06/10/2021 06:51 GMT+7 | Thế giới Sao
(lienminhbng.org) - Ngày 3/10/2021, Bernard Tapie qua đời tại nhà riêng ở Pháp, thọ 78 tuổi, sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày. Bernard Tapie là ai? Một ông trùm kinh doanh người Pháp, một cua-rơ, một diễn viên truyền hình, một chính khách trong Quốc hội, chủ sở hữu của câu lạc bộ Marseille…
Đẹp trai, hào hoa, đa tài, Bernard Tapie đã sống một cuộc đời thành công, nhưng cũng đầy bê bối.
Bernard Tapie là ai?
Mùa giải 1985-86, Marseille kết thúc với vị trí thứ 12 trên BXH, hơn đội xuống hạng Strasbourg vỏn vẹn 3 điểm. Câu lạc bộ lúc này rất cần một chủ sở hữu giàu có để có thể đưa họ trở lại miền đất hứa. Thị trưởng Marseille, Gaston Defferre, đã hướng sự chú ý đến doanh nhân sinh năm 1943 người Paris có tên Bernard Tapie.
Sinh ra ở vùng ngoại ô Le Bourget của Paris, Bernard Tapie ban đầu làm công việc quét dọn rồi thợ gia công kim loại. Thành công đáng chú ý nhất của Bernard Tapie đến vào năm 21 tuổi, khi ông giành chiến thắng trong cuộc thi ca nhạc Saint-Jean-de-Monts. Chiến thắng này đã thúc đẩy Bernard Tapie theo đuổi sự nghiệp ngắn ngủi nhưng thành công trong vai trò ca sĩ nhạc pop. Năm 1966, dưới nghệ danh Bernard Tapy, ông đạt được thành công về mặt thương mại khi thu âm “Passport pour le soleil”, một bản chuyển thể của Pháp từ “The Ballad of the Green Berets”.
Song song với ca hát, Bernard Tapie quyết định thử sức trong lĩnh vực thể thao. Ông theo đuổi ước mơ thời thơ ấu của mình là trở thành một tay đua xe đạp, thi đấu ở giải Công thức 3 cho tới khi một tai nạn nghiêm trọng khiến ông hôn mê trong 2 tuần và buộc phải giải nghệ.
Năm 1976 chứng kiến bước chuyển biến đầy quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Bernard Tapie. Ông từ bỏ ngành công nghiệp âm nhạc để sang Mỹ. Tại đây, ông học hỏi về làm ăn kinh doanh trước khi trở lại Pháp với tư cách là một nhà tư vấn tài chính. Bernard Tapie nhanh chóng trở nên giàu có.
Mánh khóe làm ăn của Bernard Tapie là mua lại những công ty trên bờ vực phá sản, ngụy trang tài chính cho chúng trước khi sa thải nhân sự quy mô lớn và bán lại tài sản. Từ năm 1977 đến 1990, Bernard Tapie đã mua hơn 40 công ty, tích lũy được khối tài sản trị giá 2 tỷ franc.
Để phát triển hơn nữa danh tiếng của mình, Bernard Tapie tham gia chương trình truyền hình hàng tuần có tên “Tham vọng”, nhằm thúc đẩy các doanh nhân trẻ khởi nghiệp. Chương trình này giống với những chương trình truyền hình thực tế hiện đại như Shark Tank hay The Apprentice.
“Ông ấy là Donald Trump trước khi Trump xuất hiện, một cơn bão của sự lôi cuốn theo chủ nghĩa dân túy có nụ cười Hollywood kết hợp với đôi mắt nâu đầy mưu mô”, Christopher Weir của These Football Times viết về Bernard Tapie.
Marseille
Giống như Donald Trump, Bernard Tapie sớm phát hiện ra rằng tiền chưa đủ để tạo ra chiều sâu của tầm ảnh hưởng, quyền lực thực sự chỉ đến từ chính trị. Ông chú ý đến tình trạng bất ổn đang diễn ra trên đất nước mình: Căng thẳng chủng tộc, tỷ lệ thất nghiệp cao, tâm lý chống người nhập cư - và nhận ra tiềm năng của Marseille như một phương tiện để đạt được lợi ích chính trị. Thành công của Marseille sẽ tượng trưng với các lá phiếu từ cử tri của thành phố này.
Đó là lý do tại sao sau khi từ chối đề nghị ban đầu của Marseille với lý do “không biết gì về bóng đá”, Bernard Tapie đã thay đổi ý định, mua câu lạc bộ vào ngày 12/4/1986 với giá 1 franc tượng trưng. Bernard Tapie bị lay động bởi những lời của Thị trưởng Gaston Defferre, nói với ông rằng: “Tôi không chỉ bán cho cậu một câu lạc bộ, tôi không bán cho cậu một sân vận động, tôi bán cho cậu một biểu tượng”.
Nhờ túi tiền của Bernard Tapie, Marseille mạnh tay mua sắm trên thị trường chuyển nhượng. Họ bổ nhiệm Michel Hidalgo - HLV dẫn dắt tuyển Pháp vô địch EURO 1984, làm Giám đốc kỹ thuật, mua Jean-Pierre Papin, Jean-François Domergue, Alain Giresse, Karlheinz Förster…
Marseille lập tức thay da đổi thịt. Mùa giải 1986-87, họ về nhì ở giải vô địch quốc gia, lọt vào chung kết Cúp Quốc gia Pháp. Không nản lòng trước việc câu lạc bộ bỏ lỡ những danh hiệu, Bernard Tapie tiếp tục đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng Hè 1987, đem về tiền vệ tấn công Abedi Pelé của Ghana, hậu vệ Yvon Le Roux của Pháp và tiền đạo Klaus Allofs của Đức. Trong đó, vụ chuyển nhượng Abedi Pelé thể hiện rõ nhất tham vọng của Bernard Tapie.
Thời điểm đó, Abedi Pelé đã nhận lời chuyển đến AS Monaco. Để lôi kéo Abedi Pelé, Bernard Tapie đã gọi điện cho cầu thủ này, khuyên anh từ chối kiểm tra máu trong quá trình kiểm tra y tế tại AS Monaco, đồng thời cấu kết với một nhân viên Monaco để ngụy tạo tin đồn rằng Abedi Pelé đã nhiễm HIV. Nỗi sợ hãi về một cầu thủ dương tính với HIV trong thời kỳ cao điểm của đại dịch AIDS là đủ để ngăn cản sự quan tâm của Monaco, cho phép Marseille tìm đến và mua Abedi Pelé mà không cần cạnh tranh.
“Nó là như vậy. Bạn phải giành chiến thắng bằng mọi giá. Bây giờ tôi xấu hổ về bản thân mình nhưng chúng tôi phải chấp nhận những gì chúng tôi đang có, với những điều tốt và xấu”, Bernard Tapie nói trong cuộc phỏng vấn năm 2017.
Tuy nhiên, mùa Hè mua sắm mạnh tay năm đó không có ích gì. Marseille kết thúc mùa giải với vị trí thứ 6 tại Ligue 1. Tuyệt vọng về kết quả, Bernard Tapie đã sa thải huấn luyện viên Gérard Banide và thay thế ông bằng Gérard Gili, cựu thủ môn từng gắn bó sự nghiệp thi đấu với Marseille. Bernard Tapie tiếp tục củng cố đội hình với các bản hợp đồng Franck Sauzée, Gaëtan Huard, Bruno Germain, Philippe Vercruysse và Eric Cantona. Khi Marseille chuẩn bị cho chiến dịch 1988-89, Bernard Tapie chuẩn bị tinh thần cho một trận chiến mới, lần này là trong hòm phiếu.
Khi Jean-Marie Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu, tuyên bố ứng cử một ghế quốc hội ở khu vực Marseille, Bernard Tapie quyết định cần phải can thiệp. Trong khi Le Pen nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với vấn đề nhập cư, Bernard Tapie xây dựng cho mình hình tượng một người đàn ông giàu có đi lên từ nghèo khó. Bernard Tapie rao giảng về tự do kinh doanh, về cách để nó hoạt động trong nền văn hóa bị kiểm soát bởi rào cản giai cấp.
Tháng 1/1989, Bernard Tapie giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử để trở thành Thứ trưởng Đảng Xã hội cho vùng Bouches-du-Rhone. Trên sân cỏ, mọi thứ cũng xoay chuyển với Marseille. Họ chấm dứt cơn hạn hán danh hiệu quốc gia kéo dài 17 năm và đánh bại Monaco của Arsene Wenger trong trận Chung kết Cúp Quốc gia Pháp.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất