12/12/2021 08:24 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 12/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 269.956.925 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.317.290 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 242.694.799 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 817.765 ca tử vong trong tổng số 50.751.762 ca nhiễm. Trong vòng 24 giờ qua, thế giới có thêm hơn 488.000 ca mắc mới và gần 5.400 ca tử vong.
Tính đến hết ngày 11/12, các nước ASEAN ghi nhận trên 26.600 ca nhiễm mới, 465 ca tử vong. Ca tử vong tại Philippines đã vượt mốc 50.000 người, trong khi Singapore phát hiện thêm ca nhiễm Omicron. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại các nước ASEAN đã lên tới 14.370.689 trường hợp và 296.789 ca tử vong. Toàn khối có 13.545.455 bệnh nhân đã bình phục.
Tại Brazil,. Bộ Y tế nước này thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại bang Sao Paolo đông dân nhất ở quốc gia Nam Mỹ này. Đây là ca nhiễm biến thể Omicron thứ 7 được xác định tại Brazil, trong đó có 4 trường hợp tại Sao Paolo. Điểm đáng chú ý là trường hợp nhiễm bệnh mới nhất này là một người chưa từng đi ra nước ngoài, trong khi các ca trước đó đều là những người trở về từ châu Phi. Bệnh nhân là một người đàn ông 67 tuổi, hiện sinh sống tại Sao Paolo và chưa thực hiện một chuyến đi ra nước ngoài nào trong những tháng gần đây. Bệnh nhân này cũng đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đã tiêm mũi tăng cường. Bệnh nhân có một số triệu chứng nhẹ và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hôm 7/12, sau đó mẫu thử được kiểm tra trình tự gene và khẳng định là biến thể Omicron.
Mặc dù chưa thể khẳng định biến thể Omicron đã bắt đầu lây nhiễm trong nội địa, song giới chức y tế cho rằng trường hợp này là một lời cảnh báo về khả năng bùng phát của biến thể Omicron tại Brazil, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron, được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn các biến thể trước đó, đã buộc chính quyền nhiều thành phố ở Brazil phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế, cũng như hủy bỏ các lễ hội đón chào năm mới truyền thống. Ngoài ra, chính quyền Brazil cũng yêu cầu tất cả các du khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính và có giấy chứng nhận tiêm vaccine. Theo thống kê chính thức, đến nay Brazil đã ghi nhận khoảng 22,2 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có gần 619.770 ca tử vong.
Tại Israel, Bộ y tế nước này cũng thông báo đã phát hiện tổng cộng 55 người dân nước này bị nhiễm biến thể Omicron. Trong đó có 36 người trở về từ nước ngoài gồm Nam Phi, Anh, Pháp, Mỹ, UAE, Belarus, Hungary, Italy và Namibia; 11 trường hợp lây nhiễm thứ phát từ những người trở về từ Nam Phi và Anh; và 8 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước sự đe dọa của biến thể mới Omicron có thể gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 5, các cơ quan hữu quan Israel đang cân nhắc khả năng siết chặt các biện pháp kiểm soát, đồng thời tính đến việc tiêm mũi vaccine bổ sung sau 3 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay.
Hiện Israel đã thông báo gia hạn thêm 10 ngày đối với quy định hạn chế về đi lại nhằm ngăn chặn biến thể Omicron lây lan. Thủ tướng Naftali Bennett và Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng quy định cấm người nước ngoài nhập cảnh đến ngày 22/12.
Ngoài ra, Thủ tướng Bennett và Bộ trưởng Horowitz còn nhất trí điều chỉnh quy định đối với chương trình Lớp học Xanh, gồm: Không áp dụng với các lớp có từ 2 học sinh nhiễm COVID-19 trở lên hoặc có trường hợp nghi nhiễm biến thể Omicron; cho toàn bộ học sinh xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3 sau khi tiếp xúc với bệnh nhân trong trường hợp lớp học có 1 học sinh nhiễm bệnh. Đối với các địa phương không áp dụng chương trình Lớp học Xanh, học sinh đã tiêm vaccine được tới trường, trong khi học sinh chưa tiêm phòng sẽ học từ xa qua ứng dụng Zoom. Chương trình Lớp học Xanh cho phép học sinh có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 được tới trường nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, thay vì buộc toàn bộ lớp học phải cách ly theo dõi trong 1 tuần như thông thường.
Trong thời gian gần đây, số ca lây nhiễm COVID-19 tại Israel có chiều hướng tăng nhẹ. Israel hiện có 5.939 bệnh nhân, trong đó có 92 ca nặng. Đến ngày 10/12, Israel đã tiêm vaccine COVID-19 được cho gần 64, triệu người trong tổng dân số 9,3 triệu. Trong số này có hơn 5,7 triệu người đã tiêm 2 liều vaccine và hơn 4,1 triệu người đã tiêm liều thứ 3.
Tại Pháp, các cơ quan y tế Pháp đã phê duyệt việc sử dụng một phương pháp điều trị kháng thể do AstraZeneca sản xuất cho những người có nguy cơ cao, có biểu hiện kháng vaccine phòng COVID-19.
Cơ quan y tế công cộng độc lập HAS tối 10/12 đã thông báo "cho phép sử dụng Evusheld cho những bệnh nhân có nguy cơ rất cao mắc COVID-19 với triệu chứng nghiêm trọng". Evusheld là sản phẩm của công ty dược phẩm AstraZeneca, trong tuần này đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Pháp mới chỉ chấp thuận việc sử dụng sản phẩm này cho người lớn.
Evusheld, được tạo ra từ sự kết hợp của hai kháng thể đơn dòng, được dùng trong hai lần tiêm. Các kháng thể đơn dòng, có khả năng nhận biết một phân tử cụ thể của virus hoặc vi khuẩn đích, là những phiên bản tổng hợp của các kháng thể tự nhiên. Không giống như hầu hết các phương pháp điều trị COVID-19 khác, được áp dụng cho những bệnh nhân đã nhập viện để ngăn ngừa diễn biến nghiêm trọng của bệnh, Evusheld dành cho những người chưa mắc bệnh và khả năng miễn dịch không cao.
Tuy nhiên, HAS cũng cảnh báo về các nguy cơ tim mạch được xác định trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và khuyến cáo không dùng thuốc cho các trường hợp có từ hai yếu tố nguy cơ trở lên như đái tháo đường và béo phì.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất