02/11/2016 15:05 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 2/11, Cơ quan An toàn vận tải Australia (ATSB) công bố báo cáo mới nhất của các nhà điều tra cho thấy máy bay mất tích MH370 của hãng Hàng không Malaysia ở trong tình trạng không kiểm soát khi rơi xuống Ấn Độ Dương.
Đặc biệt, từ việc nghiên cứu nắp cánh phải phía ngoài máy bay được vớt gần Tanzania, chuyên gia Greg Hood thuộc ATSB cho rằng chiếc máy bay chở khách này “không được đặt ở chế độ để hạ cánh hay đáp xuống biển”. Các nhà phân tích nhận định điều đó có thể cho thấy ở những khoảng khắc cuối cùng, máy bay MH370 đã không có ai kiểm soát khi nó bị hết nhiên liệu và rơi với tốc độ cao rồi chìm nhanh xuống đáy biển ở một vùng nào đó thuộc Ấn Độ Dương.
Số phận của chiếc máy bay MH370 vẫn là một ẩn số sau 2 năm mất tích. Ảnh: Sputnik
Dù chưa thể khẳng định giả thuyết trên chính xác 100%, song những phát hiện này đang cung cấp bức tranh rõ nhất về những phút cuối cùng của máy bay xấu số MH370 cho đến nay.
Hiện giả thuyết mới này cùng tất cả những bằng chứng mà ATSB, cơ quan dẫn đầu cuộc tìm kiếm, thu thập được trong quá trình điều tra hơn 2 năm qua đang được các chuyên gia từ Malaysia, Trung Quốc, Mỹ và Anh tham gia cuộc họp ở thủ đô Canberra của Australia từ ngày 2-4/11 xem xét.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) với 239 người trên đó đã bất ngờ mất liên lạc với mặt đất ngày 8/3/2014.
Theo giả thiết, máy bay đã đổi hướng và kết thúc hành trình tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương. Suốt hơn hai năm qua, Australia đã điều phối một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử ngành hàng không tại vùng biển rộng khoảng 120.000 km2 ở phía Nam Ấn Độ Dương, song vẫn chưa xác định được số phận của chiếc máy bay này.
Dự kiến chiến dịch tìm kiếm hiện nay sẽ kết thúc vào đầu năm tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vận tải Liên bang Australia Darren Chester ngày 2/11 khẳng định chiến dịch tìm kiếm chưa thể kết thúc vào đầu năm 2017 do điều kiện tìm kiếm ở Ấn Độ Dương gây nhiều trở ngại. Cuộc họp của các chuyên gia ở Canberra cũng nhằm mục đích xem xét kéo dài và mở rộng khu vực tìm kiếm.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất