12/03/2020 16:25 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngày 12/3, Chính phủ Australia đã tuyên bố gia hạn lệnh cấm nhập cảnh thêm một tuần nữa đối với người đến từ Italy, Hàn Quốc, Iran và Trung Quốc, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ngày càng lan rộng.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, quyết định trên đồng nghĩa bất kỳ công dân nước ngoài nào cũng sẽ không được phép nhập cảnh Australia trong vòng 14 ngày kể từ khi họ rời khỏi 4 quốc gia nói trên. Công dân Australia và thường trú nhân vẫn có thể nhập cảnh, nhưng phải tự cách ly trong 2 tuần sau khi trở về nhà.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng yêu cầu giới chức y tế nước này xem xét mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả những người đến từ châu Âu. Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt nêu rõ quyết định sẽ được Ủy ban An ninh quốc gia cân nhắc dựa trên tư vấn từ các chuyên gia và giới chức y tế.
Trong khi đó, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại châu Âu, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định mở rộng áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt đối với những người từng thăm hoặc cư trú tại một số quốc gia ở châu Âu.
Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương do Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun trực tiếp chỉ đạo thông báo sẽ áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt đối với những người đến từ 5 quốc gia là Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/3 tới. Quy trình này cũng áp dụng với những người đến Hàn Quốc từ châu Âu, qua Dubai (UAE) và Moskva (Nga).
Hiện tại, Hàn Quốc đang áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt với những người đến từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc), Nhật Bản, Italy, Iran, cũng như những người từng qua các nước này trước khi nhập cảnh Hàn Quốc. Theo quy trình nhập cảnh đặc biệt, người đến từ các quốc gia trên khi nhập cảnh sẽ phải xác nhận số điện thoại liên lạc tại Hàn Quốc và cài đặt ứng dụng điện thoại theo dõi sức khỏe.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng trầm trọng, chính quyền thành phố Seoul đã công bố biện pháp mới nhằm hạn chế sự lây lan tại tổng đài điện thoại tư vấn đang hoạt động tại thành phố.
Cụ thể, tổng đài tư vấn 120 Dasan do chính quyền thành phố Seoul quản lý đã quy định các nhân viên phải đeo khẩu trang khi làm việc, bắt đầu thí điểm cho nhân viên làm việc ở nhà từ ngày 12/3, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để một nửa số nhân viên có thể làm việc tại nhà từ tuần sau. Hiện có 417 trong hơn 700 tổng đài tư vấn trên cả nước Hàn Quốc tập trung tại thủ đô Seoul. Thành phố sẽ tiến hành rà soát tất cả các tổng đài này đến ngày 13/3, qua đó tăng cường công tác phòng dịch. Những đơn vị không tuân thủ khuyến cáo có thể bị phong tỏa cơ sở theo Luật phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
Thành phố Seoul cũng sẽ tổ chức buổi tọa đàm khẩn cấp với các tổng đài tư vấn, đồng thời hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho những tổng đài quy mô nhỏ khó có thể cho nhân viên làm việc từ xa. Bên cạnh đó, thành phố Seoul cũng khuyến nghị các cửa hàng karaoke và game tạm ngưng hoạt động. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ sớm đưa ra hướng dẫn đối với các cơ sở kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao, chỉ dẫn chi tiết cho từng loại hình kinh doanh dựa theo đặc tính và môi trường làm việc nhằm quản lý bệnh truyền nhiễm tốt hơn.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, các trường đại học ở Thái Lan đã bắt đầu chuyển sang giảng dạy trực tuyến nhằm giúp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo truyền thông sở tại, Đại học Chulalongkorn (CU) đã đề xuất các khoa rút ngắn các tiết học và bổ sung bài giảng trên lớp bằng những tiết học và bài tập trực tuyến. Trường cũng đề nghị đội ngũ giảng viên chuẩn bị các giáo án số như thuyết trình và ghi âm bài giảng cho sinh viên tiếp cận trực tuyến thông qua các nền tảng như Echo360, MyCourseVille và Microsoft Team. Các giảng viên của trường cũng được yêu cầu đưa giáo trình giảng dạy vào chương trình học tập dựa trên việc giao bài tập, theo đó không đòi hỏi sinh viên phải có mặt trên lớp.
Cùng với Đại học Chulalongkorn, các trường đại học Thammasat, Mahidol, Suan Sunandha Rajabhat và Walailak cũng đều công bố những biện pháp tương tự.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đã đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế đóng cửa các trung tâm cách ly của nhà nước và đưa những người Thái Lan có lịch sử đi tới những vùng nguy cơ cao về nhà cách ly dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà chức trách. Giới chức Thái Lan nêu rõ biện pháp này là để tránh lặp lại những gì đã xảy ra trên du thuyền Diamond Princess.
Ngoài ra, kể từ ngày 12/3, tất cả khách nước ngoài tới Thái Lan đều phải cung cấp thông tin liên hệ cá nhân thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động do Tổng công ty cảng hàng không Thái Lan (AoT) phát triển. Đối với công dân Thái Lan, những người trở về từ những nước có nguy cơ cao cũng phải cung cấp thông tin qua ứng dụng này. Nếu không thực hiện được trên ứng dụng, hành khách sẽ phải điền thông tin vào một tờ khai khi nhập cảnh.
Thời gian này, lượng hành khách qua sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok đã giảm mạnh do khách quốc tế và người dân Thái Lan lo ngại sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã có dấu hiệu hạ nhiệt, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, hiện đang là tâm dịch của Trung Quốc, sẽ cho phép nối lại hoạt động sản xuất công nghiệp tại một số khu vực, đồng thời nới lỏng hạn chế đi lại tại những điểm này. Thông báo nêu rõ các biện pháp mới sẽ được áp dụng tại các thành phố Tiềm Giang và Thạch Thủ, các huyện Công An và Trúc Khê.
Diệu Linh - Đình Phương - Ngọc Quang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất