoặc buổi tối. 

Ngoài ra, việc tắm nước mát trước khi đi ngủ nhưng không lau khô người hoàn toàn cũng giúp làm mát cơ thể. Vào những ngày quá nóng, người dân nên đóng cửa ra vào cũng như cửa sổ vào ban ngày và mở cửa thông gió từ tối đến sáng hôm sau để giúp giữ mát cho không khí trong nhà.

Minh Trà/TTXVN (Tổng hợp)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm