(lienminhbng.org) -
Nhà văn người Colombia Gabriel García Márquez, người đã được trao giải Nobel Văn học năm 1982 và được đánh giá là một trong những cây bút vĩ đại nhất thế giới, đã về cõi vĩnh hằng. Thế giới và những tín đồ cuồng nhiệt của dòng văn học hiện thực huyền ảo mà ông được coi là người khởi xướng đã chia sẻ niềm tiếc thương ông.Sinh ngày 6/3/1927 tại Aracataca, một thị trấn bên bờ biển Caribe, miền Bắc Colombia. Năm 1947, sau khi tốt nghiệp trung học, Garcia Marquez đến thủ đô Bogota, theo học khoa Luật tại Đại học Quốc gia Colombia. Một thời gian sau đó ông nghỉ học và chuyển sang viết báo, viết văn và cộng tác với nhiều tờ báo ở thành phố Cartagena và thủ đô Bogota.
García Márquez còn là nhà báo và một người hoạt động chính trị, theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông có nhiều năm làm phóng viên tại châu Âu. Sau khi Cách mạng Cuba thành công, ông tới quốc đảo này làm phóng viên cho hãng thông tấn Prensa Latina và xây dựng một tình bạn gắn bó với lãnh tụ Fidel Castro. Ông từng tham gia với tư cách trung gian hòa giải trong một số cuộc hòa đàm giữa chính phủ và các nhóm du kích cánh tả Colombia. Sau này ông chuyển hẳn sang viết văn nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với nhiều tờ báo lớn của các nước Mỹ Latinh và châu Âu.
Nhà văn García Márquez nổi tiếng với các tiểu thuyết kinh điển như
Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của vị trưởng lão, Tướng quân giữa mê hồn trận, Ký sự về một cái chết được báo trước và hơn cả là
Trăm năm cô đơn. Tác phẩm đỉnh cao của trào lưu văn học được biết với cái tên “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” này được cả giới phê bình và độc giả mến mộ sau khi được xuất bản năm 1967. Cho đến nay tác phẩm này đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, với hơn 30 triệu cuốn được bán trên thế giới. Nhà văn Garcia Marquez và gia đình đã tới thăm Việt Nam vào năm 1979.
Từ cách đây hơn ba thập kỷ, nhà văn García Márquez định cư tại Mexico. Ông qua đời ít ngày sau khi được xuất viện, nơi ông được điều trị do mất nước, viêm phổi và đường tiết niệu.
Ngay sau khi được tin Gabo (biệt danh của nhà văn) ra đi, nhiều chính trị gia, nhà văn và những người hâm mộ ông trên khắp thế giới đã bày tỏ niềm thương tiếc, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của ông cho văn học Mỹ Latinh nói riêng và làng văn thế giới nói chung. Đặc biệt, sự ra đi của Garcia Marquez là một tin buồn chung đối với cả dân tộc Colombia cũng như người dân Mexico - nơi ông đã sinh sống trong suốt 30 năm cuộc đời cho tới tận khi nhắm mắt xuôi tay.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto viết: “Thay mặt cho Mexico, tôi bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước sự ra đi của một trong những nhà văn vĩ đại nhất thời đại chúng ta”. Ông cũng không quên ca ngợi những cống hiến không mệt mỏi của nhà văn vĩ đại, đồng thời khẳng định những tác phẩm của ông đã khiến nền văn hóa của châu Mỹ Latinh được đông đảo bạn bè trên thế giới biết đến.
Thông qua trang mạng Twitter, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã gửi lời chia buồn đến gia đình nhà văn, đồng thời khẳng định ông là “người Colombia vĩ đại nhất mọi thời đại”. Cựu Tổng thống Colombia Álvaro Uribe, người có tư tưởng hoàn toàn đối lập với nhà văn García Márquez, đã ca ngợi ông vì nhờ những tác phẩm của ông mà hàng triệu người dân trên hành tinh đã "phải lòng Tổ quốc Colombia".
Hòa chung với niềm tiếc thương vô hạn, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff khẳng định nhà văn mất đi nhưng những nhân vật trong các tác phẩm của ông sẽ mãi ở lại trong trái tim và tâm trí của hàng triệu độc giả.
Trong khi đó, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chia sẻ nhà văn García Márquez là một trong những cây bút mà ông yêu mến nhất hồi còn trẻ. Ông Obama nhấn mạnh sự ra đi của Márquez đồng nghĩa với thế giới đã mất đi một trong những cây bút vĩ đại nhất, đồng thời khẳng định những tác phẩm của nhà văn sẽ sống mãi trong tâm trí của nhiều độc giả qua các thế hệ.
Cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton cũng đã bày tỏ niềm vinh dự khi được làm bạn với tiểu thuyết gia đáng kính. Ông đồng thời thể hiện sự ngưỡng mộ và khâm phục trước tài năng văn chương cùng trí tưởng tượng tuyệt vời mà nhà văn thể hiện qua hàng loạt các tác phẩm, trong đó nổi bật nhất là kiệt tác
Trăm năm cô đơn.
Sự ra đi của nhà văn García Márquez đã để lại niềm tiếc thương sấu sắc đối với làng văn học thế giới. Những nhà văn nổi tiếng trên khắp thế giới, bao gồm cả những tên tuổi từng nhận giải Nobel Văn học cũng đã đưa ra những lời chia buồn trước sự ra đi của cây bút vĩ đại. Mario Vargas Llosa - nhà văn Peru từng đoạt giải Nobel năm 2010 chia sẻ: “García Márquez là nhà văn có nhiều tác phẩm được truyền bá và có uy tín trong nền văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha trên thế giới. Tiểu thuyết của ông sẽ tồn tại mãi và tiếp tục được độc giả khắp nơi trên thế giới tìm đọc”.
Trong khi đó, nhà văn người Anh Ian McEwan ca ngợi những tác phẩm của nhà văn gần như sánh ngang với những tác phẩm của đại văn hào người Anh William Shakespeare. Cùng chung quan điểm, mạng tin điện tử Cubadebate khi đưa tin nhà văn Garcia Marquez từ trần cho rằng đây là sự mất mát lớn của nền văn hóa thế giới, báo
El Pais của Tây Ban Nha coi ông là một thiên tài của văn học thế giới.
Trong khi đó, giới nghệ sĩ cũng bày tỏ niềm tiếc thương trước sự mất mát to lớn của nền văn học thế giới. Ngôi sao nhạc Pop của Colombia Shakira khẳng định: “Nhà văn Garcia Marquez sẽ mãi sống trong trái tim chúng ta. Cuộc đời ông sẽ luôn được người dân Colombia nhớ tới bởi ông là một thiên tài đặc biệt riêng có của đất nước Colombia”.
Thảo Vy (tổng hợp)