27/11/2021 16:16 GMT+7
(lienminhbng.org) - Được phát hiện lần đầu tiên ở Botswana và hiện đã ghi nhận thêm các ca nhiễm ở Nam Phi, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Bỉ, biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 đã ngay lập tức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron và coi là biến thể đáng quan ngại.
Với đặc tính nguy hiểm, có thể “né” kháng thể do vaccine tạo ra, biến thể mới Omicron đang khiến nhiều nước trên thế giới vô cùng lo ngại và phải đưa ra những cảnh báo khẩn cấp.
Omicron - biến thể đáng quan ngại
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận những vấn đề liên quan đến biến thể mới mang tên B.1.1.529 có nhiều protein gai đột biến, cũng như tác dụng của thuốc điều trị và các vaccine hiện có đối với biến thể này. Trước đó, WHO cho biết đã tiếp cận được hơn 100 trình tự gene đầy đủ của biến thể này.
Biến thể B.1.1.529 được phát hiện lần đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11/2021. Cho tới nay, biến thể mới đã xuất hiện tại Botswana, Nam Phi, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Bỉ. Riêng Nam Phi đã ghi nhận hơn 100 trường hợp dương tính với biến thể này.
Biến thể B.1.1.529 được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm vì nó lây lan nhanh chóng trong giới trẻ ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của Nam Phi . Đây cũng là nhóm có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất tại nước này. Theo các nhà khoa học, biến thể B.1.1.529 có nhiều đột biến rất bất thường, đáng lo ngại vì chúng có thể giúp virus né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây truyền nhanh hơn. Bất kỳ biến thể mới nào có thể né tránh kháng thể do vaccine tạo ra hoặc lây lan nhanh hơn biến thể Delta hiện đang áp đảo đều có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với thế giới.
Giới khoa học Nam Phi còn nhận định rằng B.1.1.529 là biến thể đáng sợ nhất mà họ từng biết tới từ khi thế giới xảy ra đại dịch COVID-19. Trong số 50 đột biến, có tới 32 đột biến nằm ở bộ phận protein gai-nơi virus dùng để bám vào tế bào người. Số đột biến ở protein gai này cao gấp đôi so với Delta-biến thể vốn vẫn đang hoành hành khắp thế giới. Nhiều đột biến không có nghĩa là nguy hiểm hơn nhưng qua nhiều lần biến đổi, biến thể không còn giống virus ban đầu và do đó có thể khiến vaccine COVID-19 hiện nay vô tác dụng.
Những nguy cơ của biến thể “siêu đột biến” này đang đặt ra nhiều mối đe dọa cho cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu. Chính bởi vậy mà sau cuộc họp khẩn vào ngày 26/11, WHO đã quyết định đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại.
Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Dựa trên những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về dịch COVID-19, WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron". Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này.
Như vậy, B.1.1.529 đang là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay kể từ sau biến thể Delta. Ngoài Omicron, danh sách biến thể đáng lo ngại của WHO còn có biến thể Delta đang thống trị toàn cầu, cùng các biến thể Alpha, Beta và Gamma. Hiện các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu về khả năng lây lan, tính nghiêm trọng và phản ứng của biến thể này đối với vaccine COVID-19.
Người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cho biết sẽ phải mất vài tuần để tìm hiểu tác động của biến thể mới. Tuy nhiên, WHO cũng kêu gọi các nước không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại thời điểm này. WHO khuyến nghị các nước vào thời điểm này cần thận trọng khi đưa ra các biện pháp đối với việc đi lại, "tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện các biện pháp về đi lại". Mặc dù vậy, lo ngại về nguy cơ lây lan của biến thể mới, nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp hạn chế.
Các nước khẩn trương ứng phó biến thể Omicron
Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ miền Nam châu Phi cho đến khi hiểu rõ về mối nguy hiểm mà biến thể mới có thể gây ra. Nhiều nước từ Mỹ tới châu Âu và châu Á đều đã ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại tới những nơi có ca nhiễm biến thể Omicron. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đã phải hoãn hội nghị bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 29/11 tới do sự xuất hiện của biến thể này.
Cụ thể, các nước EU đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền Nam châu Phi (gồm các nước Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe) và tạm thời áp đặt hạn chế đối với mọi hoạt động đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi vào EU.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 26/11 cảnh báo nguy cơ từ “cao” tới “rất cao" của biến thể Omicron sẽ lan rộng ra châu Âu. ECDC kêu gọi các nước tiến hành phân tích chuỗi gien và truy vết các ca nhiễm biến thể mới, đồng thời hối thúc người dân tránh du lịch tới các khu vực bị ảnh hưởng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho rằng EU cần phải hành động nhanh và dứt khoát đồng thời kêu gọi công dân của khối này tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19.
Đức đã đưa Nam Phi vào danh sách các khu vực ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2 từ ngày 27/11, qua đó chỉ cho phép công dân và người sinh sống tại Đức được nhập cảnh.
Anh đã hạn chế nhập cảnh đối với du khách từ Nam Phi và một số quốc gia lân cận, đồng thời đưa các quốc gia miền Nam châu Phi vào danh sách “đỏ” từ ngày 26/11 do lo ngại biến thể Omicron có thể đã lan rộng ra các nước khác.
Áo từ ngày 27/11 cũng cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Botswana. Các chuyến bay từ Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini cũng bị cấm hạ cánh do Áo áp dụng các biện pháp nhằm "giảm tốc độ lây lan của biến thể mới trên toàn cầu".
Chính phủ Bỉ đã đưa ra quyết định có tính bước ngoặt mới trong đời sống xã hội của nước này nhằm ngăn chặn sự gia tăng lây lan dịch COVID-19, theo đó yêu cầu các hộp đêm phải đóng cửa và khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể. Ngoài ra, các cuộc thi đấu thể thao trong nhà một lần nữa sẽ không có khán giả và các bữa tiệc lớn trong không gian kín bị cấm, ngoại trừ đám cưới và đám tang với tối đa 50 khách và phải có giấy chứng nhận an toàn COVID-19.
Các quán cà phê và nhà hàng phải đóng cửa lúc 23h00 và số lượng khách tối đa 6 người/bàn. Các buổi hòa nhạc với sự tham gia đông khán giả sẽ không được phép. Thủ tướng De Croo cho biết tất cả các biện pháp mới này sẽ được đánh giá lần đầu tiên vào ngày 15/12.
Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thông báo nước này từ ngày 28/11 sẽ hạn chế công dân nước ngoài cư trú tại 9 nước châu Phi (gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Namibia, Zimbabwe, Mozambique, Madagascar, Eswatini, Tanzania) và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc), hoặc ở đó trong vòng 10 ngày sẽ không thể nhập cảnh vào Nga.
Tại khu vực châu Mỹ, Mỹ quyết định hạn chế đi lại từ Nam Phi và 7 quốc gia châu Phi khác (gồm Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi) từ đầu tuần tới nhằm kiểm soát sự lây lan của biến thể mới B.1.1.529. Lệnh cấm được ban hành chỉ sau 3 tuần Mỹ mở cửa đón du khách trở lại.
Giới chức cấp cao Mỹ cho biết chính sách này được thực hiện trong tình trạng hết sức thận trọng do mức độ nguy hiểm của biến thể mới. Chính quyền Mỹ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ và đánh bại đại dịch. Tuy nhiên, các hạn chế đi lại mới sẽ không áp dụng cho công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp.
Canada thông báo cấm nhập cảnh nước này đối với người nước ngoài đã đi qua các quốc gia miền Nam châu Phi gồm Nam Phi, Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho và Eswatini trong vòng 14 ngày qua.
Brazil thông báo đóng cửa biên giới đối với các du khách tới từ 6 quốc gia miền Nam châu Phi gồm Nam Phi, Eswatini, Lesotho, Namibia, Botswana và Zimbabwe. Bộ Y tế Brazil lưu ý biến thể mới Omicron đang đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai, song cho biết hiện vẫn chưa rõ về tác động dịch tễ học do biến thể này gây ra.
Tại châu Á, Israel và Singapore đã hạn chế nhập cảnh đối với du khách từ Nam Phi và một số quốc gia lân cận. Chính phủ Ấn Độ đã gửi khuyến cáo tới tất cả các bang của nước này về việc sàng lọc nghiêm ngặt tất cả hành khách đến từ các quốc gia có nguy cơ cao với biến thể B.1.1.529. Iran cấm nhập cảnh đối với các du khách từ Nam Phi và 5 quốc gia láng giềng.
Ai Cập cũng tạm ngừng các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ Nam Phi do lo ngại biến thể Omicron.
Bộ Ngoại giao Maroc thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng nước này đã cấm nhập cảnh đối với các du khách tới từ Nam Phi do những quan ngại về sự lây lan của dịch COVID-19.
Australia và New Zealand cũng đang theo dõi chặt chẽ biến thể mới. Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt ngày 27/11 thông báo bắt đầu áp dụng cách ly 14 ngày khi nhập cảnh đối với công dân nước này cũng như người phụ thuộc họ trở về từ một trong 9 quốc gia miền Nam châu Phi…
Có thể thấy rõ, sau gần hai năm sống chung với đại dịch COVID-19, các quốc gia đã rút ra rất nhiều bài học xương máu cho bản thân và đã quyết định hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn nhiều so với thời điểm phát hiện biến thể Delta. Kinh nghiệm cho thấy chủ động đề phòng và ngăn chặn ngay từ đầu bao giờ cũng dễ dàng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc hơn là bị động chạy theo “dập” biến thể mới với các động thái cực đoan như phong tỏa, cách ly…
Những tác động trước mắt
Tuy nhiên động thái hạn chế việc đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi của nhiều nước trên thế giới dường như ngay lập tức “giáng một đòn” nặng nề vào nỗ lực của thế giới nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19. Thông tin về biến thể nguy hiểm B.1.1.529 (được WHO đặt tên là Omicron) đã tác động mạnh đến tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi kinh tế cũng như việc khôi phục lại thị trường du lịch sau nhiều tháng “đóng băng” vì đại dịch COVID-19.
Cụ thể, sau một ngày đóng cửa nghỉ giao dịch trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, Phố Wall đã quay trở lại làm việc và chứng kiến một đợt bán tháo kỷ lục. Các cổ phiếu ngành năng lượng, tài chính và du lịch đồng loạt lao dốc khiến thị trường giảm điểm mạnh, bất chấp lực đỡ của các mã cố phiếu thuộc nhóm ngành y dược.
Các chỉ số chính của thị trường châu Âu cũng đồng loạt “nhuốm” sắc đỏ khi chỉ số FTSE của Anh giảm 3,6%, trong khi chỉ số DAX của Đức và CAC40 của Pháp đều giảm trên 4%.
Trước đó, thị trường châu Á cũng chứng kiến các đợt giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 26/11.
Không chỉ giá chứng khoán, giá dầu cũng quay đầu giảm mạnh trong các phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam chỉ sau 2 ngày vừa mới tăng điểm trở lại. Trên sàn New York, giá dầu WTI giao tháng 1/2022 giảm 10,24 USD/thùng, tương đương hơn 13%, xuống còn 68,15 USD/thùng. Tại sàn giao dịch London, giá dầu Brent giao cùng kỳ cũng giảm tới 9,53 USD/thùng, tương đương 11,59%, xuống 72,72 USD/thùng. Đây là lần mất giá mạnh nhất trong ngày của cả WTI và Brent kể từ tháng 4 năm ngoái…
Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất